"Im lặng hay nói ra khi cô giáo dạy sai?" là câu hỏi thực khó trả lời, vì nhiều khi nói ra con cái chúng ta "mất" nhiều hơn "được", và trẻ con đâu đáng bị chịu sức ép tâm lý khi cô giáo "khoanh vùng".
Những bài toán cô giáo chấm cho con anh Vũ Văn Danh rõ ràng là sai, nhưng con thì nhất nhất phải theo cách cô đã dạy ở lớp. Chính vì thế, dù bị bố đánh thì cháu vẫn một mực cãi "cô dạy như vậy" và bài kiểm tra cô chấm đúng. Ai trong hoàn cảnh của anh Danh cũng thấy hoang mang và bực bội vì dạy đúng mà con không nghe còn cãi lời.
Cách dạy toán "lạ lùng" của cô giáo |
Bài toán tìm x, nếu bảo cô hạ bút chấm nhầm thì chỉ có thể nhầm ở 1 phép tính x chứ không thể nhầm ở 4 phép tính x. Phụ huynh hẳn nhiên là bất bình vì kiến thức cơ bản đó lại được cô giảng cho con cách làm toán sai, sai đến mức không thể chấp nhận được.
Chúng ta đều tự hỏi khi cô giáo dạy sai cho con, mình phải làm gì để trao đổi lại với cô giáo?
Chỉ có phương án duy nhất là gặp cô, hỏi lại cô giáo thật rõ ràng về phương pháp giải toán mà cô dạy cho con, góp ý với cô để cô hoàn thành tốt việc giảng dạy cho học sinh. Nhưng chính phụ huynh cũng khó lòng lường trước được phản ứng của cô giáo... Chỉ khi các cô giáo xung quanh đều thừa nhận cô dạy sai, cô giáo mới có lời với phụ huynh, mong thông cảm và cô sẽ điều chỉnh.
Tôi thấy hơi tiếc cho anh Danh khi anh chọn thời điểm tới gặp cô giáo của con vào giờ ra chơi, khiến cô giáo bị "mất mặt" với đồng nghiệp và cô hiệu trưởng.
Đọc câu chuyện này, tôi cảm thấy cô giáo thực cố chấp, cô không muốn thừa nhận mình sai trước mặt phụ huynh học sinh. Cô dạy sai nên cô chấm cũng sai, vì cô cho rằng mình đúng.
Hẳn nhiều phụ huynh giống tôi khi đọc bài này đều dấy lên suy nghĩ "trình độ toán của cô giáo tới đâu?". Đây là bài toán quá đơn giản, tại sao cô lại hướng dẫn học sinh sai hoàn toàn?
Phản ứng của cô giáo sau khi phụ huynh tới lớp phản ánh với tinh thần xây dựng, chứ không có ý gì thì cô giáo ngay lập tức không quan tâm tới con anh Danh nữa, không cho con phát biểu trong giờ học. Thái độ "trù úm", "bỏ qua" học trò của cô giáo thật đáng buồn.
“Im lặng hay nói ra khi cô giáo dạy sai?” là câu hỏi khó trả lời (Ảnh chỉ mang tính minh họa, nhân vật trong ảnh không liên quan tới bài viết. Ảnh: Đinh Quang Tuấn) |
Vài tháng nữa là kết thúc năm học, tôi nghĩ anh Danh không cần thiết phải trao đổi lại với cô giáo vì chắc chắn cô vẫn sẽ ngấm ngầm ghét con anh, và giáo viên ở lớp thì thiếu gì cách làm cho học sinh mất tinh thần. Cô không quan tâm, động viên con nữa mà có thể sẽ mắng con vì mắc lỗi này, lỗi kia...
Tôi nghĩ anh nên quan tâm, động viên con học hành và không nên để ý tới thái độ hiện tại của cô giáo lúc này.
Tôi từng biết có nhiều phụ huynh bất bình khi cô giáo đối xử với con ở lớp như tát con, lấy thước đánh vào tay vì con viết xấu, viết chậm hay nói chuyện riêng nhưng họ vẫn im lặng vì sợ cô trù dập con. Bây giờ, trẻ tiểu học thời gian ở lớp, ở trường nhiều hơn ở nhà, nhỡ cô lờ đi không còn để ý tới cô thì bố mẹ còn lo lắng hơn.
“Im lặng hay nói ra khi cô giáo dạy sai?” - câu hỏi thực khó trả lời. Vì nhiều khi nói ra như anh Danh con cái chúng ta "mất" nhiều hơn "được", và trẻ con đâu đáng bị chịu sức ép tâm lý khi cô giáo "khoanh vùng".
Còn nếu cứ im lặng thì con học mà lại dốt đi.
Lời đáp cho câu hỏi này chỉ có thể là: Nếu phụ huynh muốn góp ý với giáo viên của con thì nên hẹn gặp riêng để trao đổi thẳng thắn. Đấy cũng là cách giữ thể diện cho cô giáo mà phụ huynh cũng không phải bực bội vì chuyện bài toán, bài văn ở lớp cô dạy con nữa.
- Phụ huynh Thanh Mai