- Việc biết cậu con trai duy nhất là “gay” khiến bố mẹ Minh gần sự sụp đổ hoàn toàn. Đã xa nhà từ khi còn học cấp II, nay gia đình lại càng trở nên xa lạ với chàng sinh viên 20 tuổi này.

Cú sốc "bỏ nhà theo trai"

Một sinh viên năm thứ hai là người đồng giới trong trang phục biểu diễn do mình tự thiết kế. Ảnh chỉ có tính chất minh họa. VC
Nhỏ con, tóc dài, để mái che gần kín phần trán, Minh tự nhận mình là người sôi nổi, rất dễ gần các bạn gái vì có khiếu nói năng. Hiện cậu đang là sinh viên một trường ĐH lớn tại Hà Nội.

Sinh ra trong một gia đình truyền thống bố là bộ đội, mẹ là giáo viên, Minh là biết bao hi vọng của gia đình gửi gắm vào đó.

Đã biết thương thầm, trộm nhớ người cùng giới khi còn nhỏ, Minh thực sự biết mình là “gay” sau lần quan hệ với một bạn trai hồi cuối cấp III.

Sự kiện mà cậu gọi là “bỏ nhà theo trai” chính là “cú sốc kinh hoàng” giáng vào đầu bố mẹ.

Mẹ là cô giáo dạy Văn Sử của một trường cấp II nên mắng con nhiều lắm. Bố làm quân đội nên tính tình nóng như lửa, lúc đầu mắng té tát, sau gần như im lặng.


Trong nhà chỉ còn lại cô em gái là hiểu anh hơn cả.

“Hồi đầu tiên, khi bị nói như thế, em cũng nói lại ngay, cãi lại hết. Nhưng giờ ngẫm lại, thấy chẳng qua cũng chỉ vị bố mẹ thương con, xót  quá nên mới nói như vậy. Giờ nếu bị nói em chỉ biết im lặng, nhịn cho qua tất thảy” – Minh buồn bã.

Rồi cậu nghẹn ngào: “Có lúc em cảm thấy cực kì kinh khủng, chán ghét cuộc sống, trầm uất tới mức muốn tự tử ”.

Chìa bàn tay ra, Minh chỉ những vết cứa nhằng nhịt trên tay theo phong trào Emotion (cách giải quyết nỗi buồn theo kiểu lấy dao lam rạch hình chữ E cho đau đớn thể xác hầu mong tìm được sự thanh thản trong tâm hồn - NV).


Cũng dễ hiểu, khi Minh nói cuốn sách “gối đầu giường của cậu là “Hoàng tử bé”, cuốn sách được cho là thơ mộng nhất mọi thời đại; trong đó, có những câu nói  như: “Những người lớn, chẳng bao giờ tự họ hiểu được cái gì cả, và thật là mệt cho trẻ con lúc nào cũng phải giải thích cho họ".


Xa cha mẹ từ bé để ra thị trấn thuê nhà trọ học rồi học nội trú, Minh đã dần ít cảm giác nhớ nhung gia đình. Lại thêm chuyện này khiến “cái tổ ấm bé nhỏ” cứ như xa lạ, mông lung đối với chàng sinh viên.

“Hai năm đã qua đi kể từ ngày bố mẹ biết em là “gay” và họ vẫn giữ thái độ như thế với em” - Minh cho hay.

Cô giáo chủ nhiệm - bạn vong niên - hay nói với cậu: "Mình may mắn khi có hai người con tra,i nên nếu một trong hai là “gay” thì cũng không sao. Còn em, cần phải biết thông cảm cho cha mẹ vì chỉ có em".

Như một nhà văn, Minh luôn mang theo cậu những cuốn sách hay hay những châm ngôn yêu thích. Câu thích nhất, cũng là phương châm sống của cậu: “Đừng có đọc sách qua bìa, đừng chỉ nhìn người qua vẻ bề ngoài, đừng chỉ yêu qua vài lời nói, đừng chỉ chết qua vài lần tuyệt vọng”.

Những câu chuyện “ám ảnh” tâm can chàng trai trẻ


Hai năm, kể từ khi xuống Hà Nội học, Minh từng tham gia vào tổ chức kết nối và chia sẻ thông tin ICS, làm  triển lãm mở về sự đa dạng của cuộc sống về tình yêu và giới tính nói về cộng đồng LGBT và hiện là nhóm Ước mơ tuổi trẻ (nhóm tự lực do các bạn “gay” tại Hà Nội lập ra).

