Tại sao nhiều HH Việt Nam không mặn mà với việc đại diện quốc gia đi thi sắc đẹp?
Sẽ là một câu hỏi hết sức "buồn cười" - "Tìm ra Hoa hậu Việt Nam để làm gì?", bởi đơn giản đất nước nào chẳng có Hoa hậu. Thế nhưng tìm kiếm trên trang chủ cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2012 hoàn toàn không nhắc đến trách nhiệm/nghĩa vụ của người được chọn làm Hoa hậu, mặc dù cô gái ấy sẽ có tới 2 năm đương nhiệm. Vậy thì đương nhiệm ở đây là gì, phải chẳng là... giữ chiếc vương miện trong tay?
Trong khi được đặt chân đến sân khấu Miss World là ước mơ của hàng triệu cô gái trên khắp thế giới, thì một vài Hoa hậu Việt Nam (HHVN) như Ngọc Hân, Thu Thảo tỏ ra không mặn mà và cũng không coi đó là trách nhiệm. Phải chăng chúng ta tìm ra Hoa hậu chỉ đơn giản là để... có Hoa hậu, còn trên thực tế không có sự ràng buộc nào giữa danh hiệu và trách nhiệm của người được trao?
Trách nhiệm của một Hoa hậu Việt Nam?
Cuộc thi sắc đẹp hàng đầu Việt Nam có thông lệ 2 năm tổ chức một lần tìm ra cô gái xinh đẹp, tài sắc nhất. Hầu hết khán giả sẽ có chung một hình dung về Hoa hậu tức là người đẹp nhất trong một cuộc thi, thậm chí HHVN có nghĩa là cô gái đẹp nhất đất nước.
Sau Ngọc Hân đến Thu Thảo... thờ ơ với Miss World.
Hiểu như vậy cũng chẳng sai, bởi bản thân cái tên đã nói lên ý nghĩa của nó. Cô gái nào được trao danh hiệu này đồng nghĩa với việc cuộc đời sẽ bước sang một trang mới: đầu đội vương miện, tay cầm quyền trượng và biển trao giải thưởng với số tiền hàng trăm triệu đồng. Thế nhưng đằng sau những ánh hào quang ấy, không nhiều người thực sự quan tâm đến việc các cô Hoa hậu sẽ phải làm gì?
Trên thực tế, chẳng có nghề nào gọi là "nghề Hoa hậu", đó chỉ là một danh xưng. Một số người đặt ra câu hỏi: "Hoa hậu sống bằng nghề gì?", câu trả lời thật ra rất đơn giản - bất cứ nghề gì. Bởi ai cũng cần có chuyên môn riêng, nghề nghiệp riêng để kiếm sống và danh xưng Hoa hậu chỉ là yếu tố giúp họ làm việc thuận lợi, dễ dàng hơn. Nên chăng chúng ta quan tâm đến việc "Hoa hậu phải làm gì?" sẽ thiết thực hơn nhiều.
Điều này cũng giống như chuyện có nhiều ý kiến quan tâm đến việc "Ai sẽ làm đại sứ Du lịch?" hơn là việc "Đại sứ Du lịch sẽ đóng góp gì cho đất nước?". Chức danh Hoa hậu Việt Nam cũng là một chức danh lớn, cô gái nào được lựa chọn cho ngôi vị này cũng sẽ phải gánh vác trên vai rất nhiều trọng trách lớn.
Dựa trên một số cuộc thi Hoa hậu trên thế giới, có thể hình dung nhiệm vụ mà một Hoa hậu thông thường được quy định bao gồm: Tham gia quảng bá hình ảnh của đất nước; Đồng hành cùng tổ chức Hoa hậu tham gia vào các chương trình mang tính chất xã hội; Giữ gìn hình ảnh và lối sống cá nhân để không làm ảnh hưởng đến danh hiệu; Đại diện Quốc gia tham gia cuộc thi nhan sắc quốc tế...
Có một điều dễ nhận thấy là nếu như một cô Hoa hậu không được giao trọng trách cụ thể, lẽ dĩ nhiên cô ấy cũng không bao giờ bị... tước vương miện với lý do không hoàn thành nhiệm vụ.
