Công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội là một trong những nội dung quan trọng của công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội, nhằm góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ và các đối tượng chính sách,... tạo động lực to lớn để xây dựng Quân đội vững mạnh toàn diện, củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nhận thức rõ điều đó và trên cơ sở quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội, những năm qua, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp đối với nhiệm vụ quan trọng này, đạt nhiều kết quả thiết thực.
Nổi bật là, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng đã chủ động bám sát thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, yêu cầu bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ của Quân đội, phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản về chính sách đối với Quân đội, hậu phương Quân đội và người có công với cách mạng. Các chế độ, chính sách đối với quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng tại ngũ; chính sách thôi phục vụ tại ngũ, xuất ngũ; chính sách về tiền lương, phụ cấp, trợ cấp trong Quân đội; chế độ, chính sách đối với lực lượng mới thành lập, làm nhiệm vụ đặc thù, lực lượng làm nhiệm vụ trên địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo,... được ban hành kịp thời, triển khai chặt chẽ, góp phần quan trọng trong xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh. Những tồn đọng chính sách sau chiến tranh đã được giải quyết một cách cơ bản, với khối lượng lớn, tạo hiệu ứng tốt trong ổn định tình hình chính trị - xã hội. Công tác tìm kiếm, cất bốc, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ thiếu thông tin được thực hiện đồng bộ, quyết liệt và đạt hiệu quả cao, góp phần xoa dịu những mất mát và nỗi đau chiến tranh, v.v.
Bên cạnh đó, ngành Chính sách Quân đội đã tích cực nghiên cứu, tham mưu giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị toàn quân thực hiện tốt chính sách xã hội trong Quân đội; chính sách đối với người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh cần chữa trị dài ngày và các trường hợp hiếm muộn, vô sinh. Đồng thời, thực hiện tốt chính sách hậu phương Quân đội, nhất là các chế độ, chính sách đối với gia đình quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng tại ngũ; hỗ trợ gia đình các đối tượng làm nhiệm vụ nơi khó khăn, gian khổ, gia đình có quân nhân hy sinh, bị thương và tuyển dụng, giải quyết việc làm cho con thương binh nặng, vợ, con liệt sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc người có công, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; vận động đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; hỗ trợ thân nhân các liệt sĩ đang công tác trong Quân đội, các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công; vận động xây tặng Nhà tình nghĩa; tặng sổ tiết kiệm cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, v.v.
Đại tướng Phan Văn Giang thăm, tặng quà người có công tại Thái Nguyên. Ảnh: qdnd.vn |
Với tinh thần trách nhiệm cao, nghĩa tình đồng đội sâu sắc và trên cơ sở thấm nhuần truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, từ năm 2016 đến nay, các cơ quan, đơn vị toàn quân đã thẩm định, đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng cấp Bằng Tổ quốc ghi công 513 trường hợp; ra quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh, bệnh binh đối với 7.453 trường hợp; rà soát, hoàn thiện hơn 900.000 hồ sơ danh sách liệt sĩ phục vụ công tác xác minh, kết luận địa bàn, lập bản đồ tìm kiếm, quy tập; thực hiện tìm kiếm, quy tập 10.866 hài cốt liệt sĩ. Trong thực hiện chính sách hậu phương Quân đội, toàn quân đã trợ cấp khó khăn đột xuất cho 149.144 lượt đối tượng, giải quyết chính sách cho 2.324 đối tượng là quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng; hỗ trợ cho hàng trăm người hiếm muộn vô sinh; xây dựng 4.784 Nhà tình nghĩa và trao 3.558 sổ tiết kiệm tặng đối tượng chính sách; tuyển dụng, tạo việc làm cho 1.097 người là con thương binh nặng và vợ, con liệt sĩ hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; nhận phụng dưỡng 2.867 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng,... với tổng giá trị lên đến hàng nghìn tỉ đồng, v.v. Những việc làm đó đã thiết thực góp phần động viên về vật chất, tinh thần đối với quân nhân, gia đình quân nhân và các đối tượng chính sách, tạo động lực, niềm tin trong xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, công tác chính sách đối với Quân đội, hậu phương Quân đội và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” thời gian qua vẫn còn những hạn chế, bất cập. Đó là công tác tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách, nhất là những chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự sâu, rộng và hiệu quả. Trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong nghiên cứu, tham mưu, đề xuất và kiểm tra đôn đốc việc thực hiện chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội có nội dung còn hạn chế, chưa huy động được nhiều nguồn lực trong xã hội cùng tham gia. Việc chăm sóc, hỗ trợ người có công, người tham gia kháng chiến, người có hoàn cảnh khó khăn và gia đình cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, biển, đảo,... có nội dung chưa thực sự thiết thực, hiệu quả chưa cao, v.v.
Thời gian tới, trước yêu cầu cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là yêu cầu, nhiệm vụ điều chỉnh tổ chức lực lượng, xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh tạo nền tảng vững chắc để xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đòi hỏi công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội phải có nhiều chủ trương, giải pháp quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả; trong đó, cần chú trọng vào một số nội dung cơ bản sau:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội. Đây là nội dung quan trọng, quyết định đến phương hướng, chất lượng, hiệu quả việc thực hiện chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội trong tình hình mới. Đặc biệt, các chế độ, chính sách này không chỉ mang tính xã hội và nhân văn sâu sắc, mà còn thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa. Vì thế, cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cùng các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đối với công tác quan trọng này. Trên cơ sở đó, đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo, xây dựng kế hoạch thực hiện chính sách đối với Quân đội, hậu phương Quân đội và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, bảo đảm khoa học, phù hợp với thực tiễn của đất nước, Quân đội và đặc điểm của cơ quan, đơn vị, địa phương. Thấm nhuần tư tưởng truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, toàn quân cần tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là cấp ủy, người chỉ huy các cấp về công tác chính sách đối với Quân đội, hậu phương Quân đội và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Qua đó, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, sự thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, nhằm làm cho chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quân đội được thực hiện đầy đủ, đúng đắn và đạt hiệu quả thiết thực. Tích cực thông tin, tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, kết quả thực hiện công tác chính sách đối với Quân đội, hậu phương Quân đội; những thuận lợi, khó khăn của đất nước, Quân đội, đơn vị, địa phương; truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Quