Mỗi lần sang chữa bên đó kinh phí tăng theo cấp số cộng, còn nghe ngóng trong người lại oải theo cấp số “trừ”, một ngày, anh chợt nhận ra tóc rụng dần, chân tay teo tóp, bụng lại có vẻ căng cứng...
Tôi có anh bạn là chuyên viên cao cấp ngạch tổ chức cán bộ thuộc Bộ Kinh tế lớn, nghỉ hưu vẫn sung sức. Trong các cuộc VLC (vui là chính) anh cười phe phé, phong độ như thời đương nhiệm, nay đây, mai đó.
Bỗng một dạo vắng tiếng, hỏi ra mới biết anh dính bệnh nan y. Số là, có đứa cháu quen ở bệnh viện mới sắm máy chiếu chụp hiện đại, kiểm tra toàn thân, phát hiện bệnh sớm, mời ông vào kiểm tra đang dịp khuyến mại. Khi nhận kết quả, mới tá hoả có khối u đại tràng. Bệnh viện K sinh thiết xác định ác tính. Nhập viện vào Khoa A, hội chẩn ngay.
Kiểm tra bệnh bằng máy tại BV K Hà Nội. Ảnh:
Tuổi trẻ |
Đang rối như tơ vò, anh được mách một bệnh viện chữa Ung thư có tiếng ở Quảng Châu (Trung Quốc) chữa được. Nghe quảng cáo như đang đuối nước vớ được cọc.
Quảng cáo "hoành tráng"
Nào là bệnh viện dùng dao quang động lực diệt tận gốc tế bào ưng thư, không phẫu thuật, không xạ trị, bởi ánh sáng của dao quang học là ánh sáng kích quang nên chỉ cần chút ánh sáng của nó có thể tiêu diệt tận gốc các tế bào quái ác này.
Rồi phương pháp dao đông lạnh điều trị ung thư không đau đớn, vì không phải là con dao như thường, mà là hệ thống tiêu diệt bằng hơi lạnh ar-he. So với phương pháp phẫu thuật truyền thống thì sự tổn hại của phương pháp dao đông lạnh là rất nhỏ, nó đã được triển khai hơn sáu năm nay và đã có vài chục ngàn ca phẫu thuật, trong đó có hơn ngàn ca ung thư gan, kết quả rất tốt.
Lại còn phương pháp cấy phóng xạ - sự lựa chọn tối ưu cho khối các tính tái phát, tận dụng đặc điểm liên tục phát ra tia xạ với liều lượng thấp để giết chết tế bào ung thư. Phương pháp này, giúp bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống, còn giai đoạn đầu và giữa có thể triệt tiêu khối u hoàn toàn...vân vân và vân vân.
Chào hàng còn dẫn lời các danh y Lưu Viện Sanh, Bành Xích Hiểu, khẳng định ưu thế của các phương pháp này. Họ còn nêu danh tính các bệnh nhân người Việt Nam thậm chí cả người Hồng Kông, Nhật Bản đã sang đây chữa trị, đều từ cõi chết trở về chói lọi... . Còn nghe nói lãnh đạo cấp cao của nước họ chỉ đạo sẽ xây dựng thành trung tâm ung bướu quốc tế.
Không thể chần chừ, vả lại với khoản kinh phí chào hàng cho mỗi đợt - một tháng, chỉ hơn trăm triệu đồng, vô tư đi. Anh liên hệ với Văn phòng Đại diện tư vấn của họ tại Hà Nội, lên đường sớm để vái tứ phương, không chờ kết quả hội chẩn của bệnh viện nhà.
