- Những câu chuyện cảm động thấm đẫm tình người đằng sau cánh cổng trường thi mà ít ai được biết đến.

Coi sỹ tử nhà nghèo như con

Những ngày này Hà Nội đang 'nóng' với kì thi đại học. Người người, nhà nhà khắc khoải với bộn bề lo lắng cho con em trong hành trình vượt vũ môn.

Nhưng không phải vì thế mà người ta chỉ biết nghĩ cho riêng mình. Lang thang qua các hội đồng thi, nghe dăm ba câu chuyện chia sẻ rất chân thành của các bậc phụ huynh đang ngồi ngóng trông con từng phút, tôi may mắn được nghe, được chứng kiến và không khỏi cảm phục những nghĩa cử cao đẹp của chính những người trong cuộc.

“Mình đã nghèo, nhiều người còn nghèo hơn. Con mình vất vả, nhiều cháu đi thi còn vất vả gấp trăm lần!” - chú Mai Văn Sướng (quê Bỉm Sơn – Thanh Hóa) đưa con đi thi tại điểm thi Học viện Báo chí - tuyên truyền bắt đầu câu chuyện của mình.

Chú Mai Văn Sướng với đang đợi con gái trước cổng trường Báo chí - (Ảnh: Minh Tâm)


Chú kể, hôm mùng sáu chú đưa con ra Hà Nội. Hai bố con còn lang thang tìm nhà trọ ở gần ký túc xá trường Báo thì chú bắt gặp một cậu học sinh cũng đang ngơ ngác đi tìm phòng trọ.

Cậu bé thi vào Báo chí, nhưng khác khoa với con gái chú. Vài lời hỏi han qua lại, chú Sướng không khỏi cảm thương cho cậu trò nhỏ đồng hương Thanh Hóa tên là Tuấn: Cha Tuấn bị tai nạn lao động, nghỉ mất sức, nhà còn mấy sào ruộng đều một tay mẹ Tuấn gánh vác.

“Thằng bé lí nhí bảo, bố mẹ nó phải bán hai tạ lạc được hơn hai triệu cho con đi thi. Nó thi cả đại học và cao đẳng, nghĩa là đợi đến hôm thi cao đẳng xong thì cũng hơn mười ngày. Hơn mười ngày ở đất Hà Nội mà chỉ có hai triệu trong túi thì biết xoay sở thế nào!”.

Nghĩ thế, nên chú Sướng quyết định giúp đỡ cậu bé hết lòng. Chú tận tình rủ cậu bé đi cùng, cho ở chung nhà trọ với hai bố con chú lại nhiệt tình “bao” luôn tiền ăn mấy hôm thi cho cậu.

“Sợ cháu nó ngại, tôi lại phải bảo nó cùng nằm chiếu dưới đất với mình, còn cho cháu nhà tôi nằm giường. Lại còn chuyện trò, hỏi han cho cháu nó đỡ tủi vì mình có hai bố con ríu rít cả ngày, nó chỉ có một thân một mình. Phòng ở chật thêm một tí, tiền nong phải cân đối lại một tí, nhưng ấm lòng. Gặp những người như thế không giúp, thì còn giúp ai!” - chú Sướng vui vẻ nói.

Chú còn định sau hôm thi sẽ giúp đưa cậu bé lên hẳn điểm thi ở tận Hoàng Mai, tìm giúp nhà trọ rồi mới yên tâm đưa con mình về quê.

Sẻ chia bữa ăn với người xa lạ

Cũng không kém phần cảm động là chia sẻ của cô Nguyễn Thị Lan, quê Vĩnh Phúc. Đưa con đi thi vào Đại học Quốc gia Hà Nội, cô Lan đã nhờ người quen thuê được một phòng ở trong Ký túc xá trường ĐH Ngoại Ngữ - ĐHQG. Ở cùng phòng với cô là hai mẹ con quê ở Giao Thủy – Nam Định.

“Hai mẹ con họ nhìn có vẻ chật vật hơn mẹ con tôi nhiều. Hai bữa liền tôi chỉ thấy người mẹ mua xôi để ăn, còn mua cơm suất cho con. Cùng cảnh đàn bà đưa con đi thi, tôi mới lân la hỏi thăm. Hóa ra hai mẹ con họ từ quê lên Hà Nội chỉ còn trong túi chỉ có hơn sáu trăm bạc. Tiền thuê phòng, rồi còn tiền ăn, tiền đi lại, về quê… Sáu trăm bạc đủ thế nào được, nên người mẹ định tiết kiệm bằng cách giảm ăn, giảm tiêu. Sợ con tủi, mẹ lại phải nói dối là đầy bụng, không muốn ăn, chứ không dám nói với con là túi sắp cạn tiền” - cô Lan ngậm ngùi kể.

Thương hai mẹ con nhà nọ, cô thật Lan lòng giúp đỡ: “Tôi cũng chẳng có nhiều, thôi thì biếu hai mẹ con hai trăm bạc, gọi là giúp đỡ nhau lúc khó khăn. Bà mẹ cứ chối mãi, sau nhận thì rơm rớm nước mắt cảm ơn, lại còn xin số điện thoại, địa chỉ để khi nào gửi trả”.

Từ những người xa lạ, họ đã trở thành bạn bè, thành ân nhân nhờ những hành động như thế. Và biết đâu, những giúp đỡ xuất phát từ tấm chân tình ấy đôi khi lại cứu giúp được cả một cuộc đời, một số phận.

Minh Tâm