-Dự tính phải đầu tư gần 100 tỉ USD thì hạ tầng và một số công trình trọng điểm mới tương đối đủ theo tính toán của chuyên gia Mỹ và Hàn Quốc cho Hà Nội.
LTS: Phần tiếp theo của bàn tròn trực tuyến Nhìn lại 05 năm mở rộng Hà Nội tập trung vào câu chuyện đang rất nóng là vấn đề quy hoạch. Từ quy hoạch vĩ mô cho vùng Thủ đô, cân đối quy hoạch đô thị, nông thôn... cho đến những chuyện sát sườn với người dân như ngập úng đã được các khách mời phân tích.Kỳ 1: 5 năm mở rộng: Thủ đô hoành tráng lên nhiều
"Đi" bằng hai chân
Nhà báo Kim Dung: - Quay trở lại câu chuyện lan tỏa và hội tụ của HN. Có ý kiến cho rằng trong vùng Thủ đô có sự phát triển thiếu cân bằng, đó là các điều kiện, ưu đãi được dồn cho HN quá nhiều. Trong khi đó, các tỉnh trong vùng lại chưa được quan tâm đầu tư đúng mức để phát triển tương xứng. Ý kiến của các ông về vấn đề này?
Ông Ngô Trung Hải (Viện trưởng Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và Nông thôn - Bộ Xây dựng): Theo phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng, Vùng Thủ đô sẽ không còn là 7 tỉnh, 1 thành phố như trước đây, mà là 9 tỉnh, 1 thành phố. Ba tỉnh mở rộng thêm Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang.
Ông Ngô Trung Hải: Khi mở rộng Thủ đô, tỷ lệ đô thị hóa là 40,6%. |
Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt trong năm nay phải lập xong quy hoạch Vùng Thủ đô, để làm sao phân chia chức năng và khả năng phối hợp của các tỉnh trong vùng một cách mạch lạc, rõ ràng và đột phá. Cần có những quy chế điều tiết vĩ mô trong vùng, tránh tình trạng cứ bao nhiêu dự án trọng điểm tập trung vào Đô thị trung tâm còn các nơi khác lại thiếu vắng.
Kết quả có thể ghi nhận là vừa rồi Samsung đầu tư rất mạnh ở Thái Nguyên, Nhật Bản chú trọng vào Hưng Yên. Và các tỉnh Phú Thọ, Bắc Giang cũng đang chuẩn bị kéo các nhà đầu tư vào. Như vậy bài toán phân chia chức năng giữa các Tỉnh trong vùng Thủ đô đang được đặt ra và Chính phủ sẽ chỉ đạo thật chặt chẽ để điều tiết.
Nhà báo Kim Dung: Hội nghị đánh giá kết quả 05 năm mở rộng địa giới hành chính vừa rồi đã tổng kết thành tựu nổi bật của mở rộng Thủ đô là xây dựng nông thôn mới. Đó thực sự là một thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, đối với một Thủ đô mở rộng, nếu so thành tựu xây dựng nông thôn mới với yêu cầu xây dựng một Thủ đô văn minh, văn hóa và hội nhập thì theo các quý vị yêu cầu nào cần thiết hơn?
Ông Ngô Trung Hải: Khi mở rộng Thủ đô, tỷ lệ đô thị hóa là 40,6%. Hiện con số này đã được cải thiện. Trong tương lai, khi đạt ngưỡng cao nhất, tôi nghĩ dân số đô thị sẽ là khoảng 60%. Như vậy, HN trong tương lai xa vẫn còn 40% người dân làm trong khu vực Nông nghiệp. Tuy nhiên, nông nghiệp ở đây là nông nghiệp công nghệ cao, và nông thôn của Thủ đô, khác hẳn những vùng nông thôn truyền thống khác trong cả nước.
HN phải đi đầu trong nông nghiệp công nghệ cao để CN hóa, hiện đại hóa nông thôn. Chẳng hạn, các loại hoa, quả, rau do HN trồng sẽ không chỉ hướng đến thị trường trong nước mà còn phải xuất khẩu được ra thế giới.
