{keywords}
Ông Lê Vinh Danh vừa bị cách chức Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng

Ông Lê Vinh Danh nói gì?

Phóng viên VietNamNet đã nhiều lần liên hệ với ông Lê Vinh Danh, tuy nhiên ông Danh đề xuất cho 2 cá nhân thay ông lên tiếng. Hai người này đã từ chối.

Trong một chia sẻ với báo chí cách đây vài ngày, ông Lê Vinh Danh cho biết, trung bình mỗi tháng ông nhận thu nhập 407 triệu đồng. Sau khi đóng thuế và các khoản khác theo quy định thì số tiền ông thực lãnh chỉ khoảng 286 triệu.

Riêng về khoản 556 triệu là do dịch Covid-19 đầu năm nay, nhiều cán bộ tự nguyện nhận lương ít hơn trong tháng 3, 4, phần còn lại để trường trả bổ sung vào tháng 6, 7 và 8.

Cụ thể, ông Danh đã tự nguyện để nhà trường chậm trả 60%, nên tháng 3 và 4/2020, ông chỉ nhận 40% thu nhập.

Do đó, trong tháng 6,7,8/2020, ngoài thu nhập của những tháng này, ông Danh được nhận khoản thu nhập trả chậm của tháng 3 và 4/2020. Tổng thu nhập ông Danh nhận được trong tháng 6, 7, 8/2020 là 556 triệu đồng/tháng.

Ông Danh khẳng định, thu nhập thực lãnh hơn 280 triệu của ông là hợp lý vì trong trường ông làm việc nhiều nhất, gấp 10-30 lần so với những người khác, chưa kể phải chịu trách nhiệm mọi việc. 

Cũng theo ông Danh, Trường ĐH Tôn Đức Thắng trả thu nhập cho cán bộ giảng viên không theo chức danh nghề nghiệp mà theo vị trí công việc và số đầu việc họ phụ trách, khối lượng công việc, hiệu quả sản phẩm đầu ra. Cùng một chức danh nghề nghiệp nhưng khác nhau về số lượng sản phẩm đầu ra thì thu nhập cũng chêch lệch. 

Ông Danh cũng nói, từ năm 2012, cách thức tính lương đã được Hội đồng trường phê chuẩn. Từ đó về sau, hàng năm đều báo cáo thu chi tài chính trong đó có lương, thưởng trong Hội nghị giảng viên, viên chức. Sau khi nhận góp ý của giảng viên, viên chức thì sẽ bổ sung vào quy chế chi tiêu nội bộ của trường và trình Hội đồng trường thông qua. Hội đồng trường thông qua thì Hiệu trưởng mới ký và ban hành

Ông Danh khẳng định công thức tính lương, các tiêu chí tính lương và cách tính lương đã có trong quy chế chi tiêu nội bộ và đã được Hội đồng trường duyệt và hàng năm có bổ sung cũng được duyệt. Về công khai, minh bạch là ai cũng biết quy chế chi tiêu nội bộ, cách tính lương và cuối năm đều báo cáo ở Hội nghị giảng viên, viên chức sau đó tiếp thu ý kiến để bổ sung. Ngoài ra, trưởng đơn vị tự tham gia tính lương cho từng viên chức...

Thu nhập chính xác của ông Lê Vinh Danh

Ông Nguyễn Minh Dũng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Tài chính Tổng LĐLĐ Việt Nam khẳng định “Số liệu về tiền lương và thu nhập của ông Lê Vinh Danh mà Tổng Liên đoàn đã công bố với báo chí là hoàn toàn đúng sự thật trên cơ sở số liệu hợp pháp do Trường ĐH Tôn Đức Thắng cung cấp".

Theo ông Dũng, số tiền hơn 556 triệu đồng là tiền Trường ĐH Tôn Đức Thắng trả cho ông Lê Vinh Danh trong một tháng cụ thể, đó là tháng 8/2020. Nếu tính bình quân 9 tháng đầu năm 2020, mặc dù trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tiền lương, thu nhập của ông Lê Vinh Danh cũng ở mức bình quân hơn 400 triệu đồng/tháng, trong đó có 3 tháng với mức hơn 556 triệu đồng/tháng.

Ông Lê Phúc, người phát ngôn của Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho hay theo yêu cầu của Tổng LĐLĐ tại công văn 1143b/TLĐ ngày 26/10/2020, Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã cung cấp thông tin về thu nhập của một số cá nhân cho Tổng Liên đoàn theo danh sách mà Tổng Liên đoàn đề nghị.

Theo bảng thu nhập từ tháng 1 tới tháng 9/2020 của Trường ĐH Tôn Đức Thắng, trong các tháng 1, 2, 5, 9 ông Danh có tổng thu nhập là hơn 406 triệu đồng/tháng. Tháng 4, 5, tổng thu nhập của ông Danh là hơn 162 triệu đồng/ tháng. Tháng 6, 7, 8, tổng thu nhập của ông Danh là hơn 556 triệu đồng/tháng. Đây là tổng thu nhập cộng từ các khoản: lương, phụ cấp và Y2.

Sau khi ông Danh đóng thuế, thực lĩnh các tháng 1 và 5 là 295 triệu; Các tháng 6,7,8 là hơn 350 triệu; Các tháng 3, 4 là 117 và 129 triệu.

Có công khai, minh bạch không?

Chia sẻ với VietNamNet về tiền lương, một Trưởng khoa của Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho hay, mức thu nhập không được công khai. Tất cả các viên chức đều phải giữ bí mật về tiền lương của mình.

