- Nếu Đảng đưa Hiến pháp cho dân phúc quyết sẽ tăng cường niềm tin giữa hai phía - Chủ tịch Hội đồng tư vấn về Dân tộc, UBTƯ MTTQVN khẳng định.


Ngày 4/7, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBTƯ MTTQVN) đã tổ chức hội nghị đoàn chủ tịch lần thứ 11 (khóa VII). Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng liên quan đến những lĩnh vực nóng như sửa đổi Hiến pháp, kinh tế suy thoái, tham nhũng lãng phí, lấy phiếu tín nhiệm…

Thước đo

Theo Chủ tịch Hội đồng tư vấn về Dân tộc Lù Văn Que, cần làm rõ nhân dân sẽ tiếp tục góp ý thế nào về Hiến pháp cho cụ thể và thực chất, bởi sẽ rất nhanh đến tháng 9 - hạn chót lấy ý kiến.

{keywords}

Chủ tịch Hội đồng tư vấn về Dân tộc Lù Văn Que

Nhận xét về đợt lấy ý kiến nhân dân đóng góp vừa qua, ông Que nhận định: “Chưa sâu, chưa rộng và còn hình thức”.

Qua tiếp xúc và ghi nhận ý kiến của đông đảo quần chúng, ông Que cho biết các tầng lớp nhân dân muốn Hiến pháp phải được họ phúc quyết thì mới có hiệu lực. “Hiến pháp là của dân, do dân và vì dân, vì thế, những người có trình độ và trách nhiệm muốn viết gì trong Hiến pháp thì viết nhưng cuối cùng người dân phải được tham gia, phải được phúc quyết thì hiến pháp mới thông qua được”.

Theo ông Lù Văn Que, nếu Hiến pháp được người dân biểu quyết thông qua thì đây là một thước đo để người dân xem Đảng tin mình ở mức độ nào và ngược lại, mình tin Đảng ở mức độ nào.

“Tôi cho rằng nếu Đảng đưa Hiến pháp cho dân phúc quyết sẽ tăng cường niềm tin giữa hai phía và nếu làm thế thì kẻ xấu cũng không thể phá được”, ông Que nói.

Ông Trương Công Phú, Chủ tịch Hội đồng tư vấn về Kinh tế cũng cho rằng cần tiếp tục lấy ý kiến sâu rộng trong nhân dân về tất cả các điều (và cả về luật Đất đai sửa đổi).

Lo lắng về kinh tế

Về lĩnh vực kinh tế, ông Trương Công Phú nhận định: “Đừng lạc quan khi nhìn vào những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô”.

{keywords}

Chủ tịch Hội đồng tư vấn về Kinh tế Trương Công Phú

Báo cáo của UBTƯ MTTQVN cho thấy đời sống nhân dân còn nhiều điều phải lo lắng, tình hình kinh tế 6 tháng qua còn nhiều khó khăn. Nhưng theo ông Phú thì phải dùng từ “gay go” mới diễn tả được thực trạng.

“Không phải GDP đạt được thế này là tốt, không phải lạm phát ở mức này là tốt. Những chỉ số đó không nói lên được điều gì. Cái phản ánh rõ rệt nhất “sức khỏe” của nền kinh tế là hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp rất thấp. Hàng tháng, có cả nghìn đến chục nghìn doanh nghiệp giải thể, tình hình đó là cực kỳ nghiêm trọng”, ông Phú cho hay.

Ông Phú cho biết bản thân ông cũng không được “tin tưởng” vào những con số, những chỉ tiêu đạt được. Ông cũng nhận định từ nay đến cuối năm, tình hình sẽ còn không ít khó khăn.

Chống tham nhũng dựa vào dân

Liên quan đến phòng chống tham nhũng, ông Lù Văn Que đề nghị Đoàn chủ tịch UBTƯ MTTQVN kiến nghị với Đảng là phải để dân cùng tham gia, huy động sức dân để phát hiện và chống tham nhũng.

“Kêu gọi chống tham nhũng mà không để dân làm cùng thì khó thắng lợi. Ta có Ban phòng chống tham nhũng do Tổng bí thư làm trưởng ban, nhưng người dân không tham gia thì không thể làm gì được.  Để dân giám sát cán bộ sẽ rất tốt, chứ cán bộ còn nể nang nhau”, ông nhấn mạnh.

Nói về kết quả chống tham nhũng thời gian qua, vị Chủ tịch Hội đồng tư vấn về Dân tộc của UBTƯ MTTQVN đánh giá: “Ta hô hào mấy năm nay rồi nhưng làm được bao nhiêu? Bao nhiêu vụ đại sự vẫn còn trong bóng tối. Cho nên người ta chưa bằng lòng với cách làm hiện nay”.

Chốt lại phần phát biểu của mình, ông Que nói: “Tôi nghĩ dân ta cơ bản vẫn là tốt, vẫn tin theo Đảng, Chính phủ. Nhưng phải nói thật là lòng tin hiện nay có giảm. Nếu chúng ta không làm tốt những vấn đề này thì lòng tin sẽ mất thật”.

Cẩm Quyên - Ảnh: Minh Thăng