- Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn
Nên khẳng định tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 1/7 thông tin vải thiều TQ nhập
ngược vào VN là không chính xác.
Dẫn một phóng sự mới nhất phát trên truyền hình quốc gia, Bộ trưởng Nên cho hay
vải thiều VN vẫn xuất qua TQ.
Nhưng đồng thời trong thời gian qua, các bộ, ngành cũng đưa ra giải pháp để đưa
hàng nông sản không chỉ có vải thiều xuất khẩu vào các thị trường nước ngoài,
chứ không chỉ tập trung vào thị trường TQ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho hay, dù VN có những loại trái cây rất cạnh tranh về
chủng loại, chất lượng đặc biệt như thanh long (xuất đi Mỹ) nhưng vấn đề lớn
hiện nay là phải có các phương pháp khoa học đảm bảo chất lượng trái cây khi
xuất sang các thị trường nước ngoài ở xa.
Song song đó, Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, ngành tăng cường mở rộng thị
trường, tiếp thị xuất khẩu tại các thị trường nước ngoài.
Trả lời câu hỏi báo chí nêu về tăng cường
mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu để không quá phụ thuộc vào
một thị trường theo chỉ đạo của Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Khắc Hải
nói đây là việc đã và đang làm.
Ông Hải cho hay, không phải vì có chuyện Biển Đông, các bộ ngành mới đi đến việc
đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu.
Bộ Công thương đã mở rộng thị trường qua đàm phán các hiệp định FTA, trong đó có
TPP, Hiệp định Liên minh thuế quan Nga, Belarus, Khazackhxtan, FTA với EU, tiếp
tục hỗ trợ DN kinh doanh ở các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản đồng
thời mở rộng thị trường sang Nga, Trung Đông, châu Phi, cung cấp thông tin, thị
trường cho DN VN, đẩy mạnh sản xuất tiêu dùng nội địa.
Dẫn mặt hàng vải thiều, ông Hải cho hay việc xuất khẩu loại quả này sang TQ
thông qua cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế, các đường mòn lối mở vớiTQ vẫn "bình
thường". Nhưng vừa qua vải thiều cũng đã đi ngược vào thị trường miền Nam, nơi
mà "không ít người dân miền Nam chưa một lần nào ăn vải thiều".
Dù vậy, ông cũng đánh giá các bộ ngành đều nhận định, chính sự kiện Biển Đông là
"cú hích" để bắt buộc phải làm và làm nhanh hơn, tiếp cận thay đổi để các tình
huống xấu nhất có thể đối phó được.
Bác yêu cầu lập đặc khu của Formosa Hà Tĩnh
Tại họp báo, báo chí cũng nêu câu hỏi phản ứng của Chính phủ trước yêu cầu của
Formosa Hà Tĩnh đề xuất thành lập đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng và trong
đặc khu thành lập ban quản lí, trực thuộc Văn phòng Chính phủ cũng như đề nghị
được cắt đất để bán lâu dài cho nhân viên của mình.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho hay, chủ đầu tư muốn có chính sách đặc thù để kêu
gọi nhà đầu tư, chủ yếu là cơ chế chính sách. "Họ xin nhiều nội dung", nhưng Phó
Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã trực tiếp chỉ đạo bộ ngành chức năng giải quyết các
vấn đề thuộc thẩm quyền.
Riêng yêu cầu có cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư dù "với dụng ý tốt" nhưng theo
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, "pháp luật VN không có quy định cho phép" nên Chính
phủ không đồng ý. Hiện các bộ ngành đang tập trung giải quyết các đề nghị của
Formosa Hà Tĩnh căn cứ quy định luật pháp cho phép.
Theo thông tin của Bộ trưởng, hiện nay đã có 200 người trở lại làm việc tại đây.
Linh Thư