- Bị cạnh tranh gay gắt, người tiêu dùng lại chi tiêu chắt bóp nên sức mua tại chợ truyền thống sụt giảm không phanh. Để sống sót, không ít tiểu thương tính chuyện làm thêm. Trong khi đó, quán xá cũng phải tranh thủ "xen canh" tạo thêm thu nhập.
Ế ẩm, tiểu thương chật vật làm thêm
Ghi nhận tại một vài chợ trên địa bàn Hà Nội như chợ Bưởi, Cầu Giấy, Thành Công, Nghĩa Tân, Cổ Nhuế... vào ngày thứ bảy, chủ nhật - thời điểm được cho là đông khách nhất trong tuần - nhưng chợ vẫn èo uột, vắng bóng khách. Nhiều gian hàng tại chợ đã đóng cửa nhiều ngày liên tiếp do sức mua quá yếu.
Các chủ cửa hàng cho hay doanh số bán hàng liên tục giảm sút, ban đầu chỉ khoảng 20% sau con số này ngày càng cao. "Đến nay, các sạp hàng quần áo, đồ gia dụng, tạp hóa tại chợ đã giảm gần một nửa doanh thu hàng tháng, cô Dung - tiểu thương chợ Nghĩa Tân, cho biết.
10h sáng có mặt tại tầng hai của chợ Cổ Nhuế (Từ Liêm) - khu vực chuyên bán quần áo, giầy dép, tại đây nhiều sạp hàng vẫn còn đóng cửa, những sạp mở cửa thì vắng tanh, khách ra vào thưa thớt.
Bà Phan Thị Nga, tiểu thương chợ Cổ Nhuế, nói rằng hiện chợ có những sạp hàng chỉ mở cửa vào dịp cuối tuần, những ngày còn lại khách ít, bán chẳng được bao nhiêu nên một số tiểu thương đóng cửa đi làm việc khác.
Tuy chưa đến mức phải đóng cửa sạp nhưng các sạp hàng ở chợ Đồng Xuân - khu chợ bán buôn lớn nhất Hà Nội vốn tấp lập nay cũng đã èo uột đi nhiều. Chị Tuyền, tiểu thương tại chợ này chia sẻ: "Trong Tết, khách đến lấy buôn quần áo về các tỉnh lẻ và cả khách lấy về bán tại các chợ, cửa hàng, shop thời trang trên địa bàn Hà Nội rất nhiều. Hàng được bán ra ào ào. Nay số lượng khách đến lấy buôn giảm khoảng 40%. Khách tỉnh lẻ chỉ còn lại một vài người là mối lớn, thời gian đến lấy hàng cũng thưa dần. Thay vì đến lấy hàng mỗi tuần một lần, giờ phải hai, ba tuần, thậm chí có khi cả tháng họ mới đến lấy một lần".
. |
Tranh thủ thời gian rỗi, khá nhiều người ngồi thêu tranh thuê cho người theo yêu cầu. Cô Hạnh vừa ngồi bán quần áo trẻ em, vừa tranh thủ thêu những bức tranh chữ tập tại chợ Nghĩa Tân, cho biết: "Hàng dạo này ế chảy, ngồi cả ngày được vài ba khách hỏi mua. Thu nhập hàng tháng bây giờ giảm còn phân nửa so với trước. Thời gian rảnh chẳng biết làm gì nên cô tranh thủ ngồi thêu tranh cho khách đặt kiếm thêm cân gạo, mớ rau", cô Hạnh nói.
Theo cô Hạnh, mỗi ngày ngồi thêu cũng kiếm được 40.000- 50.000 đồng còn tùy vào tay nghề thêu nhanh hay chậm. Một tháng làm đều, tranh thủ hết tối đa thời gian rảnh khi không bán hàng để ngồi thêu thì thu nhập cũng vào khoảng 1,5 triệu đồng. Tuy nhiên, công việc này đòi hỏi phải kiên trì. Đơn cử như bức tranh phong cảnh khổ 1x1,5m phải thêu cả tuần mới xong một nửa. Bức lớn có khi hết gần một tháng.
Không cần có tay nghề, không cần phải kiên trì chỉ cần bỏ ra thời gian và công sức, chị Nguyệt, tiểu thương chợ Cổ Nhuế lại có cách làm thêm khác nhưng thu nhập cũng không hề kém.
Chị Nguyệt kể, ngoài thời gian bán hàng ở chợ từ sáng tới chiều, dạo này buổi tối chị còn tranh thủ vác đồ nghề ra công viên Hòa Bình ngồi bán trà đá. Theo chị, buổi tối ra đây bán nước vừa có thêm thu nhập vừa được hóng mát miễn phí. Tuy không chuyên nghiệp như những hàng quán khác nhưng túc tắc mỗi tối chị có thể kiếm được đủ tiền rau dưa chợ búa cho cả nhà. Có khi gần bằng tiền lời chị ngồi bán hàng ở chợ cả ngày.
"Nói vậy chứ, bất đắc dĩ mới phải đi làm thêm kiểu đó. Trước kia chỉ ngồi bán hàng ở chợ tiền lời thu được dư sức ăn tiêu cho cả nhà, tối về còn được nghỉ ngơi. Nay ngày đi bán hàng, tối lại gồng mình ra công viên bán nước để bù vào chỗ thu nhập bị giảm. May mà bán ở đây cũng kiếm được ít nhiều", chị Nguyệt than thở.
