Thị trường tài chính Việt Nam mới đây xuất hiện mạng lưới Pi Network (đồng Pi), được quảng cáo là hoàn toàn miễn phí và sẽ thay thế Bitcoin trong tương lai. Chỉ cần gõ cụm từ “Pi Network” vào thanh tìm kiếm, bộ máy khổng lồ của Google lập tức trả về hàng trăm nghìn kết quả liên quan. Qua đó, người dùng mạng dễ dàng tiếp cận hàng loạt thông tin “hấp dẫn” về Pi Network. Nhưng ngay khi đồng tiền này bắt đầu "nóng", các chuyên gia đã liên tục cảnh báo nhiều điểm mập mờ. Tuy vậy, lượng người đổ xô đào Pi vẫn không ngừng tăng.
Đổ xô đào Pi vì "không mất gì"?
Vào vai một người dùng muốn tham gia đầu tư Pi Network, PV VTC News tiếp cận một nhóm kín hàng chục nghìn thành viên trên Facebook và được hỗ trợ vô cùng nhiệt tình.
Theo quảng cáo, để đào được Pi, người dùng chỉ cần cài đặt một ứng dụng dành cho smartphone và hàng ngày vào đó bấm nút “khai thác”. Để kích thích người dùng tích cực mời người khác tham gia, ứng dụng này đưa ra cơ chế tăng tốc độ đào Pi. Cứ mời thêm một người dùng, tốc độ đào Pi sẽ tăng thêm 0,5 lần/giờ; gấp hơn 4 lần tốc độ mặc định ban đầu. Ở thời điểm hiện tại, người tham gia đào Pi không phải nạp bất kỳ loại tiền nào vào ứng dụng. Tuy nhiên, người dùng bắt buộc phải cung cấp thông tin cá nhân bao gồm ảnh chụp passport, số điện thoại, email cá nhân.
Tiền ảo Pi Network đang sốt với nhiều quảng cáo hấp dẫn, song chuyên gia cảnh báo người chơi không nên tham gia. |
Chính cơ chế "hoàn toàn miễn phí" đã thu hút rất đông người tham gia. "Có mất gì đâu mà không chơi" là câu trả lời của nhiều người về Pi. Người chơi cũng hy vọng, nếu đào được Pi thì ngày nào đồng tiền này tăng giá như Bitcoin, họ sẽ kiếm được rất nhiều tiền. "Theo quảng bá, Pi Network đã có khoảng 13 triệu người tham gia từ nhiều nước, chứng tỏ sức nóng của nó. Trong khi không mất chi phí thì tại sao lại không tham gia để thử cơ hội đầu tư?", một người chơi nói.
"Pi cũng được nhà phát triển nền tảng tặng cho cộng đồng giống như Bitcoin cách đây 10 năm. Trước sau gì, đồng tiền này sẽ được niêm yết trên các sàn giao dịch quốc tế và giá trị của nó sẽ tăng đến hàng trăm thậm chí hàng chục nghìn USD. Khi đó, Pi sẽ là đồng tiền điện tử thế hệ mới, thay thế Bitcoin. Hiện tôi đang có khoảng gần 1.000 Pi. Sau này, mỗi Pi có giá chỉ 1 USD thôi, tôi cũng sẽ có tới nghìn USD", một người chơi khác tính toán
Tuy nhiên, bất chấp Pi được quảng cáo là hoàn toàn miễn phí, các chuyên gia vẫn đồng loạt lên tiếng cảnh báo nguy cơ loại tiền ảo này sẽ khiến người chơi không chỉ mất thời gian mà còn mất cả tiền và thông tin cá nhân.
Nguy cơ mất cả tiền và thông tin cá nhân
Trả lời VTC News, PGS.TS Ngô Trí Long nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nhận định Pi không có nguồn gốc rõ ràng nên không định giá được, người chơi vì thế không nên tin tưởng. Mô hình hoạt động của Pi đang giống mô hình của hoạt động đa cấp, lấy của người sau trả cho người trước. Mặc dù ở thời điểm hiện tại, người dùng không phải đầu tư bất kỳ khoản tiền nào vào Pi Network, nhưng ông Long dự báo đến một thời điểm, cùng với việc nắm trong tay dữ liệu cá nhân quan trọng, ứng dụng này sẽ buộc người dùng phải nạp tiền vào để tiếp tục đầu tư.
Có quan điểm "trên đời này không có chuyện gì kiếm tiền mà lại dễ dàng đến vậy", chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định: "Tại thời điểm này chưa có đầu tư, người dùng chưa có rủi ro. Nhưng đến khi bắt đầu có đầu tư, có giao dịch thì thì rủi ro sẽ hiện hữu. Và cái rủi ro này có lẽ sẽ lớn hơn tất cả các đồng tiền khác vì Pi chưa hề có lịch sử, chưa có thị trường. Thị trường mà những thành viên Pi Network quảng cáo chỉ là thị trường ảo, không ai kiểm chứng được”.
Ông Hiếu cảnh báo: "Không phải đầu tư bất kỳ khoản tiền nào chỉ là cách mà những người tạo ra đồng tiền này lôi kéo người chơi. Cho đến khi người dùng nạp tiền vào, có thể sẽ diễn ra kịch bản đồng tiền này bị đánh sập”.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh đến nguy cơ thông tin cá nhân của người đào Pi bị đánh cắp và trục lợi. "Điều này rất thiếu an toàn. Trong khi Pi không được xác thực thì ai có thể kiểm soát những thông tin cá nhân mà người chơi cung cấp không bị sử dụng vào mục đích xấu?", ông Hiếu đặt nghi vấn.
