- Sau 2 tháng xin ý kiến nhân dân về dự thảo Hiến pháp sửa đổi, hôm nay, các đại biểu QH chuyên trách họp tại Hà Nội thảo luận về một số vấn đề đang gây tranh luận.
>> ‘Không phải xin lỗi dân là xong’
>> Thời điểm chín muồi xây dựng luật về Đảng
Sáng nay (13/3), Văn phòng QH tổ chức hội nghị ĐBQH chuyên trách để thảo luận về dự thảo Hiến pháp sửa đổi.
Ông Phan Trung Lý, Trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp đề nghị các ĐBQH thảo luận về một số vấn đề lớn đang gây tranh luận sau hai tháng lấy ý kiến nhân dân.
'Điều 4 phù hợp nguyện vọng nhân dân'
Trước khi thảo luận, ông Phan Trung Lý giải trình tiếp thu các ý kiến đóng góp của người dân suốt thời gian qua. Theo lập luận của ban biên tập, hầu hết các ý kiến đều đồng tình cơ bản với những nội dung chính của dự thảo. Với những góc nhìn khác (về điều 4, sở hữu tư nhân về đất đai, Tòa án Hiến pháp…), ban biên tập cho rằng cứ giữ nguyên như dự thảo là phù hợp.
Liên quan đến quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng tại điều 4, ông Phan Trung Lý nêu vắn tắt, về cơ bản mọi ý kiến đều tán thành với các quy định trong dự thảo. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến đề nghị điều 4 cần làm rõ quy định Đảng, các tổ chức đảng và đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và phải ban hành luật về Đảng.
Ban biên tập dự thảo cho rằng quy định như trong điều 4 là phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với vai trò lãnh đạo của Đảng đã được khẳng định trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời cũng phù hợp với yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trước tình hình mới.
Ông Phan Trung Lý: Quy định như trong điều 4 là phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với vai trò lãnh đạo của Đảng. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Về vấn đề bảo vệ Tổ quốc, ông Phan Trung Lý cho hay, trong quá trình thảo luận xuất hiện một số ý kiến đề nghị cân nhắc không quy định quá cụ thể về việc lực lượng vũ trang phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ban biên tập dự thảo cho rằng, ở nước ta, lực lượng vũ trang là công cụ của Đảng và nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lịch sử cũng đã chứng minh rằng lực lượng vũ trang luôn luôn trung thành với Đảng và cũng chỉ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng thì lực lượng vũ trang mới thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, bảo vệ chế độ của mình. Vì vậy, quy định của Hiến pháp về nội dung này là phù hợp và cần thiết.
Chưa nên nhất thế hóa
Ông Phan Trung Lý cũng cho biết, đã có nhiều ý kiến đóng góp về tổ chức bộ máy nhà nước.
Chẳng hạn, liên quan đến chế định Chủ tịch nước, dự thảo đã sắp xếp, bổ sung để làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước. Đa số ý kiến thảo luận vừa qua đều tán thành với những sửa đổi, bổ sung mới này. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị làm rõ hơn vai trò của Chủ tịch nước trong việc thống lĩnh các lực lượng vũ trang. Có ý kiến đề nghị quy định Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, đồng thời là Tổng bí thư. Cũng có ý kiến đề nghị nghiên cứu thay thiết chế Chủ tịch nước bằng thiết chế Tổng thống do dân bầu trực tiếp theo nhiệm kỳ.
Tuy nhiên, ban biên tập dự thảo cho rằng quy định như trong dự thảo là phù hợp với bản chất và mô hình tổng thể của bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị của nước ta do Đảng lãnh đạo. Nhằm bảo đảm thực hiện nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, QH là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
Liên quan đến 3 thiết chế hiến định độc lập như Hội đồng Hiến pháp, Kiểm toán Nhà nước, Hội đồng bầu cử quốc gia, ông Phan Trung Lý cho hay, hầu hết ý kiến tán thành với việc bổ sung 3 cơ quan này vào Hiến pháp.
Song, có một số ý kiến đề nghị thay đổi Hội đồng Hiến pháp bằng chế định Tòa án Hiến pháp và có quyền phán quyết đối với những hành vi vi phạm Hiến pháp. Cũng có ý kiến khác đề nghị không cần thiết phải thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia mà nên có một tổ chức tương đương như Ban công tác đại biểu của QH để gọn nhẹ, chất lượng và tránh sự cồng kềnh trong bộ máy.
Ban biên tập cho rằng, cùng với việc tiếp tục phát huy hiệu quả của cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành thì việc bổ sung thiết chế Hội đồng bảo hiến là rất cần thiết.
Về đề xuất người dân phải có quyền phúc quyết Hiến pháp, ông Phan Trung Lý cho rằng, quy định như hiện nay là phù hợp. Người dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, thông qua QH, HĐND… Quy định như dự thảo cũng đã thể hiện được đầy đủ chủ quyền nhân dân.
Hội nghị sẽ diễn ra trong hai ngày (13-14/3), với mục tiêu tiếp tục đưa ra các luận cứ thảo luận về những nội dung còn đang tranh luận.
Theo ban biên tập, quan điểm thống nhất, xuyên suốt từ Hiến pháp 1980 cho đến nay là đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Đây là quy định nhằm bảo đảm phát huy quyền làm chủ của nhân dân với đất đai, phù hợp với thực tiễn quản lý đất đai của Việt Nam. |
Lê Nhung