Đừng thấy chưa có vụ rửa tiền nào được phát hiện mà cho rằng ở nước ta không có hoạt động rửa tiền. Chính thói quen dùng tiền mặt là nguyên nhân quan trọng khiến "tiền bẩn” dễ dàng biến thành "tiền sạch”.

TIN BÀI KHÁC

Đây là ý kiến của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, khi đề cập đến hoạt động phòng, chống rửa tiền tại Việt Nam thời gian qua. Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, 6 năm qua, Việt Nam chưa phát hiện vụ rửa tiền nào. Tại diễn đàn Quốc hội giữa tuần qua, thảo luận về dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền, nhiều đại biểu cũng cho rằng, do các giao dịch chủ yếu bằng tiền mặt, nên "tiền bẩn” không nhất thiết phải đi qua ngân hàng và "tiền bẩn” của bọn buôn lậu, buôn ma túy… dễ dàng trở thành "tiền sạch”.

- Bà có cho rằng việc giao dịch bằng tiền mặt quá nhiều như hiện nay là một trong những nguyên nhân khiến quy định về phòng chống rửa tiền (PCRT) chưa mang lại hiệu quả?

Bà Phạm Chi Lan.

Đó cũng là một nguyên nhân quan trọng. Theo tôi, việc lưu hành tiền mặt quá nhiều khiến vệc PCRT cũng như phòng, chống tham nhũng, gian lận thương mại kém hiệu quả. Thật ra, đã có những đề xuất cải thiện hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng để tăng cường việc thanh toán qua ngân hàng, nhưng thực tế, hiệu quả chưa được bao nhiêu, tài khoản chủ yếu chỉ để trả lương cho người lao động. Điều đó dẫn đến thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt quá lớn và thậm chí hiện tượng thanh toán bằng ngoại tệ, vàng quá nhiều trong dân, giữa các cơ quan, xí nghiệp, doanh nghiệp bằng con đường không chính thức. Vì vậy, việc ra đời Luật PCRT cũng tốt, nhưng cần thêm cả những quy định khác để tăng giao dịch qua ngân hàng.

- Cũng có ý kiến cho rằng việc rửa tiền còn được thực hiện thông qua các công ty, doanh nghiệp, thậm chí họ chịu thua lỗ, đóng thuế đầy đủ để che mắt cơ quan chức năng? Quan điểm của bà như thế nào?

Theo tôi, ngoài công cụ sử dụng giao dịch qua ngân hàng, cần kiểm soát tốt hơn các hoạt động kinh doanh, thanh toán, kể cả đầu tư. Chúng ta không thể truy cứu về nguồn gốc số tiền đầu tư, nhưng nếu có nghi vấn về lượng tiền đầu tư lớn, bất thường thì có thể xem xét. Điều này chúng ta nên học hỏi các nước tiên tiến, nếu giao dịch cá nhân tự nhiên có lượng tiền lớn thì ngay lập tức được theo dõi xem nguồn tiền từ đâu, vận chuyển như thế nào, ngay cả qua hệ thống ngân hàng hay đầu tư sang lĩnh vực khác cũng có thể theo dõi, phát hiện được.

Ở các nước, lượng tiền bất minh thậm chí còn được theo dõi liên quốc gia, nếu đi qua các công ty, các đơn vị chuyển tiền có uy tín và doanh nghiệp có tên tuổi thì không sao, nhưng nếu doanh nghiệp chưa có tên tuổi trên thị trường mà cam kết đầu tư số tiền lớn mà kênh chuyển tiền không chính thống thì rất cần xem xét. Vì thế, tiền đầu tư cũng cần kiểm soát về nguồn gốc. Ngoài việc giả danh đầu tư, tội phạm rửa tiền còn có thể thông qua hình thức tài trợ khủng bố. Nếu không kiểm soát được lượng tiền đó thì rất dễ biến Việt Nam thành “đất” để cho bọn tội phạm rửa tiền hoạt động.

- Theo bà, có nên quy định trong luật về lượng tiền giao dịch hàng ngày và phải báo cáo về việc giao dịch đó?

Về con số tiền “cứng” thì cũng chỉ là tương đối, cái chính là tính chất của giao dịch, các pháp nhân liên quan đó, còn số lượng giao dịch không phải là duy nhất. Ở nước ta hay có thói quen tranh cãi về con số, thành ra quên công cụ cần thiết khác. Chẳng hạn việc thẩm tra, xem xét tính chất giao dịch, đơn vị kinh doanh, xếp hạng tín nhiệm của đơn vị thực hiện giao dịch đó đến đâu.

- Theo bà, để hoạt động chống rửa tiền đem lại hiệu quả thì cơ quan PCRT nên thuộc Ngân hàng nhà nước hay một đơn vị thuộc Bộ Công an?

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, ở nước ta tham nhũng có dính đến rửa tiền, tuy nhiên từ năm 2005 đến nay, việc phòng chống rửa tiền chưa làm được bao nhiêu. Đã có ý kiến cho rằng, để công tác PCRT có kết quả, không nên giao Cục phòng chống rửa tiền của Ngân hàng nhà nước, mà nên giao cho Bộ Công an. Tuy nhiên, theo tôi, vì kênh rửa tiền chủ yếu đi qua ngân hàng, thuộc lĩnh vực kinh tế nên những đơn vị chuyên trách về kinh tế như ngân hàng, hệ thống đầu tư nên tham gia và nên giao cho một trung tâm thuộc hệ thống Ngân hàng nhà nước. Công an cũng có thể tham gia, nhưng có nhiều thủ thuật rửa tiền mà chỉ có hệ thống giao dịch của ngân hàng mới dễ phát hiện. Do vậy, cần có sự kết hợp của nhiều cơ quan, nhưng phải có nơi chịu trách nhiệm chính. Công an chỉ vào cuộc khi có nghi ngờ về giao dịch bất mình, phối hợp để điều tra, còn ngân hàng có nhiệm vụ theo dõi thường xuyên.

- Cảm ơn bà!

“Ngoài việc giả danh đầu tư, tội phạm rửa tiền còn có thể thông qua hình thức tài trợ khủng bố. Nếu không kiểm soát được lượng tiền đó thì rất dễ biến Việt Nam thành “đất” để cho bọn tội phạm rửa tiền hoạt động” (Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan). 


(Theo Đất Việt)