Với việc vừa tung ra thị trường dòng máy tính bảng IdeaPad K1 và chuẩn bị có thêm 2 model mới ra lò, Giám đốc điều hành Yang Yuanquing của Lenovo tin rằng hãng của ông hoàn toàn có thể tiến xa trên địa hạt tablet.



Cách tiếp cận của Lenovo với thị trường mới nhưng đang nóng rẫy này là "chia nhỏ và chinh phục", ông Yang chia sẻ với tờ Financial Times. Ông cho rằng, về cơ bản, Apple vẫn là một nhãn hiệu cao cấp. Trong khi đó, với việc nhắm đến những người dùng ít tiền hơn, Lenovo có thể trở thành một trong những đối thủ mạnh nhất của cuộc đấu.

"Apple chỉ phủ sóng ở phân khúc trung cao cấp. Với mức giá 500 USD, bạn không thể xâm nhập vào các thành phố nhỏ, các thị trấn, tầng lớp thu nhập thấp hay lương bổng thấp. Ý tôi không phải là chúng tôi sẽ "sát phạt" bằng cách hạ giá. Thay vào đó, chiến lược của Lenovo là mang đến nhiều sản phẩm với tầm tiền khác nhau, phủ sóng nhiều phân khúc thị trường hơn", ông Yang giải thích.

Và bất chấp việc chưa một hãng nào khả dĩ thách thức được Apple iPad, cả về tính năng lẫn giá thành, ông Yang vẫn tỏ ra hết sức tự tin khi khẳng định chiến lược "chia nhỏ" này có thể giúp hãng vươn lên thống trị thị trường, giống như cách hãng từng áp dụng đối với thị trường PC truyền thống. "Chúng tôi tin rằng vẫn còn rất nhiều đất cho tăng trưởng lợi nhuận, cho sáng tạo và thành công lâu dài trong ngành công nghiệp PC, nếu như bạn có chiến lược đúng đắn, những sản phẩm tuyệt vời và một mạng lưới phân phối hiệu quả trên toàn cầu", ông Yang kết luận.

Tuy vậy, cộng đồng mạng phản ứng khá trái ngược trước những tuyên bố của ông Yang. Đa số ý kiến cho rằng, Apple luôn là hãng đi đầu về giá bán máy tính bảng và gần như chưa có hãng nào đánh bại được iPad về giá, nếu có cấu hình và tính năng tương đương.

Hơn nữa, thực tế những gì đã diễn ra cho thấy, người dùng không chỉ muốn có một chiếc máy tính bảng giá rẻ. Họ càng không muốn một mẫu tablet "tầm tầm" khi so sánh với iPad. Trên thực tế, giới phân tích cho rằng yếu tố thành công trên thị trường máy tính bảng hiện nay là phải tạo ra một sản phẩm khác biệt, mang tính sáng tạo và thực sự nổi bật, có thể đáp ứng được sở thích của người dùng chứ không chỉ thỏa mãn các nhu cầu cơ bản.

"Bản thân máy tính bảng đã là một thiết bị phù hoa, có nghĩa là không có cũng chẳng chết ai. Người ta mua nó vì thích, vì mê. Vì thế, nếu không thể làm người ta thích, người ta mê mà chỉ chú trọng vào giảm giá thì sẽ chẳng thu hút được ai", trang Gizmodo bình luận.

Trọng Cầm (Theo Financial Times)