Giảm sốc, nhiều người xẹp túi
Thị trường tiếp tục chịu áp lực bán rất lớn. Sau khi giảm cả trăm điểm trong 5-6 phiên trước, nhiều cổ phiếu tăng trở lại vào đầu phiên giao dịch 19/4. Tuy nhiên, các lệnh bán ồ ạt được tung vào trong vài chục phút cuối phiên đã khiến chỉ số VN-Index đổ sụp, giảm thêm hơn 26 điểm về sát ngưỡng 1.400 điểm.
Như vậy, so với đỉnh 1.524 điểm hồi đầu tháng 4, chỉ số VN-Index đã mất khoảng 120 điểm, tương đương mức giảm khoảng 8% trong thời gian rất ngắn. Tổng cộng, thị trường chứng khoán đã giảm khoảng 20 tỷ USD. Không ít mã đã giảm 60-70% trong vài tuần qua.
“Đầu tư 1,6 tỷ, chỉ trong 2 tuần qua đã lỗ 700 triệu. Thị trường giảm quá sốc”, một nhà đầu tư tại Đống Đa, Hà Nội chia sẻ.
Nhiều người không hiểu chuyện gì đang xảy ra với thị trường chứng khoán, khi trước đó hàng loạt dự báo cho rằng cổ phiếu sẽ tiếp tục đi lên trong năm 2022. Chỉ số VN-Index sẽ lên 1.600 điểm, thậm chí 1.800 điểm. “Ai giải thích hộ điều gi đang xảy ra với thị trường chứng khoán vậy”, nhà đầu tư than thở trên một diễn đàn đầu tư chứng khoán.
“Em đã được công ty chứng khoán giải thoát sạch tài khoản. Tạm biệt chứng khoán không hẹn ngày gặp lại”, một nhà đầu tư khác chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, một nhà đầu tư tại Ba Đình, cho rằng, đây là một cú sốc đối với ông bởi thị trường giảm quá nhanh. Ngoảnh đi ngoảnh lại, chỉ vài phiên chỉ số VN-Index đã mất cả trăm điểm.
Nhiều người lo ngại cho rằng, chu kỳ pha tăng giá từ 2019-2021 đã kết thúc và giờ là khoảng thời gian điều chỉnh giảm. Lý do được cho là không có dòng tiền mới, trong khi dòng tiền cũ có thể bị rút ra khi hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục và dòng tiền bị siết lại.
Một số nhà đầu tư cũng cho rằng, dòng tiền nóng án binh bất động sau vụ cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt vì hành vi “thao túng thị trường chứng khoán”.
“Thị trường chứng khoán đang trở nên sạch hơn, minh bạch hơn. Tuy nhiên, về ngắn hạn, một lượng tiền nhất định rót vào cổ phiếu các nhóm cổ phiếu nóng có thể đã bị rút ra, hoặc nằm yên sau những động thái quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước”, bà Đỗ Thị Hiền, một nhà đầu tư tại Thanh Xuân, nhận định.
Trên thực tế, trong nhiều phiên gần đây, nhóm cổ phiếu nóng giảm rất mạnh, không ít mã đã giảm 30-70% trong một khoảng thời gian rất ngắn.
Trong phiên giao dịch 19/4, các nhóm cổ phiếu nóng như "họ Louis", "họ FLC", "họ DNP" hầu hết giảm sàn với dư mua bằng 0.
Cổ phiếu FLC của Tập đoàn FLC giảm sàn xuống 7.150 đồng/cp với dư bán lên tới hơn 10 triệu đơn vị. Từ đầu năm tới nay, cổ phiếu FLC đã giảm hơn 3 lần, từ mức gần 23.000 đồng/cp xuống ngưỡng 7.000 đồng như hiện tại. ROS cũng giảm hơn 3 lần, từ mức trên 15.0000 đồng/cp xuống 4.340 đồng/cp khi kết thúc phiên giao dịch 19/4.
Nhóm cổ phiếu “họ APEC”, "họ DNP" cũng như nhiều cổ phiếu trong ngành bất động sản… tiếp tục giảm giá, nhiều mã mất hàng chục phần trăm so với đỉnh thiết lập hồi tuần đầu tháng 1/2022.
