Gia đình anh Hoàng Tuấn Vũ (giáo viên một trường THCS ở quận 8, TP.HCM) phát hiện Covid-19 ghé thăm vào ngày 5/9, khi 3 người (anh Vũ, em gái và con của anh Vũ) có triệu chứng sốt, mệt mỏi.

Sáng hôm sau, 3 người ra phường test nhanh và có kết quả dương tính. Lúc này, y tế phường đến kiểm tra và đánh giá nhà anh (4 tầng) đủ điều kiện để cách ly, điều trị F0 tại nhà. Vì vậy, sau khi có kết quả dương tính, 3 thành viên trong gia đình chuyển lên tầng 2 để cách ly.

Chỉ mấy ngày sau, ngày 7/9, 4 người còn lại đều có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, bố của anh Vũ là người có bệnh nền (xơ gan). “Tôi và vợ đều được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19, những người khác đều tiêm 1 mũi. Vì vậy chúng tôi đều đón nhận tin với sự bình tĩnh”, anh nói.

{keywords}
Anh Hoàng Tuấn Vũ

Với 4 phòng trong nhà, họ chia ra để cách ly. Vợ chồng anh Vũ mỗi người sẽ ở cùng phòng với một người con (2 và 4 tuổi) để chăm sóc. Em gái anh ở 1 phòng riêng, bố mẹ anh sử dụng 1 phòng.

Anh Vũ cũng đã đặt mua các loại máy đo huyết áp, máy đo SpO2, và liên hệ nhóm bác sĩ tư vấn Covid-19 qua mạng. Qua khai thác thông tin, tình trạng, anh được bác sĩ kê đơn thuốc phù hợp với mỗi người. Đơn thuốc với 3 loại chính là kháng sinh, kháng viêm; thuốc điều trị hen, viêm thanh quản và thuốc trào ngược bao tử. Ngoài ra, họ được khuyên bổ sung thêm vitamin C.

Anh dùng máy đo SpO2 và máy đo huyết áp đo 2 lần/ngày (sáng, tối) vào khung giờ nhất định cho từng thành viên, ghi chép và báo cáo các chỉ số, tình trạng sức khoẻ như đã hết sốt, ho nhiều, tức ngực... với nhóm bác sĩ tư vấn để bác sĩ tăng, giảm liều phù hợp với mỗi cá nhân và có lời khuyên trong điều trị.

Để có thêm kiến thức về bệnh, anh xem hàng loạt video do các bác sĩ chia sẻ từ đó rút ra các kinh nghiệm cho bản thân và gia đình.

Mỗi ngày, gia đình ăn sáng, sau đó tập thể dục nhẹ nhàng. Họ cũng xông bằng thảo dược 2 lần/ngày, súc miệng với nước muối. Anh Vũ quy ước để cơm ở giữa cầu thang cho mọi người lấy, hạn chế tiếp xúc. Thực đơn được anh ưu tiên nấu đủ chất và không kiêng khem bất cứ thực phẩm nào.

Anh Vũ cũng yêu cầu các thành viên tập thở bằng cách ngồi thẳng lưng, hít sâu giữ trong 10 giây và thở ra nhẹ nhàng. Theo anh, việc tập thở để khiến phổi khỏe hơn.

Dù cả nhà dương tính với SARS-CoV-2 nhưng họ vẫn không tiếp xúc để tránh lây chéo và theo dõi lẫn nhau từng ngày. Đặc biệt, anh Vũ in 1 tờ giấy, dán tất cả các phòng. Trên tờ giấy có 3 số điện thoại. Đó là số bác sĩ tư vấn hàng ngày, số dược sĩ và số xe cấp cứu, y tế phường. Mỗi phòng cũng đều phải đảm bảo có điện thoại để sử dụng lúc nguy cấp.

Biết sự lạc quan, tinh thần thoải mái là điều kiện cần để vượt qua bệnh, họ động viên nhau bằng việc kể những tấm gương nhiều gia đình hàng xóm đã vượt qua Covid-19.

{keywords}
Gia đình anh Vũ trải qua 21 ngày chống lại Covid-19

Mỗi người trong gia đình anh Vũ đều có triệu chứng khác nhau. Anh và vợ bị mệt mỏi, khó thở, em gái anh bị nhức đầu, 2 con cũng có triệu chứng khác nhau khi 1 bé sốt, bé còn lại ho nhiều ngày.

Dù chuẩn bị kỹ càng để đối phó với dịch bệnh nhưng anh Vũ chia sẻ đó là những ngày khó khăn trong đời.

