Hóa thạch của một loài khủng long mới được tìm thấy ở Bồ Đào Nha khiến các nhà nghiên cứu cho rằng đây có thể là loài khủng long ăn thịt lớn nhất ở châu Âu.
Christophe Hendrickx, một nghiên cứu sinh tại Đại học Lisbon ở Bồ Đào Nha là người phát hiện ra hóa thạch của loài khổng lồ này.
Hình ảnh mô phỏng loài khủng long Torvosaurus gurneyi. |
Được biết, loài khủng long này có tên là Torvosaurus gurneyi sống ở khu vực núi Rocky của Bắc Mỹ vào khoảng 150 triệu năm trước trong Kỷ Jura. Đây là loài khủng long ăn thịt di chuyển bằng hai chân có chiều dài khoảng 10m. Khi trưởng thành, chúng có thể nặng tới 4-5 tấn.
Các nhà sinh vật học cho biết, loài khủng long này gần giống với loài Tyrannosaurus Rex (khủng long bạo chúa). Tuy nhiên, khác với khủng long bạo chúa, Torvosaurus gurneyi có thể dùng hai cánh tay với vuốt sắc nhọn, nắm chặt con mồi và nghiền chúng một cách dễ dàng bằng hàm răng hình lưỡi liềm của chúng.
Về sự xuất hiện của loài vật này ở châu Âu, rất có thể, khi các lục địa ghép lại với nhau tạo thành siêu lục địa Pangaea thì loài khủng long này đã di cư từ Bắc Mỹ đến Châu Âu.
Từ phát hiện mới này, Hendrickx sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm các hóa thạch ở Bồ Đào Nha với hi vọng sẽ tìm được thêm nhiều loài khủng long khác nữa.
Khánh Hà (Theo National Geographic)