Xã hội số là xã hội tích hợp công nghệ số một cách tự nhiên và mặc định vào mọi mặt đời sống, người dân được kết nối, có khả năng tương tác và thành thạo kỹ năng số để sử dụng các dịch vụ số, từ đó hình thành các mối quan hệ mới trong môi trường số, hình thành thói quen số và văn hóa số.
Phát triển xã hội số đi đôi với tạo dựng các giá trị văn hóa phù hợp với thời đại số, tạo điều kiện cho mọi người tiếp cận, tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa thế giới, làm giàu đời sống tinh thần của người Việt Nam.
Theo Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 20/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, mục tiêu về xây dựng xã hội số đến năm 2025 là: hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh; ít nhất 50% người dân có tài khoản thanh toán điện tử; 90% người dân được tiếp cận với các dịch vụ của chính quyền số, đô thị thông minh...
Bám sát các mục tiêu của Nghị quyết số 01-NQ/TU, các ngành, địa phương trong tỉnh đã chủ động, tích cực phối hợp triển khai thực hiện kịp thời. Đặc biệt, trong xây dựng xã hội số, tỉnh đã tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như: Phát triển kỹ năng số, công dân số, văn hóa số, doanh nghiệp số; đẩy mạnh phát triển thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt; phổ cập dịch vụ Internet băng thông rộng đến hộ gia đình và phủ sóng di động 4G/5G. Phát triển kỹ năng số cho người dân thông qua việc tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng các dịch vụ số, trọng tâm là dịch vụ công trực tuyến; dịch vụ số trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, thương mại...
Đồng chí Đinh Xuân Cấp, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Ninh Bình cho biết: Trong những năm vừa qua, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Ninh Bình đã tích cực thực hiện công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy.
Phòng đã tham mưu với UBND thành phố Ninh Bình bổ sung thêm điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các đơn vị triển khai thực hiện chuyển đổi số.
Phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông, các nhà cung cấp dịch vụ phần mềm như VNPT Ninh Bình, Viettel Ninh Bình tăng cường giải pháp hỗ trợ cho các nhà trường và ngành Giáo dục - Đào tạo thành phố, thúc đẩy công tác chuyển đổi số đồng bộ, nhanh chóng.
Ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Ninh Bình đã triển khai sử dụng phần mềm Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành VNPT-iOffice.
Cấp tài khoản truy cập phần mềm cho trên 225 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và 47 cơ sở giáo dục trực thuộc ngành Giáo dục - Đào tạo thành phố. Áp dụng phần mềm tuyển sinh trực tuyến trong công tác tuyển sinh đầu cấp.
Thực hiện thanh toán học phí theo phương thức không dùng tiền mặt ở 100% trường học. Xây dựng kho bài giảng điện tử, kế hoạch bài học (giáo án) cho tất cả các môn học, hoạt động giáo dục, ở tất cả các khối lớp để tạo thành kho bài giảng điện tử chung của thành phố.
Tích cực triển khai phần mềm cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục và Đào tạo đến 100% cơ sở giáo dục, cập nhập đầy đủ các thông tin về đơn vị, trường, lớp, giáo viên, học sinh, cơ sở vật chất theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Triển khai xây dựng xã hội số, tỉnh cũng đã chỉ đạo các đơn vị viễn thông tập trung đẩy nhanh tốc độ phủ mạng cáp quang, mạng di động băng rộng; tăng nhanh tỷ lệ người được sử dụng Internet, đặc biệt là vùng xa trung tâm.
Thực hiện cung cấp dịch vụ viễn thông công ích để kịp thời hỗ trợ phát triển hạ tầng, phổ cập dịch vụ viễn thông tại địa phương và hỗ trợ các đối tượng chính sách xã hội; tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ internet; băng rộng cáp quang và di động 4G... nhằm tạo nền tảng xây dựng hạ tầng số phục vụ phát triển xã hội số.
Chị Hoàng Thị Bắc (dân tộc Mường) ở thôn Yên Sơn, xã Yên Quang (Nho Quan) cho biết: Với sự phát triển công nghệ số hiện nay khi sóng wifi, di động 4G đã phủ sóng tới vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc đã giúp người dân được thụ hưởng những tiện ích của các dịch vụ online nhanh chóng, thuận tiện.
Trong quá trình xây dựng xã hội số có vai trò rất quan trọng của Tổ công nghệ số cộng đồng. Toàn tỉnh hiện có 1.679 Tổ công nghệ số cộng đồng với 8.529 thành viên. Các thành viên này đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, qua đó đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến với nhân dân.
Tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia, hưởng ứng sử dụng các dịch vụ, sản phẩm mới phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử (đặc biệt là tại các khu vực chợ, siêu thị...); hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng phục vụ thanh toán điện tử VnelD, ví thanh toán điện tử...
Bà Nguyễn Thị Thúy Hiền, Tổ trưởng Tổ công nghệ số cộng đồng thôn Lạc Hiền, xã Yên Hòa (Yên Mô) cho biết: Thôn Lạc Hiền là thôn thông minh của xã Yên Hòa. Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng của thôn đã tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân cài đặt, nắm bắt kỹ năng sử dụng các nền tảng số, ứng dụng số cơ bản như sử dụng ứng dụng VNeID trong khám, chữa bệnh, thực hiện thủ tục hành chính, thực hiện tương tác với chính quyền, tham gia nhóm Zalo trong việc kết nối các thành viên, trong các giao dịch trong cuộc sống.
Giờ đây, người dân thôn Lạc Hiền đã làm chủ được ứng dụng số trong cuộc sống cũng như chủ động thụ hưởng các tiện ích số mà thôn thông minh mang lại.
Theo thống kê, đến giữa tháng 10/2024, toàn tỉnh có trên 2.400 trạm phát sóng di động mặt đất; 100% thôn, xóm, bản có sóng di động; 90,5% hộ gia đình sử dụng Internet; 91% dân số trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh; 72,8% hộ gia đình có Internet cáp quang; 2.248 điểm kinh doanh dịch vụ Mobile money; 40% dịch vụ tư vấn sức khoẻ, khám chữa bệnh từ xa...
Những kết quả đạt được trong xây dựng xã hội số trên địa bàn tỉnh đã tạo tiền đề quan trọng trong việc phát triển chính quyền số và kinh tế số, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước và phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ người dân và doanh nghiệp, hướng đến một nền hành chính minh bạch, hiện đại.
Theo Hồng Vân (Báo Ninh Bình)