Trong 14 năm qua, nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, Việt Nam đã kiểm soát được tốc độ gia tăng dân số và chính thức đạt mức sinh thay thế 2,1 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Đến tháng 4/2019, nước ta vẫn giữ được mức sinh thay thế 2,09, tuy nhiên xuất hiện tình trạng chênh lệch mức sinh rất lớn giữa các vùng, địa phương.

Nếu tính theo khu vực, các tỉnh Tây Nguyên và Trung du – miền núi phía Bắc có mức sinh cao nhất cả nước 2,43 con, xếp thứ hai Đồng bằng sông Hồng 2,35 con, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đứng thứ ba với mức sinh 2,32 con. Trong khi đó khu vực Đông Nam Bộ chỉ có 1,56 con, Đồng bằng sông Cửu Long là 1,8 con.

{keywords}

Khi mới 29 tuổi, chị Nguyễn Thị Hồng, ở Quốc Oai, Hà Nội có tới 8 đứa con. Ảnh: Trần Thường

Khi tính riêng các địa phương, hiện có 33 tỉnh/thành phố (chiếm 42% dân số cả nước) có mức sinh cao. Cách đây 10 năm, số lượng này chỉ có hơn 20 tỉnh.

Cao nhất là Hà Tĩnh với mức sinh 2,83 con, kế đó là Nghệ An 2,75, Yên Bái, Nam Định và Kon Tum là 2,74 con, Điện Biên 2,72, Đắk Nông 2,68, Phú Thọ 2,57 con, Thanh Hoá 2,54…

Dân tộc Hoa có mức sinh thấp nhất (1,53 con/phụ nữ), trong khi 3 dân tộc gồm Xơ Đăng, Vân Kiều và Mông có mức sinh trên 3,5 con/phụ nữ, lần lượt là 3,57; 3,64 và 3,68 con/phụ nữ.

Phụ nữ có trình độ đại học mức sinh thấp nhất (1,85 con/phụ nữ), trình độ cao đẳng (1,91 con). Phụ nữ chưa bao giờ đi học (2,59 con/phụ nữ) và phụ nữ có trình độ sơ cấp (3,71 con/phụ nữ).

{keywords}

Mức sinh chi tiết của 63 tỉnh, thành phố (Nguồn: Tổng điều tra dân số và nhà ở Tháng 4/2019)

Ông Mai Trung Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô dân Dân số, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình cho biết, Hà Tĩnh, Nghệ An là 2 tỉnh có mức sinh rất cao nhiều năm và vẫn chưa xuống được. Riêng các tỉnh Đồng bằng sông Hồng như Nam Định, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam… mới chỉ xuất hiện từ năm 2014 trở lại đây.

Theo ông Sơn, nguyên nhân khiến nhiều tỉnh gia tăng mức sinh do ảnh hưởng của văn hoá, phong tục tập quán và bất bình đẳng giới, sinh nhiều con để có nhân lực tham gia lao động và phụng dưỡng, còn tâm lý bao cấp về phương tiện phòng tránh thai…

Một số gia đình sinh nhiều con vì có điều kiện kinh tế nhưng nhóm này chiếm tỉ lệ rất nhỏ, còn lại phần đông các hộ đông con đều có hoàn cảnh khó khăn.

“Tôi mới lên Lào Cai 2 tháng trước, thấy các em học sinh 14-15 tuổi nhưng thấp bé như học sinh cấp 1. Tầm vóc, thể chất như vậy làm sao có chất lượng dân số tốt được”, ông Sơn chia thẻ.

Ông Sơn lý giải, ngoài câu chuyện văn hoá, có tình trạng mang thai ngoài ý muốn tăng lên. Từ năm 2011 đến nay, không còn nhà tài trợ nào hỗ trợ phương tiện phòng tránh thai cho nước ta, hiện nhà nước chỉ còn hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo. Đây cũng là một trong những nguyên do khiến mức sinh tăng cao trở lại.

{keywords}

Ông Mai Trung Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô dân Dân số. Ảnh: T.Hạnh

“Nhiều người nói mức sinh cao sẽ bù mức sinh thấp ở các tỉnh đẻ ít, tuy nhiên không thể bù trừ bằng cách này do bối cảnh kinh tế xã hội ở những địa phương đẻ nhiều còn rất khó khăn. Nếu mức sinh tiếp tục tăng thì khoảng cách về thu nhập, mức sống giữa các vùng, các nhóm dân cư sẽ ngày càng lớn, gia tăng đói nghèo. Nơi khó khăn sẽ tiếp tục khó khăn thêm”, ông Sơn nói.

Do mức sinh chênh lệch giữa các vùng nên công tác dân số trong tình hình mới phải đáp ứng cùng lúc 3 mục tiêu: Tiếp tục thực hiện kế hoạch hoá gia đình, giảm sinh ở những tỉnh có mức sinh cao; khuyến sinh ở 21 tỉnh có mức sinh thấp, 9 tỉnh có mức sinh thay thế tiếp tục duy trì thành quả.

Với các tỉnh có mức sinh cao, phải đặt chỉ tiêu giảm sinh hàng năm từ nay đến năm 2030.

Theo ông Sơn, ngành dân số có quan điểm chỉ đạo chung song mỗi địa phương phải có mục tiêu, giải pháp riêng ngoài việc tiếp tục cuộc vận động “dừng lại ở 2 con để nuôi, dạy cho tốt”, thi đua, khuyến khích các cặp vợ chồng, cộng đồng không có người sinh con thứ 3 và cung cấp miễn phí các biện pháp phòng tránh thai.

Do nguồn ngân sách còn hạn chế, các địa phương có thể huy động nguồn xã hội hoá để cung ứng phương tiện phương tiện tránh thai, kế hoạch hoá gia đình.

“Đất nước Việt Nam muốn hùng cường phải có nguồn nhân lực chất lượng cao. Nếu vùng cao vẫn tiếp tục sinh nhiều thì rất khó khăn”, Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô dân Dân số nhìn nhận.

Hiện tại, Bộ Y tế đang hoàn thiện luật Dân số, trong đó chỉnh sửa nhiều nội dung, chiến lược về dân số trong giai đoạn mới, dự kiến sẽ trình Quốc hội vào cuối năm 2022.

Thúy Hạnh

21 tỉnh 'lười đẻ', Việt Nam không cấm người dân sinh con thứ 3

21 tỉnh 'lười đẻ', Việt Nam không cấm người dân sinh con thứ 3

Việt Nam đang triển khai nhiều biện pháp để tăng mức sinh tại 21 địa phương. Bộ Y tế cho biết, đây là bài toán khó chưa có nước nào giải được.