- Thảo luận phiên toàn thể tại hội trường chiều 13/1, nhiều đoàn đại biểu cho rằng phải quyết liệt chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc kinh tế như một trục chiến lược xuyên suốt không chỉ cho 5 năm tới.

Các đại biểu cũng kiến nghị trước Đại hội Đảng XI một số giải pháp đột phá để phát triển đất nước.

Phát triển hai trung tâm công nghệ cao

Thay mặt đoàn Hà Nội đọc tham luận, ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND TP cho rằng, nếu tiếp tục mô hình tăng trưởng hiện tại, “đất nước ta sẽ phải trả giá đắt về môi trường, phải hi sinh các cơ sở tăng trưởng dài hạn, nghĩa là dành lại phần rủi ro cho các thế hệ tương lai, cho con cháu chúng ta. Và nguy hiểm hơn, sự tiếp tục đó không cho phép Việt Nam thành công trong cạnh tranh và hội nhập vào mạng lưới phát triển toàn cầu, đẩy nền kinh tế tụt hậu và tụt hậu xa hơn”.

Ảnh: Việt Dũng
Hà Nội kiến nghị chọn phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao như một đột phá khi thay đổi mô hình tăng trưởng. Ông Khanh đề xuất khẩn trương xây dựng xây dựng Chương trình phát triển kinh tế tri thức mang tầm cỡ quốc gia, coi đây là “trục” của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đưa Việt Nam thành nước công nghiệp hiện đại.

Tập trung ưu tiên xây dựng hai trung tâm quốc gia về công nghệ cao ở Hà Nội và TP.HCM, coi đây là mẫu hình, là đầu tàu phát triển khoa học - công nghệ - công nghiệp của cả nước.

Phát triển các khu công nghiệp - công nghệ cao cấp vùng, với hạt nhân là các Vườn ươm công nghệ - Vườn ươm doanh nghiệp hiện đại, thay thế các khu công nghiệp kiểu cũ, đang tỏ ra kém hiệu quả, thậm chí cản trở sự phát triển. Cần lôi kéo, thu hút các tập đoàn xuyên quốc gia, có tiềm lực khoa học - công nghệ, tài chính mạnh đầu tư vào Việt Nam; khuyến khích họ xây dựng các trung tâm nghiên cứu - phát triển, tạo kênh để từ đó tri thức công nghệ lan tỏa rộng rãi ra toàn bộ nền kinh tế.

Bỏ tư duy kinh tế tỉnh

Đại diện cho đoàn TP.HCM, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Đua đặc biệt nhấn mạnh: tư duy cơ cấu kinh tế tỉnh (mà các nhà phân tích kinh tế Việt Nam vẫn gọi là “nền kinh tế GDP tỉnh” - PV) dẫn đến phân tán nguồn lực sản xuất quốc gia, đầu tư công và cả đầu tư tư nhân cũng bị dàn trải; các vùng kinh tế trọng điểm không có sức mạnh của liên kết vùng.

Do đó, vị đại biểu từ TP.HCM kiến nghị “khái niệm chuyển dịch cơ cấu kinh tế cần nhìn ở quy mô nền kinh tế quốc gia và các vùng kinh tế để có sự liên kết về chức năng kinh tế của chính quyền địa phương".

Ảnh: Hoàng Long
Với vị trí địa lý phát triển trong lịch sử có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với vùng đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên trong phạm vi hẹp hơn, TP.HCM đã và đang là “hạt nhân” trong mối quan hệ mang “tính cơ cấu” của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nếu có chính sách thúc đẩy và cơ chế điều hành phù hợp sẽ nâng cao được chất lượng tăng trưởng kinh tế và phát triển đô thị bền vững cho cả vùng; đồng thời tạo động lực cho sự phát triển của cả miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM khẳng định.

Chính quyền đô thị: tăng tự chủ và chịu trách nhiệm

Đề cập đến những bất cập của mô hình chính quyền địa phương kiểu phân cấp hiện nay, ông Nguyễn Văn Đua cho rằng việc phân cấp cần dựa trên nguyên tắc thống nhất của nền hành chính quốc gia, đảm bảo tính chất của một nhà nước đơn nhất nhưng phải đề cao tính tự chủ của địa phương trên nền tảng lợi thế so sánh, năng lực cạnh tranh của các địa phương, các vùng kinh tế và các đô thị.

Để thích ứng với đặc điểm của cơ chế thị trường và mối quan hệ giữa Nhà nước với thị trường, xu hướng chung của thế giới là mở rộng quyền tự quản về ngân sách, cung cấp dịch vụ đô thị của các chính quyền đô thị.

Theo ông Đua, đã đến lúc phải làm rõ mô hình tổ chức chính quyền ở nông thôn, đô thị, hải đảo đã được đề ra từ Đại hội X.

Xóa xin - cho trong quản lý tài nguyên

Tán đồng với quan điểm phát triển bền vững, Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Phạm Khôi Nguyên cho rằng, “chưa bao giờ chúng ta có cơ hội lớn như hiện nay để lựa chọn mô hình tăng trưởng bền vững hơn”.

Ông kiến nghị đẩy mạnh cơ chế kinh tế hóa, chuyển đổi quyết liệt từ cơ chế nặng về bao cấp, xin - cho, nặng về kiểm soát hành chính trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường sang cơ chế thị trường, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng tầm đóng góp của ngành tài nguyên và môi trường trong nền kinh tế quốc dân.

Từ bài học Vedan, ông Nguyên cho rằng, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành, khắc phục tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, không rõ trách nhiệm, bỏ trống trách nhiệm và thiếu khả thi.

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nhấn mạnh, cần nâng cao hơn nữa nhận thức về nguy cơ ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao đối với sự phát triển bền vững. Theo dự báo, Việt Nam là một trong số những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Nhiều vùng ven biển, một phần lớn đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập nước biển trong tương lai. Nếu nước biển dâng cao 1m thì 90% diện tích các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập hầu như hoàn toàn, tổn thất với GDP khoảng 10%.

Thảo Lam - Hạ Anh