Nhiều người không khỏi thắc mắc liệu có trọng trách nào bắt buộc dành cho Hoa hậu?
Ai quản lý Hoa hậu?
Mới đây, HHVN 2012 Đặng Thu Thảo đưa ra lời giải thích về việc không đi thi Miss World 2013 như sau: Sau khi nhận được lời đề nghị từ công ty Elite, Thu Thảo đã làm việc nghiêm túc đơn vị tổ chức cuộc thi HHVN 2012. Theo đó, cô đã thống nhất với ban tổ chức sẽ không tham dự cuộc thi HH Thế giới 2013 vì chưa có sự chuẩn bị thật tốt.
Thùy Dung bày tỏ nguyện vọng được đi thi quốc tế nhưng bị từ chối.
Như vậy, để quyết định có thể đi thi Miss World, Thu Thảo phải được Elite - đơn vị nắm giữ bản quyền đưa thí sinh thi Miss World để mắt tới. Sau đó, cô phải thông qua BTC HHVN 2012 để thảo luận. Tiếp theo là chờ quyết định của Cục Biểu diễn Nghệ thuật về việc có cấp phép dự thi hay không.
Điều đó đồng nghĩa với việc chỉ cần một trong 3 đơn vị trên "bỏ phiếu" không đồng tình là Thu Thảo sẽ không được dự thi. Nhưng xem xét ngược lại, đâu là đơn vị hỗ trợ cho Thu Thảo hoạt động tích cực với danh hiệu của mình sau khi đăng quang thì vẫn còn là một dấu hỏi bỏ ngỏ.
Rõ ràng, nếu như không có nhiệm vụ cụ thể, Thu Thảo có thể tùy ý quyết định tham gia các chương trình thiện nguyện, đi dự sự kiện, làm khách mời tại các sự kiện văn hóa hay đi học, đi du lịch nếu sắp xếp được thời gian. Ngoài ra, không cần chuẩn bị về thể lực, sức khỏe hay kiến thức văn hóa, ngoại ngữ... Bởi đúng như cô thừa nhận, 10 tháng kể từ khi đăng quang Thu Thảo vẫn chưa thấy tự tin để đi thi Miss World.
Với việc HH Thu Thảo từ chối tham dự Miss World 2013, có thể đây là năm thứ 7 liên tiếp Việt Nam không cử một Hoa hậu tham dự sân chơi này. Trong 6 năm qua, duy nhất Á hậu Hương Giang đạt thành tích tại Miss World với lợi thế là sự hậu thuẫn rất lớn từ phía BTC. Còn lại, các đại diện khác của Việt Nam phần nhiều bị thiệt thòi bởi danh hiệu quốc gia của họ không tương xứng.
Cả Thu Thảo, Mai Phương Thúy và Ngọc Hân đều từng từ chối thi Hoa hậu, trong đó Mai Phương Thúy không muốn dự thi Miss Universe.
Bên cạnh đó, việc tuyển chọn một người đẹp đi thi chỉ để... lấp chỗ trống sẽ gây lãng phí tiền bạc và khó lòng đem lại thành tích gì. Trong khi các quốc gia trên thế giới đều tổ chức thi HH Việt Nam hàng năm để tìm đại diện thi quốc tế, thì cách thức tổ chức của hầu hết các cuộc thi HH ở Việt Nam hiện nay đang đi ngược lại. Nghĩa là chỉ cần tìm người để trao vương miện và chú trọng các hoạt động trong một tháng tổ chức thi thố mà thôi.
Điều này dẫn đến nghịch lý: tổ chức rất nhiều các cuộc thi HH trong nước nhưng vẫn không tìm được người xứng tài và có tâm niệm đi thi quốc tế. Xem ra đã đến lúc cần gắn liền hai chữ "trách nhiệm" đi đôi với danh hiệu, để các cô gái trẻ có mơ ước bước lên bục vinh quang cũng hiểu mình cần chuẩn bị những gì.
Theo Eva