Lâu nay pháp luật thường được nhìn nhận dưới góc độ là những định chế có tính chất “quan phương” từ phía nhà nước hay nói cách khác pháp luật được hiểu là tổng thể các qui tắc xử sự do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận và đảm bảo thực hiện nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội.

Tuy nhiên ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, tồn tại một xu hướng tiếp cận pháp luật khác – xu hướng nhìn pháp dưới góc độ văn hóa  mục đích là nhằm vượt lên những bất đồng, khác biệt, để hợp tác xây dựng nên những qui tắc ứng xử mới –những qui tắc có khả năng đem lại lợi ích cho các bên tham gia và cho toàn xã hội. 

nghiencuu.jpg

Chính vì vậy, Ngày Pháp luật được tổ chức một mặt nhằm tạo bước phát triển mới trong việc nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vốn được coi là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng; mặt khác, Ngày Pháp luật còn có tác dụng nhắc nhở nhân dân tôn trọng, nghiêm chỉnh thực hiện pháp luật, thực hành tự giác: “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.

Đối với công chức, viên chức Nhà nước, Ngày Pháp luật là cơ hội để mỗi người tự soi mình, suy ngẫm để tự điều chỉnh ý thức và thái độ hành xử trong quan hệ với nhân dân sao cho xứng đáng với sự chờ đợi và đòi hỏi của người dân, của xã hội về một Nhà nước gần dân, vì dân và về một đội ngũ công chức “phụng công thủ pháp”.

Như vậy, bên cạnh mục tiêu trước mắt là tuyên truyền, phổ biến pháp luật, Ngày Pháp luật còn đóng vai trò tích cực trong việc nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện nghiêm minh, công bằng, thống nhất.

Sâu xa hơn, ở một chừng mực nào đó, Ngày Pháp luật còn góp phần đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách; đề cao ý thức làm chủ, tôn trọng kỷ luật, tự do trong khuôn khổ pháp luật; ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, ý chí vươn lên vì tương lai của mỗi người và tiền đồ của đất nước.

Chính vì vậy, có thể khẳng định rằng Ngày Pháp luật có ý nghĩa quan trọng trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật và nâng cao nhận thức của người dân.

Và để Ngày Pháp luật thật sự hiệu quả, có ý nghĩa thiết thực, để lại dấu ấn tích cực và được nhân dân ghi nhận, việc hành động theo tinh thần thượng tôn pháp luật không chỉ thực hiện trong ngày 9/11 mà còn trong cả 365 ngày trong năm của mỗi cơ quan, tổ chức.

Đặc biệt, cán bộ, công chức, viên chức và những người làm công tác pháp luật cần gương mẫu, đi đầu trong việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Đồng thời, cần tích cực, chủ động đem kiến thức hiểu biết pháp luật của mình tham gia công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Hiến pháp, pháp luật, nhất là các quy định có liên quan mật thiết, gắn bó chặt chẽ với đời sống của nhân dân. Bên cạnh đó, tích cực tham gia vận động, thuyết phục nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật để mỗi người đều tự giác tìm hiểu pháp luật, tôn trọng và nghiêm chỉnh thực hiện pháp luật.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Ngày Pháp luật hằng năm sẽ thật sự trở thành ngày tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, ngày hội của toàn dân sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Thanh Hùng và nhóm PV, BTV