- Trả lời câu hỏi của VietNamNet tại buổi họp báo chiều nay, Chủ tịch QH khẳng định sẽ không ngồi nhầm vai giữa một thành viên Chính phủ như trước kia và một lãnh đạo QH.

Ngay sau khi kết thúc kỳ họp đầu tiên QH khóa 13, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã chủ trì cuộc họp báo với sự tham gia của đông đảo phóng viên nghị trường trong và ngoài nước.

VietNamNet: Ông vừa chuyển từ vai trò Phó Thủ tướng thường trực sang Chủ tịch QH. Sự đổi vai này mang lại cho ông những thuận lợi, khó khăn nào trên cương vị mới? Chủ tịch có e ngại khi nào đó đang ngồi ghế điều hành mà ông bị nhầm vai không?

- Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: Công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước ta là làm theo yêu cầu và theo phân công của tổ chức. Căn cứ vào đó để xem xét năng lực, phẩm chất, tiêu chuẩn để tiến hành phân công và bầu cử.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (trái) và Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân tại buổi họp báo. Ảnh: Minh Thăng
Tôi đã được phân công và bầu làm Chủ tịch QH. Tôi đã có lời phát biểu khi nhậm chức. Tôi không ngồi nhầm vai đâu. Tất nhiên, đang làm Chính phủ mà sang làm bên QH thì cũng có thuận lợi. ĐB Dương Trung Quốc cũng đã phân tích khía cạnh thuận lợi. Vì một vị ĐBQH mà gắn với cuộc sống thì khi sang làm bên QH sẽ thuận lợi hơn. Trường hợp của tôi cũng na ná như vậy.

Nếu đổi mới được hoạt động, bám sát được chức năng nhiệm vụ đã có sẽ hoàn thành tốt.

Chỉ có một cái khó là khi làm thủ trưởng thì khác, nếu có nói gì đó, ai nghe thì nghe, không nghe thì quên đi.

Nhưng sang hoạt động bên QH thì không như thế. Cái khó của tôi là ở chỗ đó. Tôi cũng đã nói trước với Thường vụ QH là mong các đồng chí thông cảm, có thể trong tác phong của tôi cũng sẽ có lúc như thế. Nhưng tôi sẽ tập dần và sẽ không ngồi nhầm vai.

Còn nếu sang đây (Quốc hội - PV) mà tôi vẫn làm việc theo chế độ thủ trưởng như cũ thì sẽ bị nhầm vai. Chế độ thủ trưởng, chế độ nghị trường bên QH khác.

Xin nói là trước kia tôi đã từng làm Bộ trưởng Tài chính, tức là làm thủ trưởng. Rồi sang làm Phó Thủ tướng, là người giúp việc. Hai vị trí công việc này cũng khác nhau lắm. Và xin nói là tôi vẫn ngồi đúng vai.

Còn bây giờ, chuyển từ Chính phủ sang Quốc hội tức là chuyển từ chế độ thủ trưởng sang chế độ hội nghị (cười). Chế độ hội nghị là thảo luận dân chủ và quyết theo đa số. Đó cũng là cái khó. Tôi sẽ tập để làm tốt hơn.

Điều hành Quốc hội suốt 14 ngày vừa qua tôi thấy đã làm tốt việc này. Mỗi việc Chủ tịch QH đưa ra đều được QH bỏ phiếu thông qua, điều đó có nghĩa là tôi cũng đã làm tốt vai trò của mình.

Người lao động: Chính phủ vừa báo cáo QH tình hình Biển Đông. QH có yêu cầu gì với Chính phủ về bảo vệ chủ quyền quốc gia trong bối cảnh hiện nay?

- Về vấn đề Biển Đông, quan điểm của chúng ta là muốn hòa bình, hợp tác, hữu nghị, độc lập, dân chủ, gìn giữ hòa bình, ổn định của thế giới.

Chúng ta nhất quán quan điểm chủ quyền và quyền chủ quyền, phù hợp với pháp luật quốc tế và những cam kết quốc tế, đó là Công ước luật Biển 1982. Quan điểm của ta là đấu tranh để bảo vệ chủ quyền, và làm hết sức vì sự hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới. 

Thông tấn xã Việt Nam: QH những năm gần đây có nhiều đổi mới trong việc nâng cao vai trò giám sát. Vậy khóa 13 sẽ có những giải pháp nào để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát?

- Với chức năng lập pháp, trước tiên phải đổi mới chương trình xây dựng pháp luật, lựa chọn cho đúng và sát với thực tiễn, để sắp đặt thứ tự ưu tiên, tránh tình trạng các luật ra đời nhưng chưa đi vào cuộc sống. Thứ hai, đổi mới quy trình làm luật. Thứ ba, đổi mới các bước từ soạn thảo cho đến thảo luận và thông qua ủy ban, thông qua Thường vụ, ra đến QH. Quy trình lập pháp phải tính toán chặt chẽ. Ban hành luật, pháp lệnh là phải đi vào cuộc sống.

Về xem xét quyết định các công trình quan trọng quốc gia, trước tiên phải đổi mới quy trình xem xét,  lọc ra đâu là vấn đề quan trọng, chứ không phải vấn đề gì cũng đưa ra QH. Có nhiều vấn đề chỉ cần hội đồng nhân dân các cấp quyết định.

Sau đó, phải có thời gian để lắng nghe sự tham gia rộng rãi hơn của các tầng lớp xã hội để từ đó QH đưa ra quyết định chính xác nhất.

Ví dụ như khi QH đã bỏ phiếu phê chuẩn rồi thì phải giám sát xem người mà mình bỏ phiếu cao đã làm việc thế nào.

Việc giám sát không chỉ của riêng QH mà còn là giám sát của đoàn ĐBQH, của Thường vụ, các ủy ban. Đã làm là phải làm đến nơi đến chốn. Người  làm giám sát cũng phải có năng lực, trình độ.

            Chưa nước nào bỏ phiếu cao như vậy

Về kết quả kỳ họp thứ nhất, ông Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, trong các buổi thảo luận bầu nhân sự cho bộ máy Chính phủ vừa qua, QH đã rất tập trung phiếu. Việc giới thiệu nhân sự, bầu bộ máy đã tiến hành dân chủ, đúng trình tự, có xem xét lựa chọn và cân nhắc thận trọng nhiều mặt, thảo luận nghiêm túc, giải trình thấu đáo, đúng luật. Kết quả biểu quyết phê chuẩn chung về bộ máy đạt tới 100%.

Tôi ở QH đã lâu, chưa lần nào thấy biểu quyết 100%. Trên thế giới chưa có nước nào bỏ phiếu cao như vậy”, ông chia sẻ.


Lê Nhung


Quốc hội có nhiệm kỳ, đất nước thì không
Chặng đường đất nước 5 năm tới định hình thế nào phụ thuộc vào tinh thần trách nhiệm và sự chủ động vào cuộc của 500 đại biểu QH, ngay từ kỳ họp đầu, khai mạc hôm nay.
 
Hy vọng sự khởi sắc của một nhiệm kỳ mới
Một nguyên thủ quốc gia mà khiêm nhường mong mỏi nhân dân giám sát, phê bình, góp ý - đó là một dấu hiệu đáng vui mừng và hy vọng về sự khởi sắc của một nhiệm kỳ mới.

Sẽ giám sát tốt hơn nhờ thâm niên ở Chính phủ
Không cho rằng tân Chủ tịch QH sẽ xuê xoa với Chính phủ mà ông nhiều năm là thành viên, trái lại, các đại biểu đều mong ông sẽ phát huy chính lợi thế này.