Chị Nguyệt cho biết, một người bạn của chị bán hàng ở chợ Cầu Giấy cũng đang nhận đính các phụ kiện theo mẫu lên những chiếc áo xuất khẩu. Hoàn thành một chiếc giá chỉ 3.000-4.000 đồng. Làm cả ngày lẫn đêm người bạn này thu nhập có thể được thêm 2 triệu đồng/tháng.
Tương tự, để trụ được qua thời buổi khó khăn, một số tiểu thương tìm mọi cách để làm thêm ngay trong lúc bán hàng, thậm chí còn tranh thủ làm thêm buổi tối... Tất cả đều cố kiếm thêm đồng nào hay đồng đó để có thể lấp vào khoảng trống thu nhập đã bị giảm đi khi chợ sức mua ở chợ ngày một giảm dần.
Hàng quán Hà Nội đua nhau "xen canh"
Salon tóc kết hợp với bán quần áo, cửa hàng bán sim thẻ bán cả thực phẩm, cửa hàng quần áo bán ruốc, đại lý chăn ga gối nệm kết hợp bán chè đỗ đen... đó là cái cách mà các hàng quá ở Hà Nội chọn để vượt qua giai đoạn khủng hoảng do sức mua giảm. Trào lưu kinh doanh kép cũng ra đời từ đó. Đối với các chủ cửa hàng thì "không cần phải liên quan mà chỉ cần đem lại hiệu quả kinh tế cao là được". Đây được coi là chiêu "xen canh, gối vụ" của những người buôn bán ở đất Hà Thành.
. |
Một cửa hàng có thể kinh doanh "xen canh" tới 2-3 mặt hàng khác nhau. Thậm chí có cửa hàng chỉ có một không gian nhỏ khoảng chừng 10 m2 nhưng cũng cố tăng thêm thu nhập bằng chiêu kinh doanh kép này.
Theo chị Thủy, chủ một salon tóc tại 175 Xuân Thủy, Hà Nội cho biết "bọn mình mới bán thêm mặt hàng quần áo được gần nửa năm nay". Cửa hàng của chị Thủy rộng chưa đầy 10m2, chứa đủ các thứ đồ nghề làm tóc, vốn đã chật nhưng chị cố bán thêm quần áo để tăng gia thu nhập. Chưa kể, cạnh đó là các loại mỹ phẩm khác được bày bán lẫn. Chị Thủy chia sẻ "tuy vất vả nhưng bù lại thu nhập cũng khá hơn là chỉ làm tóc", nhưng chị cũng cho hay vì ế khách nên mới phải làm vậy chứ cũng rất vất vả.
Cách cửa hàng "xen canh" của chị Thủy khoảng chừng 50m cũng có một salon tóc nhỏ kết hợp với việc làm ruốc và bán ruốc. Theo chủ cửa hàng, việc kinh doanh kép này bắt đầu từ mùa đông năm ngoái. Do làm ăn được nên chị quyết định làm ruốc bán với quy mô ngày càng lớn.
Bên trong, cửa hàng bày hàng trăm máy tính, máy chơi game chạy suốt ngày; bên ngoài, chủ cửa hàng ung dung bán hoa quả và thực phẩm. Theo chủ cửa hàng, việc bán hàng kể hợp "chẳng ảnh hưởng gì cả mà còn tăng được thu nhập". Cửa hàng có chiều rộng mặt tiền hướng ra đường Nguyễn Phong Sắc nhưng chỉ chừa một lối đi rất nhỏ cho người đi vào quán net, còn lại đều được tận dụng đến bán hoa quả và thực phẩm.
Các shop quần áo còn mạnh tay bỏ vốn ra kinh doanh kết hợp với trà chanh, trà đá. Tận dụng không gian thông thoáng ở vỉa hè, nhiều gia đình bán quần áo trên phố cổ như Cầu Gỗ, Hàng Ngang, Hàng Đào... còn bỏ tiền vốn ra mua bàn ghế, đồ nghề bán nước giải khát để kiếm thêm. Chỉ cần một khoảng không gian nhỏ và bán vào buổi tối là chủ cửa hàng có thể thu vài trăm nghìn đồng mỗi ngày.
Ngoài ra, có cửa hàng bán sim thẻ điện thoại nhưng nay bán cả thực thẩm, đồ điện dân dụng, thậm chí còn nhận cầm đồ... và kết hợp luôn với ở trọ. Đây là cách mà gia đình chị Hồng (Trần Cung, Hà Nội) bám trụ tại mảnh đất phồn hoa này. Chị Hồng tâm sự "mỗi thứ chỉ bán được ít thôi coi như tiền lãi bù vào tiền thuê trọ vì cả gia đình ở trọ luôn tại cửa hàng để tiết kiệm".
Điều đáng nói là phương thức kinh doanh này không chỉ tồn tại ở những cửa hàng nhỏ mà đối với những doanh nghiệp, đại gia bất động sản một thời nổi như cồn cũng xuống nước "bắt tay kinh doanh" bằng cách kết hợp bán nước giải khát, nước mía, bán đồ ăn, bán phở... để trụ vững qua "bão".
Bài, ảnh: Bảo Hân