- Việc viết tắt trong đề thi ngữ văn tốt nghiệp THPT năm nay đã đặt ra câu hỏi về sự chuẩn mực đối với cách viết tên riêng tiếng nước ngoài trong các văn bản của ngành giáo dục.

Hai quy định không thống nhất

{keywords}
Thí sinh trước giờ làm bài thi. Ảnh: Văn Chung

Cách đây hơn 10 năm, ngày 13/3/2003 - Bộ GD-ĐT ban hành “Quy định tạm thời về viết hoa tên riêng trong sách giáo khoa”. Gọi là quy định tạm thời nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản khác thay thế cho quy định này.

Theo văn bản này thì đối với tên người, tên địa lí, trường hợp phiên âm qua âm Hán - Việt: Viết theo quy tắc viết tên người, tên địa lí Việt Nam. Ví dụ: Kim Nhật Thành. Đức, Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Triều Tiên.

Trường hợp phiên âm không qua âm Hán - Việt (phiên âm trực tiếp, viết sát theo cách đọc): Đối với mỗi bộ phận tạo thành tên riêng, viết hoa chữ cái đầu và có gạch nối giữa các âm tiết. Ví dụ: Vơ-la-đi-mia I-lích Lê-nin, Mát-xcơ-va, I-ta-li-a, An-giê-ri.

Đối với tên cơ quan, tổ chức, đoàn thể nước ngoài, trường hợp dịch nghĩa: Viết theo quy tắc viết tên cơ quan, tổ chức, đoàn thể Việt Nam. Ví dụ: Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Mát-xcơ-va mang tên Lô-mô-nô-xốp. Trường hợp viết tắt: Viết nguyên dạng viết tắt. Tuỳ từng trường hợp, có thể ghi thêm tên dịch nghĩa hoặc ghi thêm tên nguyên dạng không viết tắt. Ví dụ: WB (Ngân hàng Thế giới), hoặc WB (World Bank).

Tuy nhiên, cách đây 30 năm, ngày 5/3/1984, Bộ Giáo dục khi đó đã có quyết định ban hành bản “Quy định về chính tả tiếng Việt và về thuật ngữ tiếng Việt” áp dụng cho sách giáo khoa, báo và văn bản của ngành giáo dục. Trong quy định này, cách viết tên riêng tiếng nước ngoài có một vài điểm khác biệt so với quy định sau này của Bộ GD-ĐT. Cụ thể, văn bản này quy định:

Nếu chữ viết của nguyên ngữ dùng chữ cái Latin thì giữ nguyên hình trên chữ viết của nguyên ngữ, kể các chữ cái f, j, w, z như trong nguyên ngữ; dấu phụ ở một số chữ cái trong nguyên ngữ có thể lược bớt. Thí dụ: Shakespeare, Paris, Wrocław (có thể lược bỏ dấu phụ ở chữ cái ł), Petőfi (có thể lược dấu phụ ở chữ cái ő).

Nếu chữ viết của nguyên ngữ thuộc một hệ thống chữ cái khác thì dùng lối chuyển từ chính thức sang chữ cái Latin. Thí dụ: Lomonosov, Moskva, Abd el-Kader.

Nếu chữ viết của nguyên ngữ không phải là chữ viết ghi từng âm bằng chữ cái thì dùng lối phiên âm chính thức bằng chữ cái Latin (thường là cách phiên âm đã có tính phổ biến trên thế giới). Thí dụ: Tokyo.

Đối với trường hợp tên riêng mà trong thực tiễn sử dụng rộng rãi trên thế giới đã quen dùng một hình thức viết bằng chữ cái Latin khác với nguyên ngữ (thường đó là tên một số nước, thành phố) thì dùng hình thức tên riêng phổ biến đó. Thí dụ: Hungary (tuy trong nguyên ngữ là Magyarorszag), Bangkok (tuy trong nguyên ngữ là Krung Thep hoặc Krung Rattanakosin).

Những tên riêng đã có hình thức phiên âm quen thuộc trong tiếng Việt thì hiện nay nói chung, không cần thay đổi, trừ một số trường hợp có yêu cầu riêng phải thay đổi. Thí dụ: Pháp, Hy Lạp, Bắc Kinh, Lỗ Tấn; nhưng Italia (thay cho Ý), Australia (thay cho Úc)...

Như vậy, có thể thấy riêng đối với tên riêng tiếng Latin trong nguyên ngữ hai văn bản này đã có sự khác nhau, khi một bên quy định “giữ nguyên hình trên chữ viết của nguyên ngữ”, một bên quy định phiên âm. Và dùng hình thức tên riêng phổ biến viết bằng chữ cái Latin đối với tên riêng có nguyên ngữ không phải chữ Latin.

Trở lại với đề văn tốt nghiệp vừa qua, đã có không ít băn khoăn trước việc đề thi chỉ nêu là giàn khoan “HD 981”. Nếu soi chiếu với những quy định mà ngành giáo dục đã ban hành, thì sẽ hợp lý và chính xác hơn nếu trong đề thi “mở ngoặc” thêm giàn khoan “Haiyang shiyou-981”, hay theo âm Hán Việt là “Hải dương Thạch dầu 981”.

Đâu là hợp lý?

Cách đây hơn hai năm, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc yêu cầu sửa phiên âm tên gọi của luật sư Francis Henry Loseby - người đã bào chữa và bảo vệ thành công cho Tống Văn Sơ (tức Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh) tại tòa án Hồng Kông năm 1931. Trong tác phẩm “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” in trên SGK của Nhà xuất bản Giáo dục, tên của vị luật sư trên được phiên âm sang tiếng Việt là Lôdơbai, trong khi cách đọc chính xác tên của nhân vật này phải là Lôdơbi. Vì vậy, Bảo tàng đề nghị Bộ trưởng chỉ đạo NXB Giáo dục đính chính SGK cách gọi đúng tên của luật sư là Francis Henry Loseby (Phơrăngxít Henri Lôdơbi)…

Trong SGK hiện nay, các nhân vật nổi tiếng thế giới cũng được phiên âm tên riêng sang tiếng Việt: Beethoven phiên âm là Bét-tô-ven, Mozart phiên âm là Mô-da, Lev Tolstoy là Lép Tôn-xtôi, Rô-sơ-ven chính là Roosevelt… Tuy nhiên, nhiều học sinh và phụ huynh đã cho rằng viết như vậy khiến học sinh khó tra cứu thông tin, và tạo ra rào cản trong quá trình hội nhập tri thức…

Cho rằng việc ghi tên riêng nước ngoài trong tiếng Việt bằng cách phiên âm hay để nguyên dạng là “cuộc tranh cãi bất phân”, nhưng nhìn từ góc độ bản ngữ , GS Đinh Văn Đức, Khoa Ngôn ngữ học, trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn cho biết: “Là người làm lý luận ngôn ngữ học và Việt ngữ, chúng tôi tôn trọng các ý kiến khác nhau, nhưng thấy chủ trương để nguyên dạng là không hợp lý, cần thiết trở về gốc của vấn đề cả trên hai bình diện cả ngôn ngữ và văn hóa. Xuất phát điểm nhận thức ngôn ngữ học của chúng tôi là: Tôn trọng cương vị tuyệt đối của người bản ngữ; Tôn trọng thuộc tính cơ bản của bản ngữ Việt là Ngôn ngữ đơn lập, phân tiết tiết tính”.

Theo ông Đức, việc để nguyên dạng thức văn tự tên riêng, chủ yếu là các nhân danh, địa danh tiếng châu Âu viết theo chữ Roman, đặc biệt là tiếng Anh, là trái với nguyên lý: Bản ngữ trên hết và trước hết.

Ông Đức cho rằng, lập luận Tiếng Anh nay là ngoại ngữ phổ dụng quốc tế, để nguyên dạng tên riêng thì mới gần với cách đọc nguyên ngữ, mới dễ hiểu nhau, thuận lợi cho tiếp xúc quốc tế… là sự nhầm lẫn đáng tiếc về hội nhập. “Để hội nhập thì cần tăng cường ngoại ngữ, khi dùng ngoại ngữ thì phải cố gắng tối đa phát âm theo bản ngữ của người ta. Còn khi ta nói tiếng Việt, đọc tiếng Việt mà lại ưu tiên cho việc nhất nhất phải giống người ta là hy sinh tiếng mẹ đẻ và lợi ích của người bản ngữ. Người bản ngữ không bao giờ hy sinh lợi ích này. Tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Tây ban nha đều có chung tự mấu Roman (Latin), nhưng không có ngôn ngữ nào để nguyên dạng tên riêng của tiếng khác. Hãy so sánh California và Californie, Genève và Geneva…”.

Với ông Đức, lập luận để nguyên dạng tên riêng nước ngoài vì nay nó đã thành thói quen xã hội trong văn hoá đọc cũng không có cơ sở. “Thói quen xã hội của ngôn ngữ phải được hiểu là thói quen của toàn thể cộng đồng trong dụng ngôn. Số người biết ngoại ngữ ở Việt Nam tuy đã có tăng lên nhưng so với toàn dân thì vẫn còn rất hạn chế, ngay cả những người biết chút ít ngoại ngữ thì việc để nguyên dạng cũng mới chỉ giúp người ta nhận dạng bằng mắt cứ chưa hẳn phát âm đúng được”.

Cũng theo GS Đức, lập luận của những người chê bai chủ trương phiên chuyển cho rằng đó là làm như vậy (phiên âm) là đọc theo lối ta vừa xa lạ, vừa méo mó, vừa quê mùa, vừa cổ hủ… là cách hiểu vừa không có cơ sở khoa học, vừa lệch chuẩn văn hóa.

“Chủ trương để nguyên dạng tên riêng nước ngoài trong lối ghi chép ngôn ngữ mẹ đẻ dường như nay chỉ thấy ở nước ta chứ chưa thấy có ở tiếng nào khác, ngay cả các nước dùng chữ Roman. Tiếng ta không thể là một ngoại lệ khi hội nhập với thế giới” – ông Đức khẳng định.

  • Chi Mai