Nhà tôi ở Đà Nẵng, nhà anh ở Tuy Hòa. Chúng tôi gặp nhau tại một trường đại học ở Sài Gòn.

Yêu nhau từ năm thứ hai cho đến khi tốt nghiệp, hè nào anh cũng theo tôi về Đà Nẵng để thăm gia đình tôi. Nhớ lần đầu tiên tôi hồi hộp đợi người thân của mình nhận xét về anh. Ờ, thằng đó hình thức coi cũng khá, thương con gái người ta mà không ngại đường xa về quê chào hỏi thì đáng khen là biết lễ nghĩa. Những lần sau, ba má, anh chị tôi vui vẻ hơn, đối xử với anh rất thân tình. Ba má và em gái anh cũng mến tôi. Mọi chuyện có vẻ tốt đẹp, chỉ đợi hai đứa ra trường ổn định việc làm thì cưới.

Ổn định việc làm - chuyện tưởng dễ hóa ra lại quá… mênh mông. Tìm được việc làm ngay sau khi ra trường tôi vui lắm, nghĩ mình ổn định rồi, nhưng chỉ hai tháng sau là thấm thía. Đi làm rồi tôi mới biết có đủ thứ chi tiêu cần thiết mà mình không thể né tránh được. Thời sinh viên nghe kể đàn anh đàn chị ra trường trước mình liên tục nhảy việc, cứ tưởng họ đứng núi này trông núi nọ, giờ tôi cũng vậy, lùng sục trên mạng thấy nơi nào tuyển người là gửi hồ sơ cầu may được mức lương cao hơn mức bốn triệu đồng đang có.

Anh cũng không khác gì tôi, tìm được việc làm với mức lương năm triệu, chủ bao cơm. Cứ tưởng để dành được nguyên lương, nhưng không, đủ thứ chi tiêu không tên.

Tôi kể với ba má mình nhà anh nghèo, từ năm thứ hai anh đã tự bươn chải. Ba má tôi khen anh có chí, nhưng vẫn đòi đám cưới đúng như ông bà xưa dạy. Chẳng biết đến lúc nào anh mới để dành được đủ tiền cho đám cưới theo ý ba má tôi. Lại thêm khoảng cách địa lý, lễ hỏi, thuê xe đưa họ hàng nhà anh về thăm nhà tôi cộng thêm chi phí ăn ở khách sạn, đã hết veo số tiền hai đứa chắt chiu để dành suốt một năm. Mà, đám cưới thì tốn kém gấp mười lần.

{keywords} 

Đợi nhau thêm mười năm hai đứa mới được là vợ chồng sao? Trong khi chúng tôi làm việc cùng một thành phố và yêu nhau vô cùng. Có những tối lang thang trên đường vì sợ vào quán tốn kém, tôi ngồi ôm lưng anh, chiếc xe chầm chậm chạy hoài trên đường, nước mắt tôi ứa ra, anh cũng nghẹn ngào. Chúng tôi rất muốn dừng lại ở đâu đó, được bên nhau.

Giữ gìn mãi, cuối cùng tôi cũng trao thân cho anh. Hạnh phúc lén lút nhiều khi phải đỏ mặt hổ thẹn. Mỗi khi anh tới, bà chủ nhà nhìn nhìn ngó ngó. Mấy lần phải chuyển chỗ trọ, quá mệt và quá vô lý, chúng tôi quyết định đăng ký kết hôn.

Một việc quan trọng như vậy mà phải giấu gia đình, tôi thấy mình có lỗi vô cùng. Nhiều lúc tôi tự hỏi, nếu mình có thai thì sao? Hiểu nỗi bứt rứt của tôi, anh càng yêu thương tôi hơn, cố gắng để tôi được vui, niềm vui góp nhặt từ những điều nho nhỏ như nấu nước ấm cho tôi gội đầu, lau giùm tôi đôi giày bám bụi, bất ngờ xuất hiện trước cổng công ty tôi với bông hoa hồng trong tay và nụ cười lém lỉnh. Tôi yêu anh, tôi cảm nhận được tình yêu chân thành của người-đàn-ông-duy-nhất của đời mình. Nếu không ám ảnh vì cái đám cưới như ba má đòi hỏi, có thể nói là tôi rất hạnh phúc.

Rồi điều tôi lo sợ cũng đến, tôi có thai sau hai năm chung sống. Tôi khóc hết nước mắt trước sự chọn lựa giữ hay bỏ. Thật vô lý khi dứt bỏ đứa con có được bởi tình yêu và chúng tôi hoàn toàn không có lỗi khi yêu nhau. Nhưng, giữ lại thì làm sao đây?

Giữa lúc hai đứa rối bời thì má tôi từ quê lên thăm. Không có anh ở nhà nhưng áo quần đồ đạc của anh khắp nơi, tôi chẳng còn gì để nói. Má khóc nức nở, mắng tôi bất hiếu làm nhục gia đình. Ba má anh hay tin cũng mắng chửi chúng tôi thậm tệ.

Rối bời chuyện hai họ trách mắng nhưng chúng tôi lại thấy nhẹ lòng, vì dù sao thì hai nhà cũng đã biết. Anh chỉ còn phải việc bồi bổ cho tôi để em bé trong bụng được khỏe mạnh.

Không được sự giúp đỡ của hai bên nội ngoại, anh vừa đi làm kiếm tiền vừa chăm sóc bà đẻ. Bà chủ nhà trọ nói tôi có phước, tôi thì đùa “nếu có cuộc thi Người cha hoàn hảo thì em bỏ phiếu cho anh giải nhất”. Anh cười: “Anh sẽ lấy cái huy chương đeo cổ còn tiền thưởng tặng em và con hết”.

Con hai tuổi, anh bàn với tôi đưa con về thăm nội ngoại, xin cha mẹ tha thứ. Bà chủ nhà trọ khích lệ: “Nhìn thấy cháu là ông bà quên giận ngay thôi mà”.

Tôi cầu mong vậy.

(Theo Phunuonline)