Mỹ Thanh mất cha mất trong một tai nạn giao thông khi cô mới 6 tuổi. Từ khi bố mất, một mình mẹ cô cặm cụi đi dạy, tập trung toàn bộ tình yêu thương để nuôi Thanh khôn lớn. Lớn lên bên mẹ, trong mắt Mỹ Thanh mẹ là người yêu thương nhất, là thần tượng của cô.

Mẹ Mỹ Thanh vốn xinh đẹp, hiền hậu, sau khi mất chồng vài năm, một mình nuôi con, có khá nhiều đồng nghiệp nam và nhiều người chung quanh theo đuổi. 

Thế nhưng, thương con còn nhỏ, nên dù đang xuân sắc bà vẫn một mực ngoảnh mặt trước những cơ hội xây dựng lại hạnh phúc cho mình.

Mười tám tuổi, Mỹ Thanh đậu một lúc hai trường đại học: Đại học Sư phạm TP.HCM và đại học Khoa học Tự nhiên trong niềm vui và tự hào của mẹ. 

Trong những năm đại học, dù vất vả, phải làm lụng gấp đôi để có tiền trang trải học phí cho con, người mẹ vẫn nhất quyết không cho Mỹ Thanh đi làm thêm như chúng bạn vì muốn con toàn tâm toàn ý vào việc học. 

Và quả thật, suốt những năm đại học Mỹ Thanh đều nhận được học bổng của trường, là một trong những sinh viên xuất sắc của khoa.

Năm Mỹ Thanh hai mươi mốt tuổi, bước vào năm ba đại học, mẹ cô gặp một người đàn ông “của số phận”. Người thầy giáo nọ vốn từ Hà Nội chuyển vào dạy tại trường mẹ Mỹ Thanh đang công tác. Ông mất cả vợ con từ khi còn rất trẻ. 

{keywords}

Và từ đó đến nay ông vẫn sống với nỗi đau âm thầm. Ở tuổi trung niên, ông chuyển vào Sài Gòn sinh sống, công tác để gần gũi vợ chồng đứa em gái duy nhất và các cháu cho đỡ cô quạnh.

Năm ấy, mẹ Mỹ Thanh mới bốn mươi lăm tuổi, vẫn còn trẻ trung. Dạy chung với nhau hơn một năm trời, giữa hai con người đã từng trải qua những bất hạnh, mất mát và cô đơn từ từ nảy sinh tình cảm. 

Ban đầu là do cái tính hiền từ, dịu dàng, sự xinh xắn khéo léo của mẹ Mỹ Thanh khiến người hiệu phó mới của trường cảm mến. Rồi mẹ Mỹ Thanh cám cảnh người đồng nghiệp đứng tuổi gia cảnh bất hạnh, nay sống cô đơn thui thủi một mình nên thi thoảng quan tâm bằng những món ngon bà tự nấu.

Tình yêu dần nảy nở trong họ - thứ tình cảm của những người lớn tuổi, ấm áp, dịu dàng mà sâu sắc. Cạnh tình yêu đó còn là niềm đồng cảm, sẻ chia… Người thầy không có con cái, sống đơn độc, mẹ Mỹ Thanh thì con đã vào đại học, cũng thảnh thơi nhiều.

Ai cũng tưởng họ sẽ đến với nhau nhẹ nhàng như hơi thở, và không có một chút mảy may vướng bận. Thế nhưng, Mỹ Thanh, đứa con gái yêu quý của bà, niềm vui sống của bà lại chính là người ngăn cản quyết liệt nhất hạnh phúc mới của người mẹ.

Ban đầu Mỹ Thanh ngạc nhiên thấy có người đồng nghiệp thường xuyên lui tới nhà mình, sau đó là những cử chỉ ấu yếm, cách đối xử kín đáo nhưng toát ra tình yêu thương của người đàn ông lạ đối với mẹ, cô đã sớm nghi ngại. 

Sau đó, dò hỏi những người bạn mẹ, Mỹ Thanh được xác nhận mẹ cô và thầy giáo nọ đang có tình cảm và dự định đến với nhau.

Mỹ Thanh bị sốc khi nghĩ có người đàn ông sắp chia sẻ mẹ với mình, sắp xộc thẳng vào cuộc sống của mẹ con mình. Ngẫm lại, cô bé nhận ra mẹ mình dạo này không còn coi mình là “nhất” như trước nữa, dạo này mẹ lơ đãng hơn và cũng bận rộn hơn, không dành hết mọi thời gian rảnh rỗi cho Mỹ Thanh như xưa nữa.

Rồi cô nghĩ đến chuyện mẹ kết hôn, trong gia đình xuất hiện người đàn ông lạ với bao chuyện phúc tạp, người ta nói cha dượng có bao giờ thương con ghẻ?. Bao nhiều điều lo sợ quay cuồng trong đầu Mỹ Thanh. 

Cô bắt đầu tỏ thái độ phản đối mối quan hệ của mẹ. Ban đầu là những cử chỉ vùng vằng, thiếu thân thiện khi người thầy giáo đến nhà chơi. Rồi phản ứng ngày càng mạnh hơn, nhiều khi Mỹ Thanh thậm chí không nhìn mặt, không chào hỏi khách.

