Hiện nay, ngành lâm nghiệp chịu trách nhiệm quản lý 16,348 triệu ha đất lâm nghiệp. Trong đó, diện tích có rừng là 14,860 triệu ha. Lâm nghiệp hiện đã trở thành ngành kinh tế quan trọng với giá trị xuất khẩu đạt trên 13,2 tỷ USD, đóng góp trên 30% tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp, đạt 5% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước.
Đây là một ngành kinh tế - kỹ thuật đặc thù. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý diện tích rừng và đất trồng rừng, cũng như giúp theo dõi sát sao sức khỏe của hệ sinh thái, dự đoán nguy cơ cháy rừng, phát hiện khai thác… ngành lâm nghiệp đang chú trọng chuyển đổi số.
Từ năm 2013, ngành lâm nghiệp đã xây dựng hệ thống nền thông tin quản lý. Theo đó, hệ thống này đóng vai trò là nền tảng để tiếp nhận, tích hợp, kết nối các phần mềm, ứng dụng chuyên ngành, phục vụ cho việc cập nhật dữ liệu, hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành lâm nghiệp. Nhờ đó, dữ liệu chuyên ngành lâm nghiệp hiện có đã được cài đặt, tích hợp vào hệ thống với các cơ sở dữ liệu về tài nguyên rừng, về điều kiện lập địa thích hợp cho trồng rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng, thông tin mùa vụ trồng rừng, các khu rừng đặc dụng…
Cùng với đó, các đơn vị trong lĩnh vực lâm nghiệp đã xây dựng và ứng dụng công nghệ 4.0 để tạo ra nhiều sản phẩm công nghệ có ứng dụng thực tế cao, góp phần quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên rừng như hệ thống cảnh báo cháy rừng tự động; hệ thống phát hiện sớm cháy rừng; biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng tự động; bộ quan trắc mặt đất giám sát cháy rừng; hệ thống phát hiện sớm mất rừng. Trong lĩnh vực chế biến và thương mại lâm sản là hệ thống truy xuất nguồn gốc gỗ rừng trồng hợp pháp - ITWOOD. Trong xây dựng nền tảng để phát triển thông tin, dữ liệu dùng chung là hệ thống thông tin Lâm nghiệp - Forestry 4.0.
Công nghệ GIS và Viễn thám là một giải phát hỗ trợ đắc lực cho vấn đề quản lý tài nguyên rừng, môi trường. Bạn có thể thiết lập bản đồ hiện trạng rừng với các quy mô khác nhau, quản lý, phân tích dữ liệu, bản đồ trong GIS, và xa hơn nữa là làm thế nào để xác định và tổ hợp các nhân tố ảnh hưởng đến đối tượng quản lý, nghiên cứu; như quy hoạch phân cấp xung yếu lưu vực trên cở sở xác định nhân tố khí hậu, thủy văn, địa hình, đất đai, thảm thực vật, hoặc làm thế nào để đánh giá quá trình sử dụng tài nguyên thiên nhiên để có giải phát tích hợp
GIS là công cụ dựa trên máy tính dùng cho việc thành lập bản đồ và phân tích các đối tượng tồn tại và các sự kiện bao gồm đất đai, sông ngòi, khoáng sản, con người, khí tượng thuỷ văn, môi trường nông nghiệp v.v xảy ra trên trái đất. Công nghệ GIS dựa trên các cơ sở dữ liệu quan trắc, viễn thám đưa ra các câu hỏi truy vấn, phân tích thống kê được thể hiện qua phép phân tích địa lý.
Những sản phẩm của GIS được tạo ra một cách nhanh chóng, nhiều tình huống có thể được đánh giá một cách đồng thời và chi tiết. Hiện nay nhu cầu ứng dụng công nghệ GIS trong lĩnh vực điều tra nghiên cứu, khai thác sử dụng, quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường ngày càng gia tăng không những trong phạm vi quốc gia, mà cả phạm vi quốc tế.
Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, công nghệ viễn thám đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt với sự trợ giúp của phần mềm ArcGIS, đã mang lại hiệu quả cao trong quá trình xử lý hình ảnh để thành lập các bản đồ chuyên đề khác nhau. Kết quả của việc xử lý, nắn chỉnh, chồng ghép hình ảnh dựa vào phần mềm giúp ta hình thành bản đồ chuyên đề về hiện trạng của khu vực mà mình muốn theo dõi với các thông tin trung thực và chính xác, giúp cho việc quản lý đất đai, tài nguyên thiên nhiên, phòng tránh thiên tai một cách hợp lý nhất.
Nhờ ứng dụng công nghệ số trên đã giúp công tác quản lý, điều hành và ra quyết định kịp thời và chính xác, công tác giám sát tài nguyên rừng hiệu quả hơn. Nhờ đó, giảm thiểu nguy cơ suy thoái rừng và cải thiện khả năng bảo vệ tài nguyên rừng.