Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển bùng nổ của công nghệ mang tính đột phá đã và đang làm không gian mạng thay đổi sâu sắc cả về chất và lượng, mang lại những lợi ích cho đời sống xã hội, đóng góp quan trọng vào các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, an ninh, quốc phòng... Tuy nhiên, không gian mạng cũng trở thành môi trường thuận lợi cho hoạt động tán phát tin giả, tin sai sự thật.
Thông tin sai lệch thường có xu hướng lan truyền nhanh hơn tin thật được cung cấp bởi các cơ quan truyền thông, báo chí chính thống. Đây là một thách thức đối với tất cả các quốc gia trên thế giới.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, Mạng xã hội (Facebook, Google, Zalo…) trở thành nền tảng lan truyền tin giả phổ biến nhất. Tin giả xuất hiện trên mọi lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…
Những ngày này, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát với tốc độ nhanh tại Việt Nam thì làn sóng tin giả, tin bịa đặt cũng tăng chóng mặt, gây nhiễu loạn thông tin, ảnh hưởng nặng nề đến công tác chống dịch của các ban ngành.
Tin giả về COVID-19 được tán phát chủ yếu thông qua mạng xã hội (Facebook, YouTube, Tiktok…) với nhiều mục đích, ý đồ khác nhau, được liệt kê vào 25 chủ đề tiêu cực, trong đó có 5 loại chủ đề xâm phạm an ninh quốc gia.
Ảnh minh họa. |
Điển hình như gần đây, trên facebook bất ngờ xuất hiện đoạn video tung tin về một gia đình ở TP HCM có bốn F0 đi cách ly, F1 ở nhà chết 5 ngày mới được cơ quan chức năng phát hiện khiến dư luận hoang mang. Hàng nghìn lượt chia sẻ, bình luận ngay sau khi đăng tải.
Hay, một số đối tượng lợi dụng sự việc công nhân ở Công ty Wanek (Bình Dương) nhiễm Covid-19, đã dùng hàng trăm tài khoản ảo để đăng tải sự việc vào các nhóm diễn đàn của công nhân hòng kích động sự bức xúc của dư luận.
Ngày 16/7, Công an tỉnh Vĩnh Long đã lập hồ sơ xử lý Nguyễn Văn Nhựt (SN 1997, ngụ ngụ xã Tường Lộc, huyện Tam Bình) về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan tổ chức, danh dự nhân phẩm của cá nhân.
Tại cơ quan Công an, Nhựt thừa nhận là chủ tài khoản Lê Thị Luyến, đã đăng tải hàng loạt thông tin bịa đặt trên mạng xã hội liên quan đến tình hình dịch bệnh COVID-19.
Nhựt có mâu thuẫn với chị dâu nên đã tạo tài khoản trên, sau đó bịa đặt các thông tin giả mạo và tung lên mạng nhằm xúc phạm, tạo sự bất lợi và hạ uy tín của nạn nhân.
Theo Phòng An ninh chính trị nội bộ, tài khoản này đã đăng tải hàng loạt thông tin bịa đặt, như: Bệnh viện Đa khoa Tam Bình thêm 599 ca nhiễm; phát hiện thêm 2.190 ca; các ca nhiễm đang tăng rất cao tại tỉnh Vĩnh Long, bây giờ là 5699 người dương tính và kèm theo hình ảnh về hoạt động phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh...
Các thông tin trên đã tạo sự lo lắng, bức xúc trong nhân dân. Ngay khi phát hiện các thông tin bịa đặt này, lãnh đạo Phòng An ninh chính trị nội bộ nhanh chóng chỉ đạo lực lượng xác minh. Đến chiều 15/7, Nhựt được mời đến cơ quan Công an để làm việc và thừa nhận hành vi vi phạm.
UBND tỉnh Vĩnh Long, cùng các sở, ban ngành liên tục khuyến cáo người dân cần tỉnh táo, cảnh giác trước những tin tức sai sự thật, xấu độc; cần tìm kiếm các nguồn thông tin chính thống, không để bản thân bị dẫn dắt, lợi dụng.
Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo kiên quyết xử lý nghiêm những người cố tình phát tán những thông tin sai sự thật, xấu độc, gây hoang mang dư luận.
Tổ chức chiến dịch truyền thông thông qua triển khai các hệ thống kỹ thuật để chủ động đăng tải thông tin lên không gian mạng. Thực hiện nâng cao cảnh giác, sức “đề kháng” của người dân khi tham gia môi trường mạng.
Đặc biệt, ngành chức năng cũng đưa ra 3 lưu ý, giúp người dân nhận diện tin giả, tin xấu độc:
1/ Tăng cường sự đề phòng, tính cảnh giác của bản thân khi tiếp xúc với thông tin được lan truyền trên không gian mạng. Luôn có quan điểm tham khảo khi sử dụng thông tin trên trên không gian mạng, nhất là thông tin được chia sẻ bởi mạng xã hội, chủ thể không rõ nguồn gốc, không xác thực.
2/ Nếu là những thông tin đáng chú ý, thuộc lĩnh vực cần quan tâm, cần chú ý tiêu đề bài viết. Tin giả thường có tiêu đề hấp dẫn, giật gân, viết in hoa kèm dấu ký tự mang tính chất khẳng định, thường có vẻ khó xảy ra trong thực tế nhưng được viết dưới dạng khẳng định để thu hút sự chú ý của người đọc. Đồng thời, kiểm tra đường dẫn liên kết. Đường dẫn URL chứa tin giả thường giả mạo gần giống các trang tin chính thống. Ví dụ: đuôi tên miền .org dành cho các tổ chức phi chính phủ hoặc phi lợi nhuận nhưng không vì thế mà mất cảnh giác, bởi những trang này có thể đăng tải thông tin chủ quan vì mục đích riêng của tổ chức đó, chứ không hoàn toàn cung cấp thông tin khách quan cho người đọc. Kiểm tra kỹ mục “Liên hệ” hoặc “Giới thiệu” trên trang tin để tìm kiếm thông tin về cá nhân hoặc tổ chức đứng sau, xác định mức độ tin tưởng thông qua các thông tin được đề cập như: chức danh, chức vụ, học hàm, học vị, mức độ phản hồi của người dùng, tính xác thực của địa chỉ.
3/ Tin giả thường không được chú trọng về cấu trúc ngữ pháp, thể thức văn bản, dễ có lỗi chính tả và ngữ pháp, không thống nhất. Hình ảnh sử dụng trong bài viết đa phần là ảnh trên mạng hoặc được chỉnh sửa cho phù hợp với nội dung nguồn tin. Cần kiểm tra xem ảnh có tồn tại trên không gian mạng thông qua tính năng “Search Google for image”.
Về mốc thời gian sử dụng trong bài viết, tin giả được biên soạn và định dạng mốc thời gian không trùng với thực tế, do đó, cần xem kỹ các mốc thời gian, sự kiện có trong nội dung tin và thời gian đăng tải. Về các luận cứ, luận chứng trong bài viết, thông thường các tin giả được tạo ra được dựa trên một câu chuyện, tình tiết có thực nhưng được làm giả ở những nội dung quan trọng nhất.
Minh Phúc