Theo nguồn tin riêng, liên Bộ GTVT và Tài chính vừa hoàn thành dự thảo thông tư quy định mức phí cụ thể và hướng dẫn sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ, thu từ 1/6.

Theo nguồn tin của Tiền Phong, dự thảo này áp dụng với 8 loại ô tô, 4 loại xe máy. Mức thấp nhất với xe máy là 80 nghìn đồng/năm, cao nhất với ô tô là 16,7 triệu đồng/năm. Tổng số phí thu được dự kiến khoảng 6.000 tỷ đồng/năm.


Theo nội dung dự thảo, có thể thấy rõ, ô tô có trọng lượng càng cao, số chỗ ngồi nhiều, xe máy phân khối lớn sẽ phải chịu mức đóng cao (xem bảng). Phí sẽ được thu trực tiếp theo đầu phương tiện giao thông đường bộ theo chu kỳ cấp giấy kiểm định và bảo vệ môi trường. Cơ quan kiểm định sẽ chịu trách nhiệm thu.

Phương thức thu phí mô tô, xe máy do UBND cấp tỉnh quy định, phù hợp với đặc điểm kinh tế xã hội của địa phương.

Cũng theo dự thảo, nếu các chủ phương tiện nộp phí cho kỳ đăng kiểm trên 6 tháng sẽ được chiết giảm với giá trị phí đã nộp từ tháng thứ 7 trở lên là 12%/năm. Trường hợp chậm kiểm định sẽ bị truy thu.

Sau khi trừ chi phí tổ chức thu, dự kiến số phí sử dụng được chuyển vào quỹ khoảng 6.000 tỷ đồng/năm, cộng với kinh phí ngân sách nhà nước cấp hàng năm đáp ứng được gần 80% nhu cầu bảo trì quốc lộ và 70% cho đường địa phương.

Về nội dung chi tiêu của quỹ, liên bộ đưa ra ba nhóm nội dung chi, gồm: Chi bảo trì công trình đường bộ (chi bảo dưỡng thường xuyên, chi sửa chữa định kỳ...); Chi Quản lý công trình đường bộ (lưu trữ, quản lý và khai thác hồ sơ hoàn công công trình đường bộ, lập hồ sơ quản lý, chi hoạt động trạm kiểm tra trọng tải xe, lập hồ sơ điểm đen, chi trực đảm bảo giao thông...); Chi bộ máy quản lý và các khoản chi khác có liên quan.

Bộ GTVT đánh giá tác động của việc thu phí bảo trì đường bộ, sẽ làm tăng chi phí trong giá thành vận tải từ 1,5-2%. Tuy nhiên, bộ này cho rằng, nếu quỹ đi vào hoạt động, chất lượng đường sẽ tốt lên, giảm thiểu ùn tắc và TNGT…

Tuy nhiên, trên thực tế không phải công trình nào Bộ GTVT chi tiền bảo trì, chất lượng đường cũng tốt hơn. Ví như mặt cầu Thăng Long, sau khi chi 91 tỷ đồng để thảm lại mặt cầu, dù đã sửa đi sửa lại nhưng nay mặt cầu vẫn nhiều điểm nứt, gồ ghề. Trong khi đến nay, vẫn không ai chịu trách nhiệm trong vụ lãng phí lớn này.

Chưa hợp lý

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội cho biết, mức phí liên bộ vừa thống nhất tăng cao hơn so với đề xuất ban đầu của Bộ GTVT, càng không hợp lý.

“Đường sá vẫn ùn tắc, xuống cấp nhưng việc người dân phải đóng phí là điều không thể chấp nhận được. Việc này càng khó thực hiện với xe máy vì chuyên trách của hệ thống phường xã không phải đi thu tiền; hơn nữa có thu được thì tiêu cực cũng không nhỏ”, ông Liên cảnh báo.

Theo ông Liên, để giảm bớt khó khăn và chọn thời điểm phù hợp hơn, việc thu phí nên lùi lại 6 tháng nữa. Năm đầu tiên, nên giảm 60% mức đưa ra để chia sẻ với người dân trong lúc khó khăn.


(Theo Tiền phong)