Kiến thức về LGBT cũng như hiểu biết về truyền thông phòng chống HIV/AIDS của Minh vì thế cũng được nâng lên khá nhiều.

Các vấn đề mà Minh nhận được cũng khá đa dạng:

“Những câu chuyện ám ảnh thì nhiều lắm. Đa phần, các bạn tìm đến chia sẻ đều có cuộc sống vất vả, “kinh khủng”  Hầu hết đều sinh ra trong gia đình không hạnh phúc, sớm gặp chuyện bất hạnh”.

Có người, lúc mới 3 tuổi, bố mẹ bỏ đi dần, để lại con cho ông bà nội nuôi. "Ở với ông bà nội suốt từ năm 3 tuổi đến năm 18, khi vào ĐH, bạn ấy luôn mang trong lòng sự căm ghét, thù hận bố mẹ". Xuống Hà Nội, biết mình là “gay”, từng yêu một vài người nhưng sau đó sớm thất vọng. Cậu sống một mình theo kiểu tàn tệ, đày đọa, hành hạ bản thân, quan hệ tình dục với nhiều người để khỏa lấp nỗi trống vắng.

Một ngày,  khi bạn nói  quá cô đơn, muốn tìm ai đó để chia sẻ, để có thể đi cùng một đoạn đường.

"Em chỉ nói, cuộc sống luôn có những ngã rẽ. Khi là đồng tính cũng tức là em đã rẽ trái, ngược theo quy định mà những người dị tính đặt ra. Lúc đấy, em phải chấp nhận tất cả" - Minh nói với bạn.

"Nếu muốn người khác không kì thị thì trước hết, hãy đừng kì thị bản thân. Hãy mở lòng hơn với ba mẹ và học cách tha thứ", Minh đã khuyên như thế.

Một trường hợp khác, cũng 20 tuổi, gia đình toàn người thuộc dân “xã hội đen”, bố mẹ sau chia tay. Có nhiều lần cậu bị hành hạ rất ghê gớm (đến mức cậu xin không nói ra). Nhưng bạn đó rất kiên cường và hiện đang có cuộc sống và một công việc yêu thích.

Đau đớn nhất có lẽ phải là trường hợp một cậu bạn bố mất sớm, mẹ lấy cha dượng. Bạn có một người chị gái năm 15 tuổi bị cha dượng cưỡng hiếp chị ấy. Đau đớn tột cùng nhưng không thể nói với ai, ba năm sau, bạn bỏ đi, sống vật vờ vùng biên giới.

Vất vả, nhưng cậu vẫn học, thi đỗ ĐH. Xuống Hà Nội học cậu mang theo tâm trạng u uất vì không thể quay lại, sống như địa ngục, không tương lại, không quá khứ. Cậu ấy đày đọa bản thân từ theo cách rạch tay, chân... Cuộc sống với cậu chỉ toàn một màu đen, đánh giá sự việc luôn theo hướng tiêu cực, tồi tệ”.

Điều đó, theo Minh cũng “dễ hiểu vì đơn giản cuộc sống của họ cũng rất tệ rồi mà”.

Minh “khoe” rằng mình được khá nhiều bạn nữ “kết” vì tài nói năng và khá tâm lí.

Đi tuyên truyền, truyền thông phòng chống HIV/AIDS cũng khá nhiều, cậu cho biết: “Nhiều người nhầm đồng tình và chuyển giới. Họ nghĩ đồng tính phải thích mặc quần áo giống con gái, thích giả nữ, mặc đồ nữ, thích chuyển giới. Như vậy là không đúng, người đồng tính đơn giản là họ thích và muốn quan hệ với người đồng giới thôi”.

Hỏi về ước mơ sau này, Minh đáp: “Em muốn được đi nhiều nơi, muốn tìm những điều bất ngờ trong cuộc sống, có những chuyến phiêu lưu để cuộc sống không nhàm chán nữa, gặp nhiều người để hiểu đời hơn” .

Rồi giọng cậu trầm xuống, để cho tiếng nói buông lơi như tiếng chuông chùa gõ ở nơi xa vắng: “Và, tất nhiên, em cũng muốn có một tình yêu đích thực, một ai đó để chia sẻ. Nhưng chắc khó lắm anh ạ”.

  • Văn Chung