Ứng dụng quay video ngắn TikTok ngày càng phổ biến ở Mỹ, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, công ty này đang chịu sự giám sát chặt chẽ từ các nhà lập pháp và quan chức Mỹ.
Vào tuần trước, quân đội Mỹ tuyên bố họ đang điều tra cách xử lý dữ liệu người dùng của TikTok theo yêu cầu từ Thượng nghị sĩ Chuck Schumer.
Theo trang Business Insider, một vụ kiện được đệ đơn tại tòa án California (Mỹ) vào tuần trước với cáo buộc công ty TikTok đánh cắp dữ liệu người dùng và gửi đến các máy chủ tại Trung Quốc.
Đơn kiện này không đến từ chính phủ Mỹ mà bởi Misty Hong, một sinh viên ở California. Cô đã tải ứng dụng TikTok vào khoảng tháng 3 hoặc tháng 4/2019. Theo đơn kiện, cô dùng ứng dụng nhưng chưa từng tạo tài khoản. Misty Hong chỉ quay một vài video và không đăng tải lên mạng.
TikTok bị cáo buộc lấy cắp dữ liệu cá nhân gửi về máy chủ ở Trung Quốc. Ảnh: The Epoch Times. |
Ứng dụng TikTok cho phép người dùng tạo video trước khi đăng ký tài khoản. Tuy nhiên, nếu muốn đăng tải video công khai lên ứng dụng, bạn phải tạo tài khoản.
Hong phát hiện TikTok đã tự tạo tài khoản cho cô với tên người dùng là một chuỗi ký tự. Bên cạnh đó, nó sử dụng số điện thoại của cô làm mật khẩu.
Misty Hong khẳng định TikTok lấy các video cô đã quay nhưng chưa đăng tải lên mạng cùng với hàng loạt dữ liệu cá nhân khác chuyển đến máy chủ ở Trung Quốc.
Vụ kiện xác định một số máy chủ Trung Quốc được vận hành bởi gã khổng lồ công nghệ Tencent và Alibaba. Hiện tại, TikTok vẫn chưa có phản hồi về cáo buộc trên của Misty Hong.
Trong một bài viết ngày 5/11, Vanessa Pappas, trưởng văn phòng ở Mỹ của TikTok, khẳng định các trung tâm dữ liệu ứng dụng "đều nằm bên ngoài Trung Quốc". Bà nhấn mạnh dữ liệu của người dùng tại Mỹ được lưu trữ ở Mỹ và sao lưu tại Singapore.