1. Tỉnh nào từng sáp nhập với Vĩnh Phúc?

  • Hòa Bình
    0%
  • Thái Nguyên
    0%
  • Tuyên Quang
    0%
  • Phú Thọ
    0%
Chính xác

Năm 1968, Vĩnh Phúc sáp nhập với tỉnh Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú. Tỉnh lỵ được đặt tại thành phố Việt Trì. Sau khi hợp nhất, tỉnh Vĩnh Phú có diện tích 5.103km2, gần 1,3 triệu dân.

Sau gần 29 năm hợp nhất, tháng 11/1996, Quốc hội khoá IX ra nghị quyết tách Vĩnh Phú thành Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập và đi vào hoạt động từ tháng 1/1997. Khi tái lập, tỉnh có diện tích hơn 1.370km2, dân số 1,1 triệu người.

2. Trước đó, Vĩnh Phúc được sáp nhập từ hai tỉnh nào?

  • Vĩnh Yên, Phúc Yên
    0%
  • Vĩnh Yên, Phú Thọ
    0%
  • Phúc Yên, Vĩnh Thọ
    0%
  • Phúc Yên, Phú Thọ
    0%
Chính xác

Tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập từ năm 1950, trên cơ sở sáp nhập hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên. Tỉnh có phía bắc giáp tỉnh Tuyên Quang và Thái Nguyên, phía tây giáp tỉnh Phú Thọ, phía nam giáp thủ đô Hà Nội, phía đông giáp huyện Sóc Sơn và Đông Anh - Hà Nội.

Hiện nay, Vĩnh Phúc có 9 đơn vị hành chính, gồm 2 thành phố (Vĩnh Yên, Phúc Yên) và 7 huyện (Tam Dương, Tam Đảo, Yên Lạc, Vĩnh Tường, Lập Thạch, Sông Lô, Bình Xuyên).

3. Tỉnh này có diện tích nhỏ thứ mấy cả nước?

  • 2
    0%
  • 3
    0%
  • 4
    0%
  • 5
    0%
Chính xác

Vĩnh Phúc thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, có diện tích hơn 1.200km2, nhỏ thứ 4 cả nước, sau Bắc Ninh, Hà Nam và Hưng Yên. Vĩnh Phúc là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội, gần sân bay quốc tế Nội Bài, là cầu nối giữa các tỉnh phía tây bắc với Hà Nội và vùng đồng bằng sông Hồng, do vậy tỉnh có vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế khu vực và quốc gia. 

4. Sông nào không chảy qua địa phận tỉnh này?

  • Sông Hồng
    0%
  • Sông Đuống
    0%
  • Sông Lô
    0%
  • Sông Đáy
    0%
Chính xác

Vĩnh Phúc có 4 con sông chính chảy qua, gồm: sông Hồng, sông Lô, sông Đáy và sông Cà Lồ, theo Cổng thông tin điện tử tỉnh. Sông Đuống không chảy qua Vĩnh Phúc.

Sông Hồng chảy qua địa phận tỉnh này từ ngã ba Bạch Hạc đến huyện Yên Lạc, dài 30km. Ngoài cung cấp nước, sông còn mang đến lượng phù sa lớn, lên tới 130 triệu tấn mỗi năm, giúp đất đai phì nhiêu. 

Trong khi đó, sông Lô chảy vào địa phận Vĩnh Phúc từ xã Quang Yên, huyện Sông Lô, qua xã Việt Xuân, huyện Vĩnh Tường đến ngã ba Bạch Hạc thì đổ vào sông Hồng, có chiều dài là 34km. Sông Đáy chảy vào địa phận Vĩnh Phúc từ xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch ở bờ phải và xã Yên Dương, huyện Tam Đảo, dài 41,5km.

5. Vĩnh Phúc là quê hương của vị lưỡng quốc tiến sĩ nào?

  • Mạc Đĩnh Chi
    0%
  • Nguyễn Trực
    0%
  • Nguyễn Đăng Đạo
    0%
  • Triệu Thái
    0%
Chính xác

Ông Triệu Thái, sinh năm 1370, người huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông xuất thân từ một gia đình nông dân, được theo học trường Nho giáo. Tuy nhiên, sau sự thất bại của cuộc kháng chiến của nhà Hồ, nước ta bị giặc Minh đô hộ. Các quận huyện không được mở khoa thi tiến sĩ, vì vậy ông Triệu Thái phải lặn lội sang tận kinh đô Trung Quốc, lúc đó là Yên Kinh để ứng thí. Ông thi đỗ tiến sĩ dưới triều vua Vĩnh Lạc, làm quan đến chức Hàn lâm học sĩ.

Đang làm quan, ông nghe được tin Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa, ông vội cáo quan về lấy cớ thăm cha mẹ rồi cùng Lê Lợi kháng chiến chống giặc ngoại xâm.

Sau khi đánh đuổi quân xâm lược, năm 1429, vua Lê Lợi tổ chức khoa thi Minh Kinh để tìm người tài giỏi ra giúp nước. Triệu Thái dự thi và đỗ đầu. Sau đó, ông nhận chức quan Thị Ngự sử. Ông được vua Lê Lợi giao cho việc định ra luật lệ của nhà Lê. Vì ông đỗ tiến sĩ ở cả 2 nước nên người đời phong cho ông là Lưỡng quốc tiến sĩ.