Một bản đồ tái tạo về mặt trăng cho thấy trữ lượng titanium, một kim loại cực quý và hiếm, của mặt trăng nhiều gấp 10 lần so với Trái đất.

Nhờ các tấm ảnh do camera trên Vệ tinh Lunar Reconnaissance của Mỹ chụp được, các nhà khoa học đã tiến hành phân tích những sự khác nhau trong chiều dài bước sóng, độ rõ của tia cực tím... để có thể tái tạo lại bề mặt mặt trăng. Ngoài ra, họ cũng căn cứ vào mẫu đá mà các phi hành gia của tàu Apollo 17 đã mang trở về Trái đất vào năm 1972, cũng như ảnh chụp địa điểm tàu Apollo hạ cánh do kính viễn vọng không gian Hubble cung cấp.

Bản đồ cho thấy trữ lượng Titanium trên mặt trăng cao gấp 10 lần so với Trái đất. Ảnh: Lunarrepublic

"Nếu nhìn bằng mắt thường, chúng ta chỉ thấy bề mặt mặt trăng toàn một màu xám. Tuy nhiên, với các công cụ khoa học, ta có thể thấy màu sắc thực sự của mặt trăng rất đa dạng", Tiến sĩ Mark Robinson của Đại học Arizona chia sẻ trên The Telegraph. Vùng bình nguyên của mặt trăng có nhiều khu vực màu đỏ nằm xen kẽ với những khu vực màu xanh da trời. Dù tông màu khá nhạt nhưng sự khác biệt về màu sắc này đã tiết lộ nhiều điều quan trọng về đặc trưng hóa chất và sự tiến hóa của bề mặt mặt trăng. Chúng cũng chỉ ra sự hiện diện của titanium và sắt, cùng với độ "chín" của Sacaric.

So với thép, Titanium có độ cứng tương đương nhưng chỉ nhẹ bằng một nửa. Chính vì thế, nó là kim loại thích hợp nhất để chế tạo các thiết bị, cỗ máy tối tân và có giá thành rất đắt.

Trên Trái đất, Titanium nhiều nhất cũng chỉ chiếm tỷ lệ 1% các quặng khoáng. Tuy nhiên, bản đồ mới lập về mặt trăng cho thấy, trữ lượng titanium ở vùng bình nguyên mặt trăng dao động từ 1 - 10%. Còn trên khu vực cao nguyên của mặt trăng, trữ lượng tương đương với Trái đất là 1%.

Theo Tiến sĩ Robinson, Titanium trên mặt trăng hiện diện chủ yếu trong hợp chất ilmenite khoáng. Đây là một hợp chất bao gồm sắt, titanium và oxy. Trong tương lai, "các thợ mỏ" có thể sống và làm việc trên mặt trăng, phá vỡ khối ilmenite để giải phóng từng thành phần riêng rẽ. Ngoài ra, những dữ liệu từ tàu Apollo cũng cho thấy, các khoáng chất giàu Titanium lưu giữ hiệu quả các chất có trong gió mặt trời như heli và Hydro hơn. "Những loại khí gas này có thể là một nguồn năng lượng tối quan trọng để loài người chinh phục mặt trăng trong tương lai", Tiến sĩ Robinson kết luận.

Trọng Cầm