Trong tổng số 401 xã của HN hiện nay thì đến 95% đã có quy hoạch xã. Trong quy hoạch chúng tôi đưa ra, cứ một vài xã dứt khoát phải có một Cụm đổi mới (innovation Clusters)
Đây là một mô hình học tập Nhật Bản, Mỹ. Các cụm đổi mới sẽ đóng vai trò nơi khuyến nông rất đặc biệt, hỗ trợ người dân sản xuất và buôn bán hướng về mô hình hiện đại và có sự tham gia của các tập đoàn kết hợp sản xuất và kinh doanh, thương mại và phân phối có qui mô quốc gia và quốc tế.
Ông Hồ Quang Lợi (Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội): Quanh câu chuyện nông thôn và đô thị, cần có một quan niệm thật cân bằng. Hà Nội hôm nay vừa đô thị vừa nông thôn và không có chuyện hy sinh nông thôn vì đô thị, mà phải chú trọng xây dựng, quy hoạch cả hai. Tất nhiên, HN là thành phố, nên dù nói thế nào, yêu cầu đô thị vẫn phải đặt lên trước.
Ông Hồ Quang Lợi: "Đầu tư cho nông thôn có nơi tăng gấp 30 lần" |
Hà Nội có 401 xã, trong tổng số 577 xã phường. Số xã này không phải thoắt một cái mà thành đô thị được. Nhưng đô thị dần dần sẽ làm sáng nông thôn. Còn bản thân nông thôn cũng được quy hoạch theo hướng nông thôn mới.
Đầu tư cho nông thôn trong 05 năm vừa rồi có những nơi tăng gấp 30 lần so với trước. Riêng đầu tư cho xây dựng hạ tầng đường xá ở nông thôn đã là hơn 8 nghìn tỷ. Ví dụ 03 xã ở huyện Lương Sơn trước khi chưa về HN thuộc diện nghèo nhất, điện chưa có, tỷ lệ hộ nghèo là 20%. Sau 05 năm hợp nhất điện đã về, đường ô tô chạy vào từng ngõ xóm, không khí khác hẳn trước đây.
Nói như vậy để thấy rằng HN coi trọng cả vấn đề đô thị và vấn đề nông thôn. Hà Nội hiện nay đi bằng 02 chân.
Đương nhiên tôi vẫn nhấn mạnh, đối với một Thủ đô, xây dựng đô thị vẫn là hàng đầu và phải có sự ưu tiên đặc biệt.
Bài toán di dời
Nhà báo Kim Dung: Nhiều ý kiến bạn đọc chúng tôi nhận được đề cập đến vấn đề kiến trúc, quy hoạch đô thị, mà trước tiên là chuyện kiến trúc trong khu đô thị trung tâm được thực hiện ra sao so với quy hoạch? Ví dụ vấn đề các tòa nhà cao tầng phá vỡ cảnh quan?
Ông Ngô Trung Hải: Khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô HN đến năm 2030 và Tầm nhìn 2050, Chính phủ cũng đã ban hành kèm Quy định về kiến trúc, cảnh quan trong toàn bộ Thành phố HN, trong đó đặc biệt quy định rất chặt về tầng cao, mật độ trong các quận trung tâm.
Vừa rồi, theo tôi biết HN đã dừng rất nhiều dự án cao trên 9 tầng trong khu vực đô thị trung tâm, đặc biệt là khu phố Pháp, phố cổ. Như vậy, có thể thấy quy định trên đã thực hiện rất nghiêm ngặt, do đó sẽ không có những tòa nhà cao tầng ngất nghểu tại khu đô thị lõi trung tâm nữa.
Nhà báo Kim Dung: Vậy còn vấn đề giãn dân, di dời các trường đại học, bệnh viện, trụ sở các ban ngành... ra khỏi nội đô, và đây cũng là ý kiến của nhiều bạn đọc gửi đến như bạn Nguyễn Vân Khánh, bạn Chính Đoàn thì vì sao đến thời điểm này chưa thực hiện được như mong muốn của số đông người dân, và để đáp ứng nhu cầu phát triển của HN?
Ông Ngô Trung Hải: Chúng ta đã có chủ trương về việc di dời dần toàn bộ các nhà máy, các cơ sở CN cũ trong thành phố. Tiếp đến là các hệ thống trường đại học, các cơ sở y tế được quy hoạch giãn dần ra để dành những khu vực đó cho phát triển các trung tâm dịch vụ công cộng, không gian cây xanh.
Tất cả các kế hoạch giãn dần đã được Chính phủ đốc thúc các bộ cũng như HN làm tập trung dứt điểm các cơ sở y tế, giáo dục trước. Còn dự án công nghiệp đã tự động chuyển ra ngoài rất nhiều, hiện khu nội đô không còn nhà máy nữa.
Như vậy sau 5 năm, chúng ta có thể thấy các cơ sở y tế đã bị dừng lại không cho phát triển mật độ cao trong khu trung tâm và được xây cơ sở 2 ở ngoài, các đô thị vệ tinh, thậm chí đến các tỉnh lân cận.
Các trường đại học cũng đang được quy hoạch phân bổ lại trên diện vùng Thủ đô HN, giãn ra các tỉnh xung quanh. Bộ GD ĐT cũng đã sắp xếp các trường đại học đặt ở đâu, trường nào đi hẳn ra ngoài các tỉnh khác, rồi vị trí xây cơ sở 2, và cơ sở 1 co lại như thế nào, giữ nguyên còn bao nhiêu sinh viên, bao nhiêu khoa, lớp...
Sơ sơ qua 5 năm đã làm được những việc đó. Tuy nhiên, việc đưa cả một trường đại học ra là một câu chuyện rất dài. Xây dựng xong cơ sở mới rồi chuyển dần sinh viên ra cũng phải mất 5 - 7 năm.
Với bài toán di dời trụ sở các bộ, ngành thì từ nay đến 2014, cơ quan chức năng sẽ giải phóng mặt bằng và hạ tầng kỹ thuật khu Tây Hồ Tây và khu Mễ Trì để xây dựng trụ sở mới.
Đối với các cơ sở cũ thì cần tính toán bao nhiêu phần trăm được phép chuyển đổi, và chuyển đổi như thế nào để lấy tiền đầu tư lên cơ sở mới, bao nhiêu phần trăm dành cho đất công cộng, cho cây xanh...
Việc di dời phải thận trọng, chuẩn xác với từng Bộ, từng ngành và tiết kiệm. Khi trụ sở các bộ ngành được đưa về Hồ Tây, một số công trình sẽ được sử dụng chung như những hội trường rất lớn, cơ sở dịch vụ ăn uống... Quy tụ về khu hành chính tập trung sẽ giúp giảm đầu tư hạ tầng.
Ngập úng đã cải thiện nhiều
Nhà báo Kim Dung: Có thể nói HN đang đứng trước những thách thức quá lớn về cơ sở hạ tầng. Bạn đọc Thu Hoài, bạn đọc Minh Trang gửi cho chúng tôi câu hỏi về vấn đề cơ sở hạ tầng phát triển không theo kịp được nhu cầu đời sống dân, tư duy quản lí cũng chưa thật xứng tầm. Chẳng hạn, mới đây khi cơn bão số sáu đổ vào, HN đã biến thành sông. Dù HN đã dành đến 15 nghìn tỉ đầu tư cho cơ sở hạ tầng, trong đó có phần cho cấp thoát nước. Nhờ các vị khách mời giải thích thêm về những bất cập này?
Ông Hồ Quang Lợi: Hà Nội mở rộng đang đối mặt với ba vấn đề mất cân đối rất nghiêm trọng, là ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, và dân cư quá tải ở khu vực trung tâm. Ba sự mất cân bằng này đặt ra những bài toán rất lớn mà HN phải giải quyết.
Riêng bài toán giao thông không thể chỉ giải quyết trong một năm, mà có những công việc phải mất tới 10 năm. Ví dụ tám tuyến đường sắt đô thị dài tổng cộng hơn 300 km phải sau năm 2020, 2030 mới xong.
Hiện HN có khoảng 3,7 triệu xe máy, 400 nghìn ô tô. Phương tiện giao thông cá nhân quá nhiều. Nếu không có một phương án để quản lý và hạn chế bớt phương tiện giao thông cá nhân, trong điều kiện hạ tầng giao thông kĩ thuật của chúng ta chưa phát triển kịp, thì không thể giải quyết được.
Do đó, cần có một giải pháp đồng bộ, phát triển phương tiện giao thông công cộng, nhưng đồng thời phải có hạ tầng kĩ thuật giao thông tương ứng.
Ông Ngô Trung Hải: Vấn đề cơ sở hạ tầng phát triển không kịp tốc độ phát triển đô thị là một thách thức rất lớn, không nhiều đô thị trên thế giới cân bằng được điều này. Paris (Pháp) là thành phố lâu đời, vậy mà ô tô vẫn đỗ đầy đường, nhiều lúc Paris còn tắc.
Tokyo là một thành phố rất phát triển với GDP bình quân đầu người 50-60 nghìn USD mà người dân hầu như không dám đi ô tô riêng vào trong trung tâm Tokyo vì phí đắt khủng khiếp. Những quốc gia mạnh còn như thế thì đối với một thành phố GDP bình quân mới 2.257 USD (năm 2012), đương nhiên tiền chi cho hạ tầng sẽ rất thiếu.
Nhà báo Kim Dung: Vậy theo ông, dự kiến bao nhiêu sẽ là đủ?
Ông Ngô Trung Hải: Nếu nói đủ thì phải gấp ít nhất là 10 lần hiện nay, tức là GDP bình quân khoảng trên 20.000 USD. Nhưng theo tính toán, đến 2030 HN cũng mới chỉ đến 10.000 USD/ đầu người. Dự tính phải đầu tư gần 100 tỉ USD thì hạ tầng và một số công trình trọng điểm mới tương đối đủ theo tính toán của chuyên gia Mỹ và Hàn Quốc cho Hà Nội.
Tuy nhiên, giải quyết vấn đề cân đối phát triển hạ tầng và đô thị là cả một quá trình lâu dài. Để có một hệ thống đường sắt đô thị vươn tới các đô thị vệ tinh, Paris phải mất 40 năm từ khi tư duy đến xây dựng hiện nay.
Vì vậy, với HN, không bắt đầu thì sẽ chẳng có kết thúc. Nếu quyết tâm theo đuổi các dự án trọng điểm, chắc chắn chúng ta sẽ lựa chọn được chính xác hệ thống hạ tầng quan trọng nhất để xây dựng trước. Và cần quyết tâm theo đuổi làm sẽ thực hiện quy hoạch.
Còn với câu chuyện là mới cơn bão số 6 mà HN đã ngập. Nếu chúng ta nhìn rộng ra trên bình diện chung, sẽ thấy rất nhiều tuyến phố trước thường xuyên ngập thì nay không bị nữa, ví dụ như trong khu vực phố Bạch Mai, Thuỵ Khuê...
Rất nhiều tuyến phố, hệ thống cống thoát nước đã được nạo vét hết và thông xuống phía Nam. Nhưng vẫn còn những tuyến, những hồ đang tiến hành xử lý, những tuyến kênh chưa cải tạo hết thì chắc chắn vẫn còn hiện tượng ngập.
Riêng chuyện ngập Hồ Gươm là trường hợp rất hãn hữu. Hiện nay không dễ để hạ cốt Hồ Gươm thấp hơn nữa, bởi còn liên quan đến vấn đề bảo tồn.
Nếu ở khu vực Hồ Gươm, chúng ta làm tốt được việc hạ thấp sâu tất cả hệ thống tuyến cống về phía Nam thì không có chuyện cửa UBND thành phố ngập như vừa rồi. Hồ Gươm là một trong những rốn nước để chuyển nước sang phía Nam, nên cần xử lý sớm.
Đối với khu vực đô thị mới, vấn đề nổi lên là làm sao khớp nối. Vì hiện nay đô thị mới bao giờ cũng chọn đất cao. Nhưng những tuyến cống từ đô thị mới tới hệ thống chung của thành phố chưa nối được hết, chưa khai thác hết công suất.
Hơn nữa dự án thoát nước giai đoạn 2 với 150 triệu USD đang tiếp tục làm vẫn chưa xong, chưa bơm đủ hết công suất. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, việc xử lý ngập úng ở nhiều tuyến phố đã được cải thiện rất nhiều.
(Còn nữa)
- Tuần Việt Nam. Ảnh: Lê Anh Dũng