Mỹ Thanh thẳn thắn tuyên bố cô sẽ “phản đối tới cùng” mối quan hệ của mẹ, với lý do là “sợ mẹ khổ”, sợ mất tình mẹ con, sợ người ta dị nghị, đồn thổi xấu hình ảnh của mẹ bao năm…

Mặc dù người mẹ đã từ tốn và rất tình cảm, đã chia sẻ hết lòng với con về sự cô đơn vò võ của ba bao nhiêu năm, rồi người đàn ông tử tế đã khiến trái tim khô cằn của bà nảy sinh tình yêu thương và dấy lên ước mơ về một mái ấm… Thế nhưng, tất cả những lời lẽ tha thiết của bà vẫn không làm lay chuyển cô con gái mới lớn.

Mỹ Thanh có dấu hiệu bất cần, không học hành và còn tuyên bố sẽ bỏ học, không tốt nghiệp nếu mẹ còn tiếp tục mối quan hệ ấy. Chuyện càng lúc càng căng thẳng khi Mỹ Thanh đến gặp người đàn ông của mẹ để nói chuyện phải quấy, rồi đến trường nơi mẹ đang dạy để tạo áp lực.

Lo sợ cho tâm lý và tương lai của con, người mẹ vốn tính cam chịu đành chấp nhận hy sinh hạnh phúc riêng của mình. 

Bà đau khổ nói với Mỹ Thanh: “Bao năm qua mẹ dạy con tất cả, nhưng quên mất dạy con biết nghĩ đến nỗi niềm của mẹ!”. 

Cắt đứt quan hệ với người yêu, bà làm đơn chuyển trường, nhưng chưa kịp thì ông đã tránh cho bà nỗi khổ, tự động xin chuyển đi đến dạy học tại một tỉnh kế cận Sài Gòn. Mối tình của họ tan vỡ.

Họ lại cuộc sống một mẹ một con như xưa, nhưng dường như mẹ Mỹ Thanh ngày càng gầy hơn, ưu tư hơn, bà không còn thanh thản như ngày xưa nữa, nỗi ưu tư luôn đè nặng lên bà. 

Đôi lần, Mỹ Thanh thoáng thấy chút băn khoăn không biết mình có làm sai, nhưng rồi cô luôn đưa ra nhiều lý lẽ để chứng minh mình làm thế là tốt cho mẹ.

Mỹ Thanh ra trường, đi làm, bù đắp cho mẹ bằng nhiều vật chất, nhưng dường như nỗi cô đơn không khuây khỏa trong lòng bà. Mỹ Thanh lấy chồng, rồi sinh con, chồng làm đại diện một thương hiệu có tiếng ở Úc, nửa năm sống Úc nửa năm Việt Nam, mẹ con Mỹ Thanh cũng bay qua bay lại theo chồng cô.

Giờ đây, có con rồi, Mỹ Thanh không nhiều thời gian để lui tới thăm mẹ già. Những lần ít ỏi về với mẹ, Mỹ Thanh thấy mẹ vẫn vò võ đơn lẻ. 

Về hưu rồi không có việc để làm, bà cặm cụi với mấy luống rau, luống hoa ngoài hè, vài con chó, con mèo cho đỡ hiu quạnh. Nhiều lúc nhìn tóc mẹ bạc nhiều, dáng bắt đầu khom, Thanh muốn ứa nước mắt.

Có lần, chồng Thanh hỏi: Sao mẹ em ở vậy bao nhiêu năm mà không đi thêm bước nữa để có người chăm nom cận kề, vui buồn lúc tuổi già? Thanh muốn khóc vì ân hận, vì thấm thía câu nói ngày xưa của mẹ, mà không dám nói ra điều sai quấy trong quá khứ của mình.

Có con rồi, cô mới hiểu lòng người mẹ. Có chồng chỉ thi thoảng phải xa cách, cô đã thấy mình quá chừng đơn độc mỗi khi chồng vắng nhà. Thế mà mẹ một thân một mình bao năm trời, đến già trơ trọi…

Phải rất nhiều dũng khí để Thanh quyết định đi Bình Phước. Tìm thông tin một tháng trời, mới nghe được người thầy ấy sống tại một huyện nghèo ở Bình Phước, lên đến nơi thì lại nghe tin đã chuyển về Sài Gòn, rồi vòng đôi ba vòng nữa, nhưng Thanh không nản chí.

Lần này, cô quyết tâm tìm người đàn ông ấy về cho mẹ (nếu người ấy vẫn chưa đi bước nữa như mẹ cô). 

Còn không, thì Thanh cũng sẽ đi tìm cho mẹ một người đàn ông đáng tin cậy làm bạn với mẹ lúc tuổi già. Tất nhiên chuộc lỗi chỉ là một chuyện, điều quan trọng nhất, là hạnh phúc lúc xế bóng của mẹ cô…

(Theo Pháp luật Việt Nam)