Theo Chủ tịch UBND xã Thụy Hương Nguyễn Đức Học, từ khi được chọn làm điểm xây dựng NTM (năm 2009), địa phương đã nhận được sự hỗ trợ của nhiều ngành chức năng như Tổng cục Dạy nghề, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Giống… đưa nhiều chương trình dạy nghề, hướng nghiệp đến với LĐNT.

{keywords}
Mô hình sản xuất hoa chất lượng cao của Hợp tác xã hoa, cây cảnh Thụy Hương (huyện Chương Mỹ). Ảnh minh họa.

Riêng đối với các lớp nghề theo Đề án 1956, từ năm 2009 đến nay, xã Thụy Hương đã mở được 15 lớp với các nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp như móc sợi, mộc dân dụng, điêu khắc, trồng hoa, cây cảnh, lúa chất lượng cao, rau an toàn và cây ăn quả… Công tác dạy nghề có khảo sát, gắn với thực tế của người lao động và quy hoạch phát triển KTXH của địa phương nên được người dân nhiệt tình đón nhận.

Là xã có nghề mộc truyền thống, nhu cầu được học và nâng cao tay nghề của người dân rất lớn nên xã đã mở nhiều lớp nghề mộc. Triển khai xây dựng NTM, địa phương đã quy hoạch các vùng trồng rau an toàn, hoa, cây cảnh nên cũng rất cần dạy nông dân những kiến thức trồng, chăm sóc để họ có kỹ năng làm việc, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác.

Thực tế sau hơn 2 năm đào tạo nghề cho LĐNT đã đáp ứng được khoảng 80% nhu cầu học nghề của nông dân trong xã và mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Tại thôn Trung Tiến, trước khi mở lớp dạy nghề móc sợi, thôn chỉ có 25 hộ làm nghề, đến nay đã nhân ra hàng trăm hộ; đối với nghề mộc, do được đào tạo bài bản nên thu nhập bình quân của thợ mộc đã tăng từ 4 - 5 triệu đồng/tháng (trước mỗi thợ chỉ thu nhập từ 2-3 triệu đồng/tháng, nay là 6-8 triệu đồng/tháng.

Thanh Lan