“Có lúc, tôi cảm thấy mệt mỏi, đến mức không chịu nổi. Đi cầu thang, tôi khó thở, tức ngực, đau rát trong lồng ngực, phải ngồi xuống để tập thở”, anh kể

Cũng như nhiều người mắc Covid-19 khác, anh Vũ bị mất khứu giác và vị giác. “Khi gội đầu bằng dầu gội Romano – mùi rất đặc trưng nhưng không thể ngửi được là lúc tôi biết mình bị mất khứu giác”. Những ngày sau, anh mất nốt vị giác. Khi ăn trứng luộc, anh cố tình chấm nhiều bột canh nhưng vẫn không cảm nhận được vị mặn.

Lúc đó, khu vực nơi anh sống cũng trở thành vùng đỏ. Con hẻm của anh có khoảng 35-40 gia đình và hầu hết đều có F0, chỉ khoảng 3, 4 nhà có kết quả âm tính. “Có buổi tối ra cửa, tôi nhìn thấy 2 chiếc hòm được khiêng ra ngoài, 7 bình oxy được chuyển vào để cấp cứu những ca trở nặng. Những hình ảnh đó khiến tôi khó giữ được sự bình tĩnh, lạc quan”, anh nói.

Anh cũng chia sẻ về cuộc gọi lúc nửa đêm của một cậu học trò. Mẹ em mất vì dịch bệnh, em hoảng loạn gọi cho thầy giáo chỉ để khóc. “Trong đời chưa lúc nào tôi trải qua cảm giác bất lực đến thế khi thương trò mà không thể làm gì”, anh chia sẻ thêm.

Vì vậy dù biết khi mắc bệnh tinh thần phải lạc quan nhưng đã có lúc anh Vũ rơi vào lo lắng, hoang mang. Đó là khi cơn khó thở kéo đến. Anh nghĩ đến 2 con nhỏ, bố mẹ già và em gái vừa ra trường.

“Nếu tôi nằm xuống, vợ tôi biết làm sao để lèo lái cả gia đình? Vì vậy, tôi cố gắng tập thở, ăn, uống thuốc để vượt qua. Cơ thể đang bị tấn công, ốm yếu nếu không tăng sức đề kháng, bạn có thể gục xuống bất cứ lúc nào”, anh nói.

{keywords}
Anh Vũ tham gia các hoạt động hỗ trợ cộng đồng trong mùa dịch 

Có những đêm vì mệt, không ngủ nổi, anh lại dậy. Mỗi lần như vậy, anh đều sang phòng bố mẹ và các con để kiểm tra tình hình các thành viên. “Có hôm sang phòng bố, thấy ông cũng mất ngủ vì tức ngực. Hai bố con lại dìu nhau dậy cùng tập thở”, anh nhớ lại.

Ngày 15/9, ngửi được mùi từ nồi nước xông đang sôi trên bếp, anh biết khứu giác đã quay trở lại. Ngày 19/9, anh Vũ liên hệ với phường để đăng ký test nhanh. Đúng giờ, cả nhà họ đến để xét nghiệm.

Dù sức khỏe mọi người đã ổn nhưng khi test, chỉ 2 người có kết quả âm tính còn lại vẫn dương tính với SARS-CoV-2. Ngày 26/9 gia đình anh có kết quả âm tính, kết thúc 21 ngày chiến đấu với dịch bệnh.

 “Hiện, hầu hết mọi người đều xuất hiện triệu chứng hậu Covid. Bản thân tôi và vợ khi làm các việc nặng đều bị mệt mỏi, hụt hơi”, anh chia sẻ.

Vượt qua Covid-19, anh Vũ thường chia sẻ kinh nghiệm của mình với bạn bè. Trong hẻm, có gia đình nào xuất hiện F0, anh đều chủ động liên hệ để hỗ trợ. “Không chỉ tôi, các gia đình xung quanh cũng vậy. Chúng tôi san sẻ từng bao gạo, túi rau. Thậm chí nửa đêm còn mở cửa vì một người hàng xóm sang xin viên kẹo để ngậm cho bớt ho. Đó là điều đáng quý, sau đại dịch, càng nhận thấy rõ hơn”, anh Vũ kể.

 >>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất

Ngọc Trang

Đại gia đình 14 F0 khỏi bệnh nhờ sự 'chỉ huy' qua điện thoại của người chị cả

Đại gia đình 14 F0 khỏi bệnh nhờ sự 'chỉ huy' qua điện thoại của người chị cả

Sau 1,5 tháng, đại gia đình gồm 14 F0 ở TP.HCM đã thở phào khi lần lượt nhìn thấy “một vạch” trên que test nhanh. Các thành viên an toàn sau đại dịch nhờ sự kết nối của người chị cả với một bác sĩ cách họ hàng nghìn km.