Có cả hệ sinh thái du lịch
Tại Hội thảo Phát triển Đà Nẵng xứng danh thành phố đáng sống, diễn ra ngày 27/6, TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đưa ra hai khái niệm: thành phố đáng đến và đáng sống.
Theo ông, nếu đến Đà Nẵng để du lịch ngắn hạn thì tuyệt vời, nhưng quan trọng là thành phố có trở thành nơi sống tốt, nơi làm việc tốt và thu nhập tốt không, có xứng đáng để cống hiến không.
Ông nhấn mạnh, Đà Nẵng không chỉ là điểm đến, mà phải là điểm đến hàng đầu. Là một người luôn đau đáu với Đà Nẵng, ông đề xuất phải làm thế nào đó để người ra sẵn sàng “ném” cả cuộc đời mình vào thành phố, sẵn sàng đến Đà Nẵng sống. Muốn thế, Đà Nẵng cần định vị lại khả năng của mình trong tương lai, để đổi mới, hợp với xu thế, ngang tầm thế giới và phải đầy sáng tạo. Đà Nẵng cần được định hướng để trở thành trung tâm sáng tạo, đổi mới quốc gia.
Điều này, Đà Nẵng hoàn toàn có thể làm được. TS. Trần Đình Thiên đánh giá, thành phố có khả năng vượt qua những trói buộc để lột xác và phát triển mạnh mẽ. Điều đó được thể hiện qua các con số, như GRDP (giá so sánh 2010) tăng 8 lần; GRDP/người tăng 8,3 lần, từ 502 USD lên 4.171 USD; vị thế kinh tế quốc gia của Đà Nẵng từ 1,22% lên 1,88%; số lượng DN (2020): tăng 2,7 lần; dự án FDI cấp mới và tăng thêm từ 2 dự án (năm 2000) lên 133 dự án (2019); lượng khách du lịch tăng 55 lần (đạt gần 8,7 triệu năm 2019),...
Sau những trải nghiệm tự nhận thấy là "vô duyên" ở Phuket (Thái Lan) TS. Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch (TAB), khẳng định, không nghi ngờ gì khi nói rằng Đà Nẵng là điểm đến du lịch số 1, tốt nhất Việt Nam. Đà Nẵng có tất cả mọi thứ: đô thị xinh xắn, biển đẹp nhất châu Á và thế giới, núi Ngũ Hành Sơn, Bà Nà,... Về hệ sinh thái du lịch, Đà Nẵng là dẫn đầu cả nước, không thành phố nào có được. Do đó, năm 2021, khi TAB xây dựng Tiêu chí năng lực cạnh tranh điểm đến, Đà Nẵng đứng ở vị trí số 1.
"Với những lợi thế này, Đà Nẵng đang xác định rất đúng là đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, nếu cả nước du lịch đóng góp 9% vào GDP thì Đà Nẵng phải tận dụng mọi cơ hội, tiềm năng để đạt mức tăng trưởng cao hơn, khoảng 15%”, ông Nam nói.
Với sự quan sát của mình, ông nhận thấy sự trở lại của du lịch Đà Nẵng sau Covid có chậm hơn một chút so với các địa phương khác như Nha Trang, Phú Quốc,... do địa phương thận trọng hơn trong chống dịch, song đến nay thành phố đang dẫn đầu về sự hồi phục của du lịch nội địa.
Tuy nhiên, ông Nam cho rằng, Việt Nam nên có đề án hình thành hệ sinh thái du lịch cho đối tượng siêu giàu và Đà Nẵng cũng nên hướng tới điều này. Cần làm rõ Đà Nẵng đáng đến với đối tượng nào, vì đối tượng bình dân và siêu giàu khác nhau rất nhiều. Do chưa có hệ sinh thái du lịch siêu giàu, cả nước hiện không có một chiếc trực thăng VIP, trực thăng y tế, trong khi 1 khách nhà giàu chi tiêu bằng hàng trăm khách bình thường, ông nói.
Là nơi đáng sống, không chỉ đáng đến
Lâu nay, Đà Nẵng vẫn được nhắc đến và đang hướng tới là một thành phố đáng sống. Tuy nhiên, trên thực tế, Đà Nẵng đã đạt được yêu cầu về một thành phố đáng sống chưa thì TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nhận xét đây mới chỉ là một thành phố đáng đến.
Ông lý giải, một thành phố đáng sống chắc chắn là đáng đến, nhưng một thành phố đáng đến chưa chắc đã đáng sống. Đà Nẵng có nhiều tiềm năng, lợi thế như Singapore, thậm chí hơn cả quốc gia này khi có biển, có núi, văn hóa tâm linh,... nhưng khi được hỏi về nơi đáng sống tại Việt Nam vẫn bị xếp sau Hà Nội và TP.HCM. Do đó, Đà Nẵng cần bắt tay xây dựng ngay thành nơi đáng sống.
KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam, cho rằng, để trở thành một thành phố đáng sống, Đà Nẵng trước hết phải là một đô thị toàn cầu. Khi đó, địa phương phải đáp ứng được các tiêu chí: toàn cầu hóa; xây dựng đô thị đáng sống, không chỉ cho người Việt Nam mà cả người nước ngoài, những đại gia tỷ phú thế giới; phải có bản sắc riêng.
Đồng tình với quan điểm này, Tổng giám đốc CBRE Việt Nam, bà Đặng Phương Hằng nhìn nhận thẳng thắn, những gì “đáng sống” ở Đà Nẵng vẫn chủ yếu dựa vào tự nhiên sẵn có, nền tảng hạ tầng cơ sở nhiều năm nay vẫn vậy... Thành phố chưa kiến tạo được những điểm nhấn đủ sức thu hút giới thượng lưu đến để sống, để mua nhà, sở hữu tài sản, làm ăn kinh doanh và thu hút những người trẻ giỏi đến học tập, lập nghiệp.
Do đó, TS. Trần Đình Thiên góp ý, du lịch vẫn phải tiếp tục được đầu tư, tuy nhiên phải phát triển ở đẳng cấp cao nhất. Ví như cuộc thi bắn pháo hoa, Bà Nà Hills là điển hình tỏa sáng của Đà Nẵng. Nay, cần thay đổi tư duy, biến lễ hội không chỉ là bắn pháo hoa thông thường mà là cuộc thi đấu toàn cầu, diễn ra trong 2 tháng liên tục.
"Nếu chúng ta tin rằng chúng ta đã tốt rồi, Đà Nẵng đã là điểm đến đáng sống rồi mà thấy tự mãn, hay nói một cách hơi thật là chúng ta 'dừng lại' thì chúng ta sẽ bị tụt hậu, bà Trần Nguyện, Giám đốc Kinh doanh Sun World (Sungroup), nhấn mạnh.
Với quan điểm là nếu một điểm đến đáng sống rồi thì phải làm cho đáng sống hơn nữa, đặc sắc hơn nữa, các công trình sau này của tập đoàn cũng đi theo hướng khác biệt, đặc sắc hơn. Chẳng hạn tại Bà Nà Hills, Sun World vừa bổ sung một số điểm vui chơi mới như cổng thời gian, tượng thần mặt trời, lâu đài mặt trăng với show diễn ấn tượng, carnival Sunset,... Nhờ đó, lượng khách quay lại Bà Nà vào cuối tuần đạt 15.000 người mỗi ngày.
Về phía các DN du lịch, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cho hay cộng đồng DN đề xuất 5 nhóm trụ cột để khai thác tốt nhất, tạo đột phá mới, đó là nhóm sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp; nhóm văn hóa lịch sử gắn với văn hóa bản địa, ẩm thực; nhóm du lịch MICE; du lịch đô thị, điểm đến trung chuyển và du lịch sinh thái rừng núi sông hồ phía Tây.
Ngoài ra, theo ông Dũng, với lợi thế sát biển, thành phố này được định hướng trở thành thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên. Đà Nẵng nên tận dụng để hiện thực hóa tham vọng đưa công xưởng du thuyền châu Âu về thành phố. Đây còn là nơi thu hút giới siêu giàu, thượng lưu đến bằng siêu du thuyền. Vậy, phải có đầu tư cả các bến du thuyền đẳng cấp, tương xứng, các tour trải nghiệm dành cho giới siêu giàu, thậm chí thành phố cần tính tới việc gia tăng sức hút để giới siêu giàu mua nhà ở Đà Nẵng, thường xuyên đến đây như về ngôi nhà thứ 2.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng: Từ khi “mở cửa bầu trời” tới cuối tháng 6/2022, Đà Nẵng đã đón 286 chuyến bay quốc tế với 35.000 lượt khách. Ngày 24/6, Đà Nẵng đón 120 chuyến bay nội địa và quốc tế - con số kỷ lục, vượt mốc cao nhất của năm 2019. Dự kiến, 6 tháng cuối năm 2022, sẽ có 15 hãng khai thác các đường bay quốc tế từ Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Malaysia… đến Đà Nẵng, với tổng tần suất 90 chuyến/tuần. Ngoài ra, thành phố cũng dự kiến xúc tiến mở đường bay tới Ấn độ, Philippines… Đây thực sự là những tín hiệu đáng mừng cho du lịch Đà Nẵng sau hơn 2 năm chịu tác động chưa từng có bởi bão Covid-19. |