Bác sĩ Đoàn Thị Hằng là 1 trong 20 cán bộ trong đội y tế khẩn nguy sân bay quốc tế Nội Bài. Đội có 20 người túc trực 24/24h với nhiệm vụ chính là cấp cứu hành khách, nhân viên an ninh và trực an toàn các chuyến bay.

Chị Hằng và cán bộ trong đội phải làm việc với cường độ gấp 2-3 lần ngày thường.

Tình huống khó xử và quyết định của nữ bác sĩ ở sân bay Nội Bài
Bác sĩ Đoàn Thị Hằng

Hàng ngày, chị Hằng cấp phát khẩu trang, dụng cụ y tế cho nhân viên sân bay, phát cơm cho hành khách trong thời gian làm thủ tục nhập cảnh.

"Nếu trước đây, trường hợp có biểu hiện sốt, ho chỉ cần 1 người có thể xử lý nhanh gọn thì hiện nay chúng tôi phải cân nhắc cẩn trọng, hoãn chuyến bay hoặc nhanh chóng chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới Trung ương”.

Nhiều quyết định khiến bản thân chị áp lực vì ảnh hưởng đến hành khách. “Thời điểm mới triển khai cách ly, câu nói chúng tôi thường xuyên nghe mỗi ngày là: "Tôi chẳng làm sao cả, tôi rất bình thường, sao phải đi cách ly?”.

Có người khi trên đường đưa đi cách ly họ gọi điện cho người thân, nói “bị tóm rồi”. Thậm chí có người còn thoả hiệp: "Tôi có một căn biệt thự ở trên núi. Tôi có thể tự cách ly tại nhà, không cần phải cách ly tập trung”, chị Hằng kể.

Chị nhớ như in câu chuyện bản thân trải qua khi trực tiếp xử lý 1 trường hợp có biểu hiện sốt cao tại sân bay.

"Tôi nhận tin có 1 nhân viên bán hàng ở tầng 3 có biểu hiện sốt cao, chưa rõ nguyên nhân. Trường hợp này rất khó chẩn đoán vì biểu hiện bên ngoài chưa ho hay viêm họng.

Tôi đã gọi đội kiểm dịch tại sân bay để hỗ trợ thì đúng lúc các ca trực đều bận. Không có nhiều thời gian, tôi quyết định gọi xe đưa người này đến ngay BV Bệnh nhiệt đới để làm các bước xét nghiệm.

Dù sau đó kết quả xét nghiệm của trường hợp trên là âm tính nhưng tôi vẫn thấy việc làm này là cần thiết trong thời điểm hiện tại”, chị Hằng nói.

Tình huống khó xử và quyết định của nữ bác sĩ ở sân bay Nội Bài
Khách đo thân nhiệt, khai báo y tế tại sân bay Nội Bài

Con gái đầy năm, mẹ không có nhà

Thường xuyên làm việc tại khu vực tiếp xúc với nhiều người trở về từ nước ngoài, áp lực công việc lớn khiến quỹ thời gian của chị Hằng dành cho gia đình eo hẹp. Chị Hằng xúc động khi nhắc đến cô con gái vừa tròn 1 tuổi của mình.  

“Cách đây vài hôm là sinh nhật con gái tôi. Con gái quen hơi mẹ nên tối đến không thấy mẹ thì khóc rất nhiều. Những lúc như vậy dù rất thương con, nhưng vì nhiệm vụ mình không còn lựa chọn nào”, chị Hằng nghẹn ngào.

Chị Hằng chia sẻ thêm, nhiều hôm hết ca trực về nhà, chỉ muốn chạy thật nhanh đến ôm con nhưng phải hoãn lại để tắm giặt, thay quần áo rồi mới vào với con được.
 
Để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người trong gia đình, chị Hằng cho biết không mang quần áo làm việc ở sân bay về nhà và hạn chế tiếp xúc với nhiều người.
 
Gần 2 tháng ròng rã chống dịch, thức khuya, dậy sớm với bao nhiêu việc mỗi ngày, chị Hằng sút hơn 2kg. Tuy nhiên chưa một lần chị hoang mang hay sợ hãi, thay vào đó là cảm xúc tự hào khi được đóng góp sức mình đem lại sự an toàn cho đồng bào và bạn bè quốc tế tới Việt Nam.
 
Xuyên đêm tác chiến đón nghìn người trở về
 
Với nhiệm vụ tiếp nhận công dân từ sân bay và vận chuyển khách về khu cách ly quân đội, hàng chục cán bộ chiến sĩ Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội hơn 1 tháng qua liên tục trực làm nhiệm vụ, có những ca làm xuyên đêm để đón hàng nghìn người nhập cảnh vào sân bay.

Tình huống khó xử và quyết định của nữ bác sĩ ở sân bay Nội Bài
Đại tá Nguyễn Hoàng Quân

Đại tá Nguyễn Hoàng Quân, Trưởng phòng Vận tải xăng dầu, Cục Hậu cần (Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội) cho biết, từ khi có dịch Covid-19 đến nay có những hôm các chiến sĩ bộ đội phải vận chuyển 1.200-1.300 người/ngày. Những ngày bình thường cũng phải đến 700 người…

Với quân số duy trì khoảng 60 chiến sĩ (cao điểm phải tăng cường gần 100 chiến sĩ) làm nhiệm vụ, đại tá Quân chia biết có những hôm anh em phải làm cả ngày cả đêm, những hôm khách về đông phải gần 5h sáng mới được nghỉ.
 
Vất vả là vậy nhưng đến nay mọi công việc, đội hình vẫn đảm bảo và hoàn thành nhiệm vụ.

Tình huống khó xử và quyết định của nữ bác sĩ ở sân bay Nội Bài
 

Đại tá Quân cũng chia sẻ về những khó khăn khi thời gian đầu thường xuyên phải đấu tranh tư tưởng với những hành khách có biểu hiện chống đối, không chịu đi cách ly. Đó là những người chưa nhận thức đầy đủ nên có thái độ chưa chuẩn mực.
 
“Nhiều trường hợp chống đối, phản ứng quyết liệt nhưng sau khi được chúng tôi tuyên truyền, vận động họ đã chấp hành nghiêm và đi về khu cách ly”, ông Quân nói.
 
Cùng làm nhiệm vụ ở tuyến đầu đón các công dân từ nước ngoài về nước, ông Bùi Đức Long - Đội trưởng đội an ninh sân bay quốc tế Nội Bài cho biết luôn chủ động quán triệt lực lượng nghiêm túc làm nhiệm vụ, tạo thiện cảm và niềm tin cho bà con yên tâm về nước.  

Tình huống khó xử và quyết định của nữ bác sĩ ở sân bay Nội Bài
Ông Bùi Đức Long

Ông Long chia sẻ, ngoài nhiệm vụ làm an ninh hàng không an ninh sân bay còn làm thêm các công việc hỗ trợ hành khách. Tất cả các hành khách thuộc diện phải cách ly tập trung thì lực lượng hỗ trợ đồ ăn, nước uống, nơi nghỉ, lưu trú trước khi chuyển về nơi cách ly theo quy định.
 
“Bà con ở nước ngoài trở về yên tâm, chúng tôi luôn sẵn sàng làm hết mình có thể cùng với các lực lượng góp phần cùng người dân cả nước đẩy lùi dịch bệnh”, ông Long nói.