- Người có quá nửa đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” có quyền xin từ chức hoặc sẽ bị QH bỏ phiếu tín nhiệm - quy định trong dự thảo Nghị quyết về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm được thảo luận tại Thường vụ QH chiều 6/10.
Theo Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc, lấy
phiếu tín nhiệm là để thăm dò mức độ tín nhiệm của cán bộ, được tiến hành hàng
năm. Bỏ phiếu tín nhiệm là để thể hiện quan điểm có giữ cán bộ đó lại làm việc
tiếp hay không, áp dụng đối với người không đủ mức tín nhiệm qua hai lần lấy
phiếu. Việc bỏ phiếu tín nhiệm được xem là cơ sở cho việc miễn nhiệm chức vụ đối
với người mà QH hoặc HĐND không còn tín nhiệm.
Cụ thể, QH lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ từ cấp bộ trưởng
và tương đương trở lên (gồm 49 người); Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của QH lấy
phiếu tín nhiệm đối với các phó chủ tịch, phó chủ nhiệm và các ủy viên của hội
đồng, ủy ban của QH (tổng số 380 người).
Chủ nhiệm UB Tư pháp Phan Trung Lý: Có ý kiến đề nghị thay khái niệm “bỏ phiếu tín nhiệm” bằng “bỏ phiếu bất tín nhiệm". Ảnh: Lê Nhung |
Quốc hội, Hội đồng nhân dân tổ chức lấy phiếu tín
nhiệm định kỳ tại kỳ họp đầu tiên mỗi năm kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ. Hội
đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Hội đồng nhân dân tổ chức lấy
phiếu tín nhiệm định kỳ hằng năm tại phiên họp toàn thể của cơ quan mình kể từ
năm thứ hai của nhiệm kỳ.
Theo tờ trình của Ủy ban Thường vụ QH, người có tỉ lệ phiếu tín nhiệm thấp có
thể xin từ chức ngay nếu xét thấy bản thân không đủ tín nhiệm hoặc không có khả
năng đảm nhiệm chức vụ đó. Người có trên 70% tổng số người được tham gia lấy
phiếu tín nhiệm đánh giá tín nhiệm thấp thì Ủy ban Thường vụ QH, Thường trực
HĐND trình QH, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm ngay mà không cần chờ lấy phiếu tín nhiệm
lần thứ hai.
Hoặc, tình huống bỏ phiếu cũng sẽ áp dụng cho người được lấy phiếu tín nhiệm 2 năm liên tiếp có hơn 50% tổng số đại biểu QH đánh giá “tín nhiệm thấp”.
Có nên thay bằng "bỏ phiếu bất tín nhiệm"
Thảo luận tại Thường vụ, đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết phải có hai quy trình "lấy phiếu" và "bỏ phiếu". Tuy nhiên, phạm vi đối tượng nên thu hẹp hay mở rộng, thời gian lấy phiếu... vẫn đang được tranh cãi.
Theo Chủ nhiệm UB Pháp luật QH Phan Trung Lý, trong quá trình thẩm tra dự thảo, có ý kiến đề nghị thay khái niệm “bỏ phiếu tín nhiệm” bằng “bỏ phiếu bất tín nhiệm” mới đúng mục đích và bản chất khái niệm.
Một số ý kiến đề nghị chỉ nên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm 2 lần trong một nhiệm kỳ của QH, HĐND vì thời gian một năm là quá ngắn, chưa đủ để người giữ chức vụ thể hiện được khả năng của mình. Hơn nữa, việc lấy phiếu đánh giá quá thường xuyên dễ tạo tâm lý “dĩ hòa vi quý”, e dè, ngại đổi mới, khó có thể tạo ra những bước chuyển đột phá tích cực trong công việc.
Băn khoăn lớn nhất vẫn là có nên mở rộng phạm vi lấy phiếu sang cả các ủy ban của QH. Cơ quan thẩm tra là UB Pháp luật cho rằng chỉ nên lấy phiếu ở phạm vi hẹp (49 người) để tránh trở thành hình thức.
Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha cũng băn khoăn về việc lấy phiếu ở các ủy ban QH. Ông nêu giả thiết, nhiều ủy ban xuất hiện tình trạng một số người đi họp hành rất chăm chỉ, chưa vắng mặt bao giờ. Nhưng đến họp chỉ để ngồi đó mà không phát biểu gì. Đánh giá tín nhiệm thế nào với những trường hợp như vậy.
Tuy nhiên, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói, đây là một thiết chế kỷ luật trong công tác cán bộ nên rất cần phải tổ chức lấy phiếu ở cấp độ các ủy ban. "Các đồng chí đang phàn nàn là nhiều người vắng mặt tại các phiên họp của ủy ban. Theo tôi, đã là thành viên ủy ban, cho dù là bí thư tỉnh ủy, dù là giám đốc DN cũng không được bỏ họp".
Dự thảo sẽ tiếp tục được hoàn thiện để trình tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 13 khai mạc cuối tháng này.
Lê Nhung