- Rất nhiều những khoản tiền không tên được các doanh nghiệp bỏ ra để có một giấy phép khai thác mỏ đá xây dựng. Nhiều người đã ví việc đi xin giấy phép khai thác mỏ chẳng khác nào 'lạc vào trận địa bát quái' với những thủ tục lằng nhằng, những khoản tiền bỏ ra lên đến cả tỷ đồng.


Tiết lộ động trời về những khoản tiền khổng lồ mà DN phải bỏ ra để chạy giấy phép là một minh chứng hùng hồn cho việc: Vì sao, sau khi được phép khai thác mỏ, DN đã bất chấp nguy hiểm để khai thác. Dù rằng, điều đó ảnh hưởng đến tính mạng sống của hàng chục lao động.

“Liệu cơm gắp mắm”

Nhờ sự giúp đỡ khá tận tình của chủ mỏ tên T., chúng tôi mới dễ dàng tiếp xúc được với một DN vừa mới được cấp giấy phép khai thác mỏ đá xây dựng tên N.

Thấy chúng tôi than thở: “Tốn nhiều tiền lắm rồi mà vẫn chưa đâu vào đâu nên muốn đến hỏi anh xem có cách nào không”, N. cười: “Nhà tôi cũng vậy, cắm hết cả nhà cửa, đất đai vay ngân hàng để chạy giấy phép. Nhẩm tính cũng phải mất đến cả tỉ bạc rồi mà vẫn chưa hoàn tất các hồ sơ, thủ tục”.

Rất nhiều những khoản tiền không tên được các doanh nghiệp bỏ ra để có một giấy phép khai thác mỏ đá xây dựng.
Được biết, mỏ đá của N. được cấp từ năm 2001, đến năm 2006 thì hết hạn. Sau đó, DN này đã xin gia hạn thêm 4 năm. Đến năm 2009 hết hạn, N. bắt đầu khai thác cầm chừng và đi xin cấp mỏ mới. Gần 2 năm trời ròng rã, chạy hết các cửa, cuối cùng, N. cũng xin được cái “chìa khóa” quan trọng nhất: Giấy phép khai thác đá.

Theo DN này, thì để có được tờ giấy phép khai thác đá, anh đã phải bỏ ra hơn 1 tỉ đồng để 'lo lót các cửa'. Nhẹ thì mấy chục triệu, nặng thì lên đến cả trăm triệu. Tóm lại là phải “liệu cơm gắp mắp”. Chỗ nào quan trọng thì phong bì nhiều, chỗ nào không quan trọng thì ít hơn một chút. Trong số hơn 1 tỉ đồng chi phí để 'chạy' mỏ, chỉ có khoảng gần 400 triệu là có hóa đơn, chứng từ...

“Công việc chạy mỏ cũng phải theo đúng “quy trình”. Đầu tiên là xã, rồi mới đến huyện. Sau đó mới đến tỉnh và các Sở, ban ngành liên quan...” -  N. tiết lộ.

Theo N. thì số tiền lót tay nặng nhất vẫn là ở các sở. Tuy nhiên, lượng tiền mình bỏ ra còn phụ thuộc vào mức độ quan hệ. Nếu có quan hệ thân thiết, có người nhà làm 'quan chức' thì sẽ rẻ hơn đôi chút.

Cầm được tờ giấy phép khai thác mỏ, DN vẫn còn phải xin hàng loạt giấy tờ quan trọng khác, mà theo N., có đến 11 quyết định nữa từ các Sở ban ngành thì mỏ đá mới được khai thác. N nhẩm tính, ròng rã hơn 2 năm trời, để xin được giấy phép khai thác mỏ và các quyết định liên quan, anh phải chi không dưới 1 tỉ đồng.

Nhiều DN vì không có quan hệ, nên buộc phải nhờ đội ngũ “cò” trung gian lo các thủ tục còn lại sau khi đã có giấy phép khai thác.

Theo như chủ DN khai thác đá trắng tại Quỳ Hợp tên B., thì đội ngũ “cò” này là những người có chức sắc và quan hệ khá rộng rãi. Tuy nhiên, “cò” thường không mấy khi ôm trọn gói mà chủ yếu chỉ lo xin các thủ tục sau khi DN đã tự lo được giấy phép khai thác mỏ.

