Đã gần một năm kể từ khi vắc xin Covid-19 bắt đầu được tiêm chủng trên toàn thế giới. Kể từ đó, rất nhiều điều đã thay đổi. Từ các biến thể mới xuất hiện đến làn sóng Covid-19 diễn ra ở nhiều nước. Ngoài ra, còn có những lo ngại gần đây về khả năng miễn dịch suy giảm và các ca bệnh ở những người đã tiêm chủng.
Ảnh minh họa: QZ
Lý do tiêm trộn ngày càng phổ biến
Các nhà khoa học đánh giá những biến thể mới dễ lây nhiễm, đáng lo ngại hơn so với chủng ban đầu. Bởi vậy, họ e ngại các loại vắc xin hiện nay có thể không hiệu quả cao khi chống lại virus SARS-CoV-2. Ngoài ra, khả năng miễn dịch có được từ vắc xin đang suy giảm, dẫn tới nhu cầu cấp bách của việc tiêm phòng nhắc lại.
Giữa các cuộc thảo luận xung quanh vắc xin tăng cường, việc kết hợp các loại vắc xin Covid-19 khác nhau được coi là một kỹ thuật để tăng hiệu quả miễn dịch.
Trên thực tế, trước đây, nhiều nước đã cho phép việc tiêm trộn kết hợp 2 loại vắc xin khác nhau. Ví dụ: mũi 1 là vắc xin AstraZeneca, mũi 2 là vắc xin Moderna hoặc Pfizer.
Ngay cả những nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới cũng lựa chọn giải pháp này. Thủ tướng Đức Angela Merkel, 66 tuổi, được tiêm liều thứ hai của vắc xin Moderna sau khi tiêm liều đầu tiên của AstraZeneca. Tại Italy, Thủ tướng Mario Draghi, 73 tuổi, tiêm AstraZeneca và Pfizer. Thủ tướng Canada, Justin Trudeau tiêm AstraZeneca và Moderna.
Một nghiên cứu của Lancet cho thấy việc trộn liều vắc xin AstraZeneca với vắc xin công nghệ mRNA (Moderna, Pfizer) tạo ra phản ứng miễn dịch chống lại virus SARS-CoV-2 mạnh mẽ hơn so với hai liều AstraZeneca. Các bằng chứng hiện ghi nhận, kỹ thuật tiêm đó an toàn.
Ngoài ra, với một lượng lớn người dân vẫn đang chờ đợi để được tiêm chủng cho chính mình và người thân của họ, việc kết hợp các loại vắc xin Covid-19 sẽ tăng tính linh hoạt.
Tiêm trộn có an toàn không?
Việc trộn các liều vắc xin khác nhau nghe có vẻ bất thường, nhưng đối với các nhà miễn dịch học, điều đó không có gì mới.
Vắc xin Ebola do Johnson & Johnson phát triển là một ví dụ về vắc xin hỗn hợp hiệu quả, cung cấp khả năng miễn dịch lâu dài. Mũi tiêm thứ nhất dùng adenovirus tương tự như vắc xin AstraZeneca. Mũi thứ hai sử dụng phiên bản sửa đổi của poxvirus.
Tuy nhiên, các nhà khoa học Anh ghi nhận tình trạng những người tiêm vắc xin AstraZeneca sau đó là vắc xin Pfizer có nhiều tác dụng phụ như sốt, ớn lạnh, nhức đầu, mỏi cơ và đau khớp so với những người đã tiêm 2 liều cùng loại vắc xin.
Tuy nhiên, không ai cần phải nhập viện vì các triệu chứng này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.
>>> Thông tin về Vắc xin Covid-19 mới nhất
An Yên (Theo Gavi, Times of India)
Vắc xin Covid-19 có thể phải tiêm mỗi năm một lần
Giám đốc điều hành Pfizer, Albert Bourla, dự đoán cuộc sống bình thường sẽ trở lại trong vòng một năm và chúng ta có thể cần tiêm vắc xin Covid-19 thường xuyên.