Các vụ tấn công mạng và gây nhiễu hệ thống GPS mà Hàn Quốc hứng chịu gần đây được cho là tác phẩm của Triều Tiên. Seoul cho rằng Bình Nhưỡng có lực lượng hacker rất mạnh.
Tại một trung tâm mạng của Hàn Quốc
Hiện, Hàn Quốc lo ngại Triều Tiên có thể lần lượt tấn công mạng lưới điện, giao thông và các cơ sở hạ tầng quốc gia khác của Hàn Quốc, vốn được điều khiển bằng hệ thống máy tính.
Các chiến binh mạng Triều Tiên được cho là đã phát động một cuộc chiến nhằm vào Hàn Quốc cuối những năm 1990. Triều Tiên được cho rằng đã đào tạo 500 tới 1.000 tin tặc, chuyên tiến hành chiến tranh từ một quốc gia thứ ba, gồm cả Trung Quốc.
Trong một báo cáo hồi 2006, quân đội Hàn Quốc cho biết, đội quân tin tặc của quân đội Triều Tiên có thể làm tê liệt Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ và gây tổn hại cho mạng lưới máy tính trong đất liền của Mỹ.
Hàn Quốc cho biết, dường như Triều Tiên bắt đầu đào tạo những sinh viên giỏi, hầu hết tốt nghiệp trường đại học tự động hóa Bình Nhưỡng - còn gọi là đại học Mirim, đại học công nghệ Kim Chaek hoặc đại học công nghệ tin học Bình Nhưỡng làm tin tặc từ năm 1986.
Một nhân vật đào thoát khỏi Triều Tiên, từng tốt nghiệp trường Mirim kể, 25 giáo sư người Nga từ Học viện quân sự Frunze, Liên Xô cũ đã được mời về để giảng dạy. Mỗi năm có khoảng 100 tới 110 tin tặc được đào tạo.
Jang Se-yul thuộc Mặt trận giải phóng nhân dân Triều Tiên, tổ chức của các cựu binh và quân nhân Triều Tiên, cho biết, "khi rời Triều Tiên năm 2007, tôi được biết quân đội nước này có khoảng 30.000 chuyên gia chiến tranh điện tử, gồm cả .1200 nhân sự thuộc hai quân đoàn".
"Mỗi quân đoàn lại điều hành một đơn vị tự động hóa hoặc một đơn vị chiến tranh điện tử". Jang trước đây là một sĩ quan thuộc đơn vị chỉ huy tự động hóa.
Ngoài ra, quân đội Triều Tiên còn duy trì một cục chuyên quản lý tin tặc và phát triển phần mềm. Một nguồn tin quân sự Hàn Quốc cho biết, tin tặc Triều Tiên chỉ đứng sau CIA về khả năng tấn công mạng.
Các chuyên gia mạng Hàn Quốc cũng xác nhận, 600 hoặc hơn các tin tặc đặc biệt của Triều Tiên có tài ngang ngửa các nhân viên CIA.
Do khó khăn kinh tế từ những năm 1980, chính quyền Triều Tiên vấp phải khó khăn trong việc tăng cường sức mạnh quân sự thông thường. Do đó, nước này tập trung củng cố cái gọi là năng lực bất đối xứng, cho phép nước này thu được thành công lớn mà chỉ tốn chi phí nhỏ. Điều này có nghĩa là, Triều Tiên không chỉ tập trung vào vũ khí sinh hóa học và hạt nhân, tên lửa mà còn chú trọng lực lượng đặc biệt và tin tặc.
- Hoài Linh (Theo ChosunIlbo)