Kinh phí cấp số cộng, người oải cấp số trừ
Bay sang, nhập viện anh thấy quyết định của mình là sáng suốt. Cơ ngơi hoành tráng, phòng ốc khang trang, đón tiếp niềm nở, được rót ngay thứ tiếng Việt lơ lớ vùng giáp biên: Cái “nỉ sé” khỏi mà, ở “tây bá sí” giỏi lắm à. Nhưng mới chỉ qua thăm khám lập bệnh án, anh đã giật mình, đủ thứ tiền, chi phí đợt một đã vượt quá xa lời giao giá đặt cọc. Rồi bất đồng ngôn ngữ, muốn kể bệnh, cần cái này, muốn thứ kia, đều phải qua thông dịch - điều mà chú em đi cùng dù dùng hết cả tay, chân không thể nào chuyển tải được, chỉ được nghe lủng sủng loảng soảng ù tai. Loáng một cái đã một tháng - thời hạn cho một đợt, anh phải xuất cảnh. Về nhà mọi người ào đến thăm, thấy anh tự tin, da dẻ đỏ đắn, ai nấy đều mừng. Đến hẹn, anh sang chữa đợt hai.
Cứ mơ màng, khi tỉnh, lúc mê, anh chẳng nhớ chữa chạy, thuốc thang những gì, chỉ thấy cũng loáng đã hết một tháng, lại xuất cảnh. Chỉ khác lần trước là, lúc khăn gói hồi hương, anh được dặn rằng về nhà vài hôm phải vào bệnh viện ta để “bổ dưỡng”. Cứ tưởng là nói đùa, hoá ra về được vài ngày anh thấy người là lạ, phải nhập chính bệnh viện hôm trước anh dứt áo ra đi, nay tiếp nhận lại mọi người vẫn tận tình.
Rồi theo hẹn của bên kia, anh lại sang đợt ba. Lần này anh vẫn không hiểu đã được điều trị thế nào, phần vì chẳng đọc được các dòng chữ loằng ngoằng, phần không kè kè người phiên dịch, dẫn đến chỗ này thì lò dò đến, tới giờ bảo uống thuốc kia thì...ực. Nhưng chi phí thì biết ngay, tốn hơn hai lần trước. Thời hạn một tháng cũng vèo trôi, mà bệnh cứ dềnh dàng, thành thử đợt này quá hạn visa 4 ngày, khi xuất cảnh anh bị phạt, rồi phải xin visa mới, ngót nghét nhẩm tính gần triệu đồng tiền Việt.
Cũng theo kịch bản cũ, về nước vài ngày, anh lại vào bệnh viện ta để “bổ dưỡng”. Nghe hai lần anh nói đến chữ “bổ dưỡng”, tôi thóc mách hỏi, thì ra chữa trị ở bên kia sinh ra chứng thiếu hồng cầu, về Việt Nam phải tức tốc vào bệnh viện bổ sung, chậm thì đứt. Đến lần này, chính bác sĩ chủ nhiệm khoa từng tiếp nhận anh ban đầu khuyên cứ ở nhà, chưa nói trước được thế nào, nhưng cùng vào với anh ngày ấy, có bệnh nhân đồng nghiệp của anh, phẫu thuật đã ra viện, sinh hoạt có cách rách, song kiểm tra hai lần thấy ổn.
Điểm lại, anh thấy mỗi lần sang chữa bên đó kinh phí tăng theo cấp số cộng, còn nghe ngóng trong người lại oải theo cấp số “trừ”. Một ngày, anh chợt nhận ra tóc rụng dần, chân tay teo tóp, bụng lại có vẻ căng cứng. Chỉ khi bắt gặp ánh mắt u uất của người nhà, bạn bè đến thăm nhiều, anh rờn rợn đoán ra điều gì. Nhưng nhớ lời bệnh viện hiện đại phải kiên trì, trót đâm lao phải theo lao, anh lại lên đường lần thứ tư.
Sau lần thứ tư, anh không còn "sức" để bay đi, bay về nữa. “Sức” hàm ý cả lực bản thân đã cạn, cả lương khô dành dụm cả đời làm công bộc cũng vơi, con cái làm ăn xa khó nghỉ dài ngày bay sang thăm nuôi, đành tạm trú tại bệnh viện nhà. Mọi người cũng vẫn tận tình, nhưng bó tay chấm com. Chỉ hơn tháng sau anh “đi”, khi mẹ già ngoài chín mươi đang quặt quẹo ở quê.
Xin thắp nén hương nhân ngày giỗ đầu của anh!
Độc giả Nguyễn Duy Nghĩa