Nhóm cổ phiếu bất động sản chịu ảnh hưởng tiêu cực sau sự kiện Tân Hoàng Minh bỏ cọc lô đất khu Thủ Thiêm, sau đó là sự kiện lô trái phiếu 10 nghìn tỷ của tập đoàn này bị hủy. Tâm lý của các nhà đầu tư bị ảnh hưởng thêm khi trên thị trường có các tin đồn liên quan tới lãnh đạo nhiều doanh nghiệp. Không ít mã BĐS giảm 40-50% như DIG, CII, QCG, NBB, SCR, CEO…
Rập rình bắt đáy
“Nhìn giá nào cũng thấy xuống thấp đáng kể. Chỉ vài phiên mà VN-Index đã mất cả trăm điểm. Nhiều khả năng có những mã đã vào mức rẻ hoặc quá bán”, ông Đỗ Đường, một nhà đầu tư tại Quận 2, TP.HCM chia sẻ.
Một tài khoản trên FB khuyến nghị các nhà đầu tư không nên hoảng loạn và bán bằng mọi giá. Theo đó, chỉ số sức mạnh tương đối RSI của VN-Index, đo lường mức độ thay đổi giá cổ phiếu so với biến động giá trong quá khứ, đã vào vùng quá bán.
Theo tài khoản này, thị trường sẽ sớm hồi phục và NĐT không nên hoảng loạn có thể cắt lỗ đúng đáy.
Một số nhà đầu tư đứng ngoài thị trường thì cho rằng, mọi thứ đang trở về đúng giá trị. Thị trường có thể kết thúc chu kỳ pha tăng giá 2019-2021 và phải điều chỉnh giảm trước khi tăng trở lại. Thị trường cũng chịu áp lực từ việc lãi suất ngân hàng có xu hướng tăng lên và dòng tiền bị kiểm soát chặt chẽ hơn khi rót vào bất động sản hay chứng khoán. Đây là một trong các biện pháp để ngăn ngại lạm phát có thể xảy ra giống như hồi 2011-2012.
Thực tế vài phiên giao dịch gần đây cho thấy, cổ phiếu có kết quả hay triển vọng kinh doanh tốt, xấu đều bị bán mạnh không thương tiếc. Theo môi giới của một số công ty chứng khoán, đây là thời điểm mà nhiều nhà đầu tư dài hạn bắt đáy mua vào cổ phiếu có cơ bản và triển vọng tốt.
Ông Phan Văn Nhân, chuyên viên môi giới Chứng khoán SSI, cho rằng, TTCK có thể sắp hồi phục. Tuy nhiên, thị trường giờ sẽ “khó chơi” hơn trước, sẽ không còn một chiều tăng lên.
Theo ông Nhân, giá cổ phiếu sẽ biến động theo triển vọng sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp nào có lợi nhuận tốt thì lên. Một số ngành có triển vọng tốt như thủy sản, logistics, tiêu dùng, bán lẻ… Nhưng cũng tùy doanh nghiệp.
Vấn đề quan trọng là thị trường đang chứng kiến dòng tiền rút, dòng tiền đầu cơ yếu. Trong thời gian qua, cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn, cổ phiếu đầu cơ, cổ phiếu lên vì kỳ vọng… đều giảm mạnh.
Ông Phan Văn Nhân phân tích, triển vọng kinh tế vẫn tốt. Về kinh tế vĩ mô, sau đại dịch, tăng trưởng kinh tế sẽ tốt hơn. Lạm phát vẫn được kiềm chế trong mức cho phép và Việt Nam vẫn trong giai đoạn bơm tiền.
Ở chiều ngược lại, chiến tranh Nga - Ukraine vẫn diễn biến khó lường, gây áp lực lên giá dầu… khiến lạm phát toàn cầu cao. Ngân hàng trung ương các nước sẽ hạn chế bơm tiền và thắt chặt dần tiền tệ do lạm phát. Chứng khoán thế giới có xu hướng xấu, qua đó ảnh hưởng tới tâm lý NĐT ở Việt Nam.
Một số tổ chức quốc tế có đánh giá tích cực về kinh tế và chứng khoán Việt Nam. Dragon Capital tin rằng kinh tế Việt Nam năm nay có thể tăng trưởng 7,0%, nếu triển khai gói phục hồi kinh tế sớm và hiệu quả, tăng trưởng 8,6% là mục tiêu khả dĩ có thể đạt được.
M. Hà