Trong quá trình khai thác mỏ, DN cũng phải lo lót cho các đoàn kiểm tra. Nói như DN khai thác đá trắng tại Quỳ Hợp tên B. thì: tùy thuộc vào 'mức độ sai phạm' của mình mà chi nhiều hay ít. Nhẹ thì cũng hàng chục triệu, còn nặng thì có khi lên đến cả trăm triệu. 

“Nói thật chứ khai mỏ thì làm sao mà ai làm đúng quy trình. Nếu làm theo quy trình thì không làm nổi, tiền đâu mà làm? Cứ nổ 1kg mìn thì ra 3 xe đá, trừ chi phí nhân công còn được bao nhiêu? Bởi vậy, mỗi lần có đoàn kiểm tra tại mỏ, cũng phải bỏ ra để lo lót” – N. tiết lộ.

Hàng chục đoàn kiểm tra

Hiện tại, trên địa bàn Nghệ An có 132 mỏ đá xây dựng được cấp phép khai thác. Các mỏ này tập trung chủ yếu ở các huyện Quỳ Hợp, Quế Phong, Tân Kỳ, Yên Thành…Trong năm 2010, tỉnh Nghệ An đã cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho 37 DN, trong đó có 10 giấy phép khai thác đá xây dựng. Năm 2011, tỉnh đã cấp phép khai thác khoáng sản cho 14 DN. Trong đó, có 1 nửa là gấy phép khai thác đá xây dựng.

“Nói thật chứ khai mỏ thì làm sao mà ai làm đúng quy trình. Nếu làm theo quy trình thì không làm nổi, tiền đâu mà làm? Cứ nổ 1kg mìn thì ra 3 xe đá, trừ chi phí nhân công còn được bao nhiêu?"
Cũng theo số liệu từ Sở TN-MT tỉnh Nghệ An, vừa qua, tỉnh đã tiến hành thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản của 7 DN vì có những sai phạm trong quá trình khai thác. Các DN bị thu hồi giấy phép gồm: Công ty CPKT khoáng sản Việt Đức, Công ty CPDT phát triển khoáng sản Nghệ An, Công ty TNHH khoáng sản Thiên Trường…

Theo ông Hoàng Danh Lai, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Nghệ An, thì hàng năm, tỉnh Nghệ An đã tổ chức hàng chục cuộc thanh, kiểm tra đối với các mỏ đá xây dựng, tập trung vào các điểm nóng như Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Hợp và tiến hành xử phạt đối với các DN vi phạm.

Tuy nhiên, trên thực tế, tại một số mỏ đá xây dựng, các đoàn kiểm tra lại chưa một lần kiểm tra. Điển hình như tại mỏ đá Lèn Cờ, kể từ khi cấp phép đến nay, Sở TN-MT chưa một lần tiến hành kiểm tra. Lí giải cho điều này, ông Lai cho rằng: vì lực lượng quá mỏng nên chỉ tiến hành kiểm tra các điểm nóng.

Về vấn đề cấp giấy phép khai thác khoáng sản, ông Lai cho rằng: “Về quy trình cấp giấy phép khai thác khoáng sản, Sở TN-MT là đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh. Để cấp một mỏ đá xây dựng cũng rất khó khăn. Bởi vấn đề xem xét đầu tiên là năng lực của nhà đầu tư, địa bàn có phù hợp với quy hoạch vật liệu xây dựng không. Nó có trùng với doanh nghiệp nào đã làm hay chưa? Nằm ngoài khu vực cấm hoạt động khoáng sản không…".

Về số tiền mà DN 'phải bỏ ra để lo lót', ông Lai một mực phủ nhận và cho rằng: Doanh nghiệp đến đây thì họ chỉ nộp lệ phí cấp phép thôi, còn hoàn toàn không thu một khoản nào cả. Họ chỉ đóng những khoản theo quy định của luật như: ký quỹ phục hồi môi trường, liên quan đến nộp tiền thuê đất… Còn chuyện DN có “đi đêm” với ai hay không thì không ai khẳng định được.

  • Hoàng Sang – Quốc Huy
Bài 2: Tôi đi 'chạy' giấy phép khai thác mỏ
Bài 1: Nhức nhối ở 'miền đất chết' xứ Nghệ