Theo vị này, trước đây nhà trường thành lập tổ tiền lương bao gồm một số nhân sự, trong đó trợ lý hiệu trưởng kiêm Chủ tịch công đoàn là thường trực của tổ này. Trước năm 2020, nhà trường chỉ có tổ tiền lương. Từ ngày 24/4/2020, ông Lê Vinh Danh có lập ra Hội đồng nghiên cứu chính sách tiền lương. Đứng đầu là hiệu trưởng (ông Danh) và thường trực là bà Trịnh Minh Huyền (nguyên trợ lý hiệu trưởng). Dù là tổ tiền lương hay Hội đồng lương, thì cũng chưa bao giờ công khai, minh bạch thu nhập và cách tính thu nhập của Hiệu trưởng, trợ lý hiệu trưởng.

Trước tháng 4/2020, tổ tiền lương có nhiệm vụ xây dựng các tiêu chí tính lương. Tuy nhiên, các tiêu chí này không có trong quy chế chi tiêu nội bộ, mà quy chế chi tiêu nội bộ chỉ quy định hết sức đơn giản về cách thức trả lương.

"Tổ tiền lương dưới sự điều hành thường trực của trợ lý hiệu trưởng quyết định tiêu chí tính lương cho viên chức. Các trưởng đơn vị được mời lên làm việc về tiền lương của đơn vị mình, và sẽ được bàn bạc về mức lương của từng viên chức (từ cấp phó trở xuống). Sau khi thống nhất, tổ tiền lương trình cho hiệu trưởng quyết định. Các tiêu chí tính lương không được công khai trong trường...

Hiệu trưởng là người quyết định bảng lương chính thức chứ không phải tập thể Ban Giám hiệu. Bảng lương này không đưa ra Hội đồng trường. Việc tính toán chi tiết do Tổ tiền lương thực hiện và Hiệu trưởng quyết định. Do đó, các thông tin cho rằng Ban Giám hiệu quyết định cuối cùng là không chính xác”- vị Trưởng khoa này nói.

Vị Trưởng khoa này còn khẳng định, thậm chí, các phó hiệu trưởng cũng không được biết lương của mình được tính như thế nào. Do đó, phó hiệu trưởng không biết lương của hiệu trưởng, trợ lý hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng khác.

“Cho đến khi truyền thông đăng tải thông tin, chúng tôi mới biết lương trợ lý hiệu trưởng cao hơn phó hiệu trưởng nhiều lần. Có thông tin cho rằng thu nhập của trợ lý hiệu trưởng cao vì làm 5-6 đầu việc, chúng tôi khẳng định rằng, ngoài lương, trợ lý hiệu trưởng nhận thêm phụ cấp kiêm nhiệm. Như vậy, làm 5-6 đầu việc đã có phụ cấp kiêm nhiệm và khoản thu nhập này cũng cao. Ngoài ra, các lãnh đạo khác cũng phải kiêm nhiệm nhiều đầu việc khác”- vị trưởng khoa nhấn mạnh.

Ông Lê Phúc, người phát ngôn của Trường ĐH Tôn Đức Thắng xác nhận tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng có quy định về bảo mật tiền lương, tất cả những người làm việc tại trường không được cung cấp thông tin thu nhập của mình cho người khác, do đó không công khai lương của bất kỳ ai.

Ông Nguyễn Minh Dũng, Trưởng ban Tài chính Tổng LĐLĐ Việt Nam cho hay, Quyết định 158/QĐ-TTg ngày 29/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ cho phép Trường ĐH Tôn Đức Thắng quyết định thu nhập tăng thêm của người lao động từ nguồn chênh lệch thu lớn hơn chi theo Quy chế chi tiêu nội bộ. Song quyết định này của Thủ tướng cũng quy định việc chi trả thu nhập tăng thêm phải “trên cơ sở công bằng và minh bạch”.

Bảng lương, thu nhập do Trường ĐH Tôn Đức Thắng cung cấp cho thấy có sự chênh lệch lớn giữa tiền lương của một nhóm nhỏ cán bộ, trong đó có hiệu trưởng so với các cán bộ, viên chức, nhân viên còn lại; chênh lệch lớn gấp nhiều lần giữa tiền lương của Trợ lý Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn (bà Trịnh Minh Huyền) so với các Phó Hiệu trưởng (ông Võ Hoàng Duy và ông Trần Trọng Đạo)”.

Theo ông Dũng, nhiều cán bộ, viên chức của Trường phản ánh: chỉ biết về lương, thu nhập của hiệu trưởng sau khi TLĐ chính thức công bố và không hiểu thước đo đánh giá hiệu quả công tác cụ thể là gì.

Còn trong Kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM có nêu: “…việc chi trả lương, thu nhập cán bộ, giảng viên, nhân viên của Trường chưa đảm bảo sự công khai, minh bạch theo quy định pháp luật, có sự chênh lệch lớn trong việc phân phối thu nhập giữa một số ít cán bộ lãnh đạo với giảng viên, nhân viên…”.

Minh Anh

Ba bộ ngành sẽ xem xét tính hợp lý mức lương của ông Lê Vinh Danh

Ba bộ ngành sẽ xem xét tính hợp lý mức lương của ông Lê Vinh Danh

Để làm rõ mức lương cụ thể của ông Lê Vinh Danh hợp lý hay không, Bộ Nội vụ, Bộ GD-ĐTcùng Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ xem xét kỹ con số cụ thể.