TS Đặng Minh Tuấn, Trưởng Lab Blockchain (Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông), cũng cảnh báo những vấn đề mờ ám của hệ thống Pi Network. Ông cho hay đã cài Pi Network để trải nghiệm và nhận thấy bản chất đây là một hệ thống đóng, sử dụng nền tảng Blockchain sẵn có của Stellar (Stellar là nền tảng công nghệ thanh toán phi tập trung, mã nguồn mở); có sửa cấu hình để có đồng Pi. Trong khi các loại đồng tiền mã hóa như Bitcoin đều là hệ thống mở, minh bạch.
"Nguyên tắc bất di bất dịch của blockchain là tính minh bạch. Pi Network có ứng dụng trên di động và các máy chủ xử lý thực tế, vậy tại sao không mở mã nguồn để cộng đồng xem xét mà phải đóng?", ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cho rằng đồng tiền Pi có nhiều vấn đề vì người dùng Pi có tài khoản, nhưng không có địa chỉ ví và khóa bí mật, như vậy, sau này sẽ không thể chuyển tiền hay tiêu được. Tiền chỉ được lưu trên điện thoại hoặc server tập trung, người quản trị có thể thay đổi và tạo ra bao nhiêu tiền tùy theo ý muốn. Khi đó, đồng tiền cũng không còn giá trị gì. Sau khi tìm hiểu, cài app, đọc white paper thì có thể nói có rất nhiều dấu hiệu là một dự án scam, lừa đảo.
Một trang thương mại sử dụng đồng tiền Pi. |
Trong khi đó, anh Hoàng Trung Hiếu, một người có kinh nghiệm trong việc xây dựng và vận hành hệ thống máy tính đào Bitcoin cho biết, cách thức để đào được Bitcoin hay những đồng tiền điện tử khác là sử dụng hệ thống máy tính chuyên dụng có trang bị card đồ họa số lượng lớn chạy liên tục để giải mã các thuật toán. Do đó, việc đào tiền ảo (hay giải mã các thuật toán) trên điện thoại là một điều khó khả thi. Anh Hiếu dẫn chứng: “Một dự án mang tên Electroneum từng có giai đoạn cho phép dùng điện thoại để thực hiện công việc này. Nhưng đó chỉ là sự hiện diện của người dùng trên nền tảng đám mây chứ bản chất không hề dùng điện thoại để giải mã thuật toán".
Hơn nữa, hoạt động của Pi Network theo mô hình Ponzi. Mô hình Ponzi là một hình thức lừa đảo thu hút các nhà đầu tư và trả lợi nhuận cho các nhà đầu tư trước đó bằng tiền từ các nhà đầu tư gần đây hơn. Mô hình này khiến nạn nhân tin rằng lợi nhuận đến từ việc bán sản phẩm hoặc các phương tiện khác, và họ vẫn không biết rằng các nhà đầu tư khác là nguồn tiền.
Nói về việc nhiều thành viên khoe nhau rằng giao dịch Pi để đổi lấy tài sản lớn như nhà, xe hơi, anh Hiếu cho rằng những giao dịch này chỉ là các trao đổi ngang hàng, tự phát vì Pi chưa hề được định giá hay lên sàn. Thậm chí, anh Hiếu còn nghi ngờ về sự xác thực của những thông tin trên.
Pi đang hoạt động phạm pháp
Nhiều luật sư, chuyên gia nhận định như vậy khi nói về hoạt động của tiền ảo Pi ở Việt Nam.
Trên một trang thương mại sử dụng đồng Pi, trang này tự nhận là nơi "trung gian cung cấp thông tin cho các bên có nhu cầu trao đổi hàng hoá bằng đồng tiền điện tử Pi Network", nó thuộc sở hữu và vận hành bởi "Tập thể những người tiên phong tại Việt Nam". Như vậy, có thể thấy trang web này không thuộc sở hữu của cơ quan, tổ chức có tính pháp lý nào.
Về cách giao dịch, trang này khuyến nghị các bên nên thực hiện trực tiếp. Hai bên tự đồng thuận cho việc xem, dùng thử hàng hóa...Dựa theo một hợp đồng mua bán đã thực hiện, trang này định giá 1 Pi tương đương 100.000 đồng. Người mua có thể lựa chọn các tỉ lệ trao đổi gồm: 100% đồng Pi, 50% Pi + 50% VNĐ, 40% Pi + 60% VNĐ hoặc 30% Pi +70% VNĐ.
Tuy nhiên, theo nhiều luật sư, việc trao đổi, mua bán bằng các đồng tiền thuật toán trong lưu thông tiền tệ là hành vi trái pháp luật Việt Nam.
Luật sư Diệp Năng Bình - Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật phân tích: Theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành, tiền ảo không được coi là tài sản hay hàng hóa. Điều 105 Bộ luật Dân sự nêu rõ, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; bao gồm cả bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai. Theo định nghĩa trên, tài sản chỉ tồn tại ở 1 trong 4 dạng.
Theo quy định tại khoản 6, 7 Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP về sửa đổi bổ sung một số điều của NĐ101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặtvề thanh toán không dùng tiền mặt thì: Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. "Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định vừa nêu”, luật sư Diệp Năng Bình nhấn mạnh.
Theo ông Bình, nếu chứng minh được Pi đang dụ dỗ, lôi kéo người chơi dựa trên những viễn cảnh không có thật được tô vẽ, có thể khởi tố xử lý hình sự theo điều 290 của bộ luật Hình sự quy định tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Đó là hoạt động lừa đảo trong thương mại điện tử, kinh doanh tiền tệ, thanh toán điện tử, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng…
(Theo VTC News)