Theo quy định của pháp luật, cổ đông yêu cầu có quyền kháng cáo trong thời hạn 7 ngày lên cấp phúc thẩm (TAND TP Hà nội). Theo quyết định của TAND quận Đống Đa đình chỉ giải quyết yêu cầu của cổ đông, HĐQT mới của Vinaconex sẽ hoạt động trở lại và chờ phán quyết cuối cùng của tòa cấp phúc thẩm trong trường hợp nguyên đơn có kháng cáo.
Theo quyết định của TAND quận Đống Đa, quá trình xem xét đơn yêu cầu của các cổ đông khởi kiện là Công ty Cường Vũ và Công ty Star Invest, TAND quận Đống Đa đã xác minh tỷ lệ cổ phần sở hữu của các cổ đông cũng như thời gian sở hữu cổ phần làm cơ sở xác định quyền khởi kiện của các cổ đông khởi kiện.
Theo phản hồi của Trung tâm lưu ký chứng khoán gửi Tòa án về việc sở hữu cổ phần thì hai cổ đông này nắm giữ cổ phần phổ thông của Vinaconex chưa đủ thời gian liên tục từ 6 tháng trở lên. Nên, theo quy định tại Điều 114, các cổ đông này không được quyền khởi kiện yêu cầu hủy nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông Vinaconex.
Vì lý do này, TAND quận Đống Đa đã ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu hủy Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông đã thụ lý trước đó.
Cùng ngày, TAND quận Đống Đa cũng ban hành quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đã ban hành ngày 27/3/2019 do Tòa đã đình chỉ giải quyết vụ việc nêu trên.
Với việc đình chỉ vụ kiện, nghị quyết này được thực hiện trở lại và các thành viên HĐQT, Ban kiểm soát mới được bầu tiếp tục được thực hiện nhiệm vụ theo chức danh được bầu tại phiên họp bất thường ngày 11/1/2019.
Theo Luật sư Trần Việt Hùng, nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông có hiệu lực, trừ trường hợp bị tòa án hủy bỏ. Trường hợp tòa án không hủy thì nghị quyết này có hiệu lực, kể cả trường hợp quyết định của tòa cấp sơ thẩm bị kháng cáo để giải quyết ở cấp phúc thẩm. Như vậy, trường hợp các cổ đông yêu cầu có kháng cáo thì việc xem xét hủy nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông Vinaconex sẽ được tiến hành ở TAND TP Hà nội và việc có áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hay không là do toà phúc thẩm quyết định.
Việc TAND quận Đống Đa đình chỉ giải quyết vụ án sẽ khôi phục hoạt động của HĐQT và các quyết định do bộ máy quản lý này ban hành sẽ tiếp tục được thực hiện. Đó là điều mà nhiều cổ đông lo lắng là Chủ tịch và Tổng giám đốc được tăng quyền một cách mạnh mẽ so với trước khi SCIC và Viettel còn làm chủ Vinaconex.
Theo quy định của Điều 114, cổ đông hoặc nhóm cổ đông nắm giữ ít nhất 10% cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục từ 6 tháng trở lên mới được khởi kiện hủy nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông. Đây là lý do mà Cường Vũ và Star Invest chưa đáp ứng được nên bị dừng vụ kiện.
Trong khi đó, các cổ đông lại cho rằng, cũng chính Điều 114 quy định, cổ đông nắm giữ trên 6 tháng như trên mới được yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông. Nếu như tế, cổ đông An Quý Hưng không đáp ứng được điều kiện nắm giữ cổ phần liên tục 6 tháng này.
Thế nhưng, phiên họp Đại hội đồng cổ đông ngày 11/1/2019 được HĐQT triệu tập theo yêu cầu của cổ đông An Quý Hưng. Nếu như thế, phiên họp bất thường của Đại hội đồng cổ đông Vinaconex có hợp pháp và những thành viên HĐQT được bầu qua đại hội liệu có hợp pháp?. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là một khi mâu thuẫn nội bộ giữa các cổ đông lớn chưa được giải quyết về quản trị, điều hành công ty thì tương lai Vinaconex sẽ đi về đâu?
Những bất đồng giữa hai nhóm cổ đông lớn của Vinaconex chỉ có thể được giải quyết nếu các bên đạt được sự thống nhất trong quản trị, điều hành. Trong quá trình xem xét ở toà án, các bên bày tỏ thiện chí xây dựng công ty và tiếp tục trao đổi để thống nhất các nội dung liên quan công tác quản trị. Phía nguyên đơn cho biết sẽ tiếp tục theo đuổi các giải pháp để các bên đạt được sự thống nhất, đảm bảo hoạt động quản trị Vinaconex theo quy định và thông lệ tốt nhất.
(Theo Pháp luật Việt Nam)