- TP. Hồ Chí Minh đang muốn tìm nhà đầu tư khác thực hiện dự án Bình Quới - Thanh Đa sau nhiều năm đang 'giẫm chân tại chỗ’.
Chi hàng tỷ USD làm dự án, đại gia Việt giàu ra sao so với khu vực?
Số phận đắng chát của dự án 'mộng mơ' 1,5 tỷ USD
Mới đây, UBND TP HCM đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, đề xuất việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa.
Đây là động thái để TP. Hồ Chí Minh chọn được nhà đầu tư có năng lực tài chính mạnh, có kinh nghiệm thực hiện dự án có quy mô lớn, phức tạp để đảm bảo tính khả thi, triển khai nhanh dự án.
Bình Quới - Thanh Đa có thể được xem là 'siêu' dự án với tổng mức đầu tư dự kiến 30.700 tỷ đồng, bao gồm chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng chính của dự án và chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân.
Dự án Bình Quới - Thanh Đa sau nhiều năm đang ‘dẫm chân tại chỗ’. |
Tổng diện tích dự án khoảng 426,93 ha và thời hạn thực hiện 50 năm. Trong đó, giai đoạn 1 (2016 - 2020) tập trung hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng các công trình kỹ thuật chính. Giai đoạn 2 (2021 - 2025) đầu tư hạ tầng kỹ thuật và các khu vực chức năng. Giai đoạn 3 (2026 - 2030) hoàn thành các hạng mục còn lại của dự án.
Tuy nhiên, sau nhiều năm dự án chưa được triển khai khiến cho hơn 3.000 hộ dân với 13.000 nhân khẩu vẫn đang sống lay lắt. Đây được xem là dự án quy hoạch “treo” lâu nhất TP Hồ Chí Minh
Được biết, khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa được quy hoạch xây dựng theo các tiêu chí đô thị sinh thái hiện đại, với hệ thống hạ tầng xã hội - kỹ thuật đô thị đồng bộ, nằm trong tổng thể không gian công viên sinh thái, cảnh quan thiên nhiên.
Dự án được UBND TP HCM phê duyệt từ năm 1992. Đến năm 2004, thành phố giao cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng.
Do dự án "giẫm chân tại chỗ", đến năm 2010, TP HCM quyết định thu hồi, sau đó giao cho một tập đoàn trong nước lập đồ án quy hoạch phân khu (1/2.000).
Cuối năm 2015, Liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất) được UBND TP HCM chỉ định là nhà đầu tư. Dự án khu được đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2016.
Tuy nhiên, sau đó tháng 10/2016 Công ty Emaar Properties PJSC đột ngột rút khỏi siêu dự án. Dù đối tác của mình đã bỏ cuộc giữa chừng, Tập đoàn Bitexco vẫn quyết theo đuổi. Ý định này của Bitexco được UBND TP HCM đề xuất Thủ tướng chỉ định tập đoàn này tiếp tục là nhà đầu tư dự án.
Được biết, Bitexco hiện đang triển khai dang dở nhiều dự án lớn trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Bitexco làm chủ đầu tư 4 dự án trên “đất vàng” ở TP HCM gồm: Siêu dự án Spirit Of Saigon (số 1 Phạm Ngũ Lão, quận 1), Cao ốc trên nền bệnh viện Sài Gòn (số 125 Lê Lợi, quận 1), Khu đô thị tứ giác Nguyễn Cư Trinh (quận 1) và cả Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa.
Trước đó, năm 2017, Bitexco ồn ào với thương vụ thâu tóm hơn 60% cổ phần của Công ty CP Du lịch Hương Giang, đơn vị nắm giữ nhiều khu đất đẹp tại Huế, với giá158 tỷ đồng mà không thông qua đấu giá.
Sau khi mua lại cổ phần từ UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cộng với hơn 7,6% cổ phần đã mua trước đó, Bitexco nắm giữ hơn 70,4% cổ phần, trở thành cổ đông lớn nhất của Công ty Cổ phần Du lịch Hương Giang.
Và chỉ hơn 3 tháng sau, Bitexco đã bán lại 5.758.000 cổ phần cho một doanh nghiệp Hồng Kông (Trung Quốc).
Minh Sơn
Thấy gì từ dự án sân bay tư nhân đầu tiên ở VN?
Ý tưởng xây dựng sân bay Vân Đồn được manh nha từ cả chục năm trước. Nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đã “nhòm ngó” dự án này. Tuy nhiên, chỉ đến khi Sun Group xuất hiện, Vân Đồn mới thực sự được “chắp cánh”.