Giảm nghèo, thực hiện công bằng xã hội là một nội dung cơ bản, quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta, được cụ thể bằng chính sách, pháp luật và chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước qua các thời kỳ.

Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong công tác giảm nghèo, được thế giới đánh giá là điểm sáng hoàn thành mục tiêu Thiên niên kỷ trước thời hạn.

Theo báo cáo của Chính phủ về kết quả hai năm (2017 và 2018) thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, hết năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 6,7% (giảm 1,53% so cuối năm 2016); ước đến cuối năm 2018 còn dưới 6% (giảm khoảng 1 -1,3% so năm 2017). Tình trạng tái nghèo được kiềm chế và có xu hướng giảm tích cực, tỷ lệ tái nghèo trung bình cả nước giảm từ 0,13% (năm 2016) xuống 0,1% (năm 2017).

{keywords}
Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong công tác giảm nghèo - Hình minh họa

Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cũng nhận định, kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp,

Việc chuyển đổi phương thức hỗ trợ người nghèo từ cho không sang hỗ trợ có điều kiện, có hoàn trả thực hiện ở các địa phương đạt kết quả còn thấp. Trong đó có nguyên nhân là chính sách hỗ trợ cho không được duy trì trong thời gian dài, tạo tâm lý trông chờ, ỷ lại của người nghèo, không muốn vay vì sợ không trả được.

Tại cuộc tọa đàm“Để chính sách giảm nghèo đi vào cuộc sống”, ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về Giảm nghèo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chia sẻ về một số kết quả công tác giảm nghèo chúng ta đã triển khai, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện Nghị quyết của Quốc hội số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020

Theo ông Thi, mặc dù trong ba năm trở lại đây Việt Nam phải đương đầu với rất nhiều khó khăn và thách thức, về cả về kinh tế, xã hội, thiên tai lũ lụt nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm của Quốc hội của Chính phủ và sự nỗ lực của toàn xã hội, đặc biệt của người dân, kết quả giảm nghèo của Việt Nam tiếp tục giữ vững. Trong hai năm 2016, 2017, tỷ lệ nghèo bình quân của cả nước đã giảm 1,8% cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra từ 1-1,5%.

Theo quan sát của ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhìn một cách tổng quan, chương trình giảm nghèo của nước ta đã đi chặng đường dài. Nếu ai từng chứng kiến giai đoạn đầu Đảng và Nhà nước ta thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo và sau gọi là giảm nghèo bền vững, sẽ thấy thành tựu to lớn của đất nước trong sự nghiệp xóa đói giảm nghèo và đến nay là giảm nghèo bền vững.

Thành tựu đó không chỉ Việt Nam thừa nhận mà được các nước trên thế giới và tổ chức xã hội, tổ chức NGO của các nước đánh giá cao.

Tuy nhiên, chúng ta đặt ra mục tiêu trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, người có công với cách mạng là đối tượng luôn được Nhà nước xác định tập trung ưu tiên giải quyết đầu tiên và mức sàn như an sinh xã hội thì đối tượng người có công đạt cao nhất, cao hơn tất cả các chính sách. Điều đó nói lên sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Cộng đồng dân cư cũng tập trung giải quyết vấn đề nghèo đói cho người có công trước.

Bài: Đỗ Ngân Phương - Nhóm PV
Ảnh: Nguyễn Văn Quý - Nhóm PV