Tỉnh Tiền Giang hiện đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh phát triển kinh tế số và xã hội số giai đoạn 2022 - 2025 trên cơ sở chiến lược quốc gia về chuyển đổi số. Qua đó, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương mạnh mẽ và bền vững trong giai đoạn mới.
Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, tỉnh Tiền Giang đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch số 125/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng cho biết, đơn vị đã xây dựng và triển khai đồng bộ kế hoạch chuyển đổi số, phát triển kinh tế số ở các cấp, các ngành nhằm thúc đẩy phong trào chuyển đổi số trên diện rộng, hướng đến đạt hiệu quả thiết thực trong đời sống xã hội.
Ngoài ra, tỉnh tập trung thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số tại các doanh nghiệp; có chính sách thu hút và khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số đầu tư phát triển tại địa phương; ưu tiên trên các lĩnh vực thương mại điện tử, giáo dục, du lịch, y tế,…
“Để thúc đẩy phát triển kinh tế số, giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, Tiền Giang tiếp tục tập trung phát triển kinh tế số và xã hội số giai đoạn 2022 - 2025 trên cơ sở chiến lược của quốc gia; triển khai đồng bộ kế hoạch chuyển đổi số, phát triển kinh tế số ở các ngành, các địa phương”, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng nhấn mạnh.
Tính đến tháng 6/2023, tỉnh Tiền Giang có 491 doanh nghiệp công nghệ số đăng ký kinh doanh thuộc lĩnh vực bán máy vi tính, thiết bị ngoại vi, phần mềm, thiết bị viễn thông, lắp ráp, cài đặt, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì máy tính, laptop; tư vấn công nghệ thông tin như thiết kế, thi công hệ thống mạng, máy in, máy fax…
Về doanh nghiệp phần cứng điện tử, có 25 doanh nghiệp đăng ký loại hình sản xuất máy vi tính, thiết bị ngoại vi của máy vi tính, linh kiện điện tử…
Các doanh nghiệp công nghệ số ở tỉnh Tiền Giang chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực buôn bán các sản phẩm công nghệ thông tin (máy tính, máy in, các linh kiện điện tử…), cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin với quy mô vừa và nhỏ như Viettel Tiền Giang - Chi Nhánh Tập Đoàn Viễn Thông Quân Đội; VNPT Tiền Giang; Công ty Viễn thông FPT chi nhánh Tiền Giang…
Nhằm tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang phê duyệt Đề án Công viên phần mềm Mekong tại Quyết định số 3636/QĐ-UBND ngày 19/11/2018.
Địa điểm triển khai xây dựng tại ấp Phong Thuận, xã Tân Mỹ Chánh, thành phố Mỹ Tho; trên cơ sở hạ tầng có sẵn của trường Trung học Bưu chính Viễn thông và Công nghệ thông tin III (cũ), nay thuộc quyền quản lý của Viễn thông Tiền Giang.
Mục tiêu của Đề án là cung cấp hạ tầng cho phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, nhất là công nghiệp phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin tại Tiền Giang và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; cung cấp hạ tầng kỹ thuật, giải pháp cho triển khai chính quyền điện tử và thành phố thông minh của tỉnh Tiền Giang; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Tại Công viên phần mềm Mekong hiện có 5 doanh nghiệp sản xuất phần mềm cung ứng các sản phẩm số, các dịch vụ số cho doanh nghiệp, chính quyền, nhân dân địa phương và trong khu vực.
Bên cạnh đó, triển khai nhiều chính sách thu hút và khuyến khích doanh nghiệp công nghệ số đầu tư phát triển tại tỉnh, hỗ trợ xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp thứ cấp vào khu Công viên phần mềm Mekong, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số sản xuất, cung cấp các sản phẩm số, các dịch vụ số tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương bền vững.
Trước đó, nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, tỉnh Tiền Giang đã tích cực triển khai nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó tăng cường đẩy mạnh các chỉ tiêu về công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số tạo nền tảng vững chắc để người dân được thụ hưởng thành quả của công cuộc chuyển đổi số, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Trần Văn Dũng cho biết, đẩy mạnh các chỉ tiêu về công nghệ thông tin là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà đơn vị đã tập trung triển khai thực hiện, đạt được những kết quả tích cực. Qua việc ứng dụng công nghệ thông tin để công bố, công khai thông tin, kết quả giải quyết thủ tục hành chính được người dân đánh giá cao. Tỉnh Tiền Giang đã đưa vào hoạt động Cổng thông tin điện tử gồm 1 cổng chính, 201 cổng thành phần (18 sở, ban, ngành tỉnh; 11 Ủy ban nhân dân cấp huyện; 172 Ủy ban nhân dân cấp xã) và có các cổng của cơ quan ngành dọc, đoàn thể và trường học tạo kênh giao tiếp giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền, thực hiện các nhu cầu về thủ tục hành chính được thuận lợi. |