- Khoảng cách giàu nghèo ngày càng bị nới rộng chắc chắn ảnh hưởng đến tâm tư nhà giáo. Nhưng nếu tính toán thiệt hơn thì khó trụ lại nghề này. Đó là những chia sẻ của người làm thầy với VietNamNet trong chương trình "Góc nhìn thẳng".


ay


Kính chào quý vị và các bạn

Mỗi dịp  20/11, chúng ta thường tôn vinh, nhìn nhận về các nhà giáo - những người gánh vác sứ mệnh nặng về với tương lai đất nước, vì sự nghiệp trăm năm.  Chương trình "Góc nhìn thẳng" của VietNamNet đã mời cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) để cùng trao đổi về câu chuyện  này. Xin gửi lời chúc mừng tới cô Nguyễn Thị Nhiếp và toàn thể các thầy cô nhân dịp ngày nhà giáo Việt Nam.

Nhà báo Lê Hạnh: Cá nhân cô thấy hình ảnh người giáo viên lý tưởng, trong sáng thời bao cấp so với thời kỳ kinh tế thị trường hiện nay thế nào? Đâu là sự khác nhau cơ bản nhất?

Cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp: Tôi là một cô giáo đã đứng trong nghề được 21 năm. Đã là nhà giáo chân chính, theo tôi thì dù thời bao cấp hay thời kinh tế thị trường cũng đều rất lý tưởng và trong sáng.

Tuy nhiên, do xã hội thay đổi, khi chuyển sang nền kinh tế thị trường nên  năng lực người làm thầy cũng được đánh giá khác. Thời xưa, các thầy giáo rất giỏi, nhưng cảm nhận của cá nhân tôi thì hầu như được nhìn nhận và đánh giá ở cái đức sáng.

Thế nhưng bây giờ -  tôi cũng hay đùa trong hội đồng giáo dục của trường mình -  đó là các thầy cô giáo cũng tham gia vào quá trình cơ chế đào thải của thị trường.

Bên cạnh đức sáng, người làm thầy cần có năng lực tốt, đặc biệt là năng lực chuyên môn. Bên cạnh đó, còn yêu cầu phong cách giảng dạy, phong thái ăn mặc, khả năng thu phục học sinh... Nhưng trên hết, vẫn là năng lực chuyên môn. Tôi nghĩ đó là những điểm được cho là khác nhau cơ bản giữa các thời kỳ.

Nhà báo Lê Hạnh: Cô thấy đời sống của các nhà giáo quanh mình hiện nay ra sao, ở mức độ nào so với những đóng góp của họ?

Cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp: Theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, ít nhất ở vùng khó khăn, tôi thấy quả thực là các thầy cô giáo đời sống còn rất nhiều khó khăn. Sự khắc phục của các thầy cô giáo ở những vùng khó khăn đó khiến tôi cảm phục, khâm phục, nể phục.

Tự đặt mình vào hoàn cảnh đó, tôi tự hỏi tự vấn an lòng mình liệu có thể làm được như các thầy cô đó hay không? Tôi mong Đảng, Nhà nước có cơ chế chính sách quan tâm tới thầy cô ở vùng đó.

Gần hơn, xung quanh tôi, ví dụ giáo viên ở trường tôi là trường tự chủ tài chính toàn phần. Các thầy cô có thể sống được bằng chính nghề của mình, mức lương đó trả theo năng lực chất lượng giảng dạy, cùng sự tâm huyết cống hiến cho môi trường mà các thầy cô đang công tác.

Nhà báo Lê Hạnh: Khoảng cách giàu nghèo được nới rộng lên rất mạnh trong đời sống xã hội hiện nay, theo cô, ảnh hưởng thế nào đến suy nghĩ, hành động của các nhà giáo, theo nhìn nhận của cô?

Cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp: Nói rằng khoảng cách giàu nghèo có ảnh hưởng tới thầy cô hay không tôi nghĩ là có, tuy nhiên không phải tất cả. Có những người thầy, người cô coi nghề là phương tiện kiếm sống

Nghề giáo rất hay là coi như một thang thuốc để lựa chọn rồi, như một phép thử. Cho nên, đã bước chân vào nghề giáo mà luôn luôn tính toán giàu sang tiền bạc thì thật khó để trụ lại lâu. Bởi vì bên cạnh năng lực chuyên môn và những điều thầy cô cần phải truyền tải, nếu cứ quan tâm quá nhiều tới khoảng cách giàu nghèo thì sẽ ảnh hưởng tới những điều thầy cô đang truyền thụ cho các em.

Nhà báo Lê Hạnh:  Thưa cô, mong ước lớn nhất của các nhà giáo hiện nay là gì, có phải là vấn đề tiền lương?

Cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp: Tiền lương cũng là một mong ước của giáo viên, nhưng không phải là tất cả.

Từ thực tế của trường, tôi thấy: Nhiều người cho trường tự chủ có tiền thuê giáo viên dạy giỏi nên dễ để nâng cao chất lương. Nhưng không phải như thế.

Qua hơn chục năm làm quản lý, tôi thấy lương cao chỉ là khuyến khích. Ban đầu, lĩnh lương cao vài tháng thì thầy cô cũng quen dần. Nhưng nếu như ngại đổi mới phương pháp dạy học thì các thầy cô sẽ rơi vào tình trạng "lối cũ ta về". Cho nên mấu chốt ở đây là lương cao đấy, nhưng bên cạnh đó là tâm thầy và lòng tự trọng chân chính của người giáo viên.

Đặc biệt, cơ chế khuyến khích bền bỉ của những nhà lãnh đạo quản lý để luôn nhen lửa tâm huyết của các thầy cô giáo mới là điều quan trọng.

Nhà báo Lê Hạnh:  Xin cảm ơn cô Nguyễn Thị Nhiếp đã có những chia sẻ thú vị về giáo viên trong ngày nhà giáo. Xin chào tạm biệt quý vị và hẹn gặp lại.

Cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp: Xin cảm ơn quý vị đã chú ý lắng nghe kính chúc các thầy cô giáo ngày 20 11 nhiều niềm vui, mạnh khỏe và cống hiến nhiều hơn nữa cho ngành giáo dục.

VietNamNet