Hôm nay Ngoại trưởng Úc Bob Carr cho biết Úc sẽ gỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Tổng thống Myanmar và hơn 200 người nữa đang bị cấm vận về di chuyển và tài chính.
Ngoại trưởng Úc Bob Carr. Ảnh: Channel News Asia |
Tuy nhiên, còn khoảng 130 người nữa vẫn nằm trong danh sách cấm vận, bao gồm các thành viên cao cấp của quân đội và những người bị tình nghi là vi phạm nhân quyền.
'Chúng tôi đang gỡ lệnh trừng phạt sau khi nói chuyện với bà Aung San Suu Kyi và những người khác ở phe đối lập, sau khi nói chuyện với chính quyền, và các quốc gia khác" - ông Carr nói.
Tại London, ông Carr nói rằng việc gỡ lệnh trừng phạt trên có nghĩa là con số người trong chính quyền Myanmar bị cấm vận sẽ giảm từ 392 người còn 130 người.
"Việc này sẽ đưa rất nhiều người dân thường ra khỏi danh sách cấm vận, bao gồm cả Tổng thống Thein Sein và các bộ trưởng trong chính quyền.
Nhưng những quân nhân trong quân đội và những người vi phạm nhân quyền sẽ vẫn nằm trong danh sách trừng phạt của Úc".
Trong vòng một năm qua, Myanmar đã khiến cho cả thế giới kinh ngạc với những cải cách bất ngờ.
Các cuộc bầu cử đã mang lại cơ hội cho bà Aung San Suu Kyi tham gia vào chính trường, sau khi phải trải qua 15 năm bị giam lỏng.
"Tôi nghĩ là Tổng thống rất chân thành, tôi nghĩ là ông xứng đáng nhận được đền đáp, nhưng tất nhiên các lệnh trừng phạt lúc nào cũng có khả năng được khôi phục" - ông Carr nói.
Ông Thein Sein đã nhậm chức vào năm ngoái và được coi là một nhà cải cách, chấp nhận bà Suu Kyi và đảng của bà trong chính trường, và thả hàng trăm tù nhân chính trị.
Tuy nhiên, phần lớn các lệnh trừng phạt của châu Âu vẫn còn duy trì do cộng đồng quốc tế muốn cân bằng lo ngại về tính ổn định của các đổi thay trên và mong muốn ủng hộ cho những nhà cải cách.
Tuy nhiên, quan điểm trên sẽ nhanh chóng thay đổi sau chuyến thăm của Thủ tướng Anh David Cameron vào tuần trước. Ông Cameron là lãnh đạo châu Âu đầu tiên tới Myanmar trong nhiều thập kỷ qua.
Trong khi ở Myanmar, ông Cameron đã thông báo về thay đổi lớn lao tại đây và kêu gọi gỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu, trừ các lệnh cấm vận vũ khí.
Bà Suu Kyi - người từng được trao giải Nobel Hòa bình được cho là có sự hỗ trợ vô cùng quan trọng trong việc kêu gọi gỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Lần đầu tiên bà kêu gọi cộng đồng quốc tế ngừng mọi biện pháp trừng phạt lên đất nước Myanmar.
27 quốc gia của EU đã giỡ bỏ lệnh cấm đi lại của 87 quan chức Myanmar, bao gồm cả Tổng thống Thein Sein vào tháng Hai vừa qua, nhưng vẫn giữ lệnh phong tỏa tài sản.
Các ngoại trưởng EU được cho là sẽ hủy lệnh phong tỏa tài sản của gần 500 người và 900 cơ quan khác của Myanmar.
Hồi đầu tháng, Washington thông báo rằng họ sẽ nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với việc đầu tư vào Myanmar và bổ nhiệm đại sứ tại quốc gia này. Tuy nhiên, Washington cũng cho biết thêm là các biện pháp trừng phạt vẫn có thể được duy trì đối với những người chống lại cải cách.
- Thu Lượng (theo Channel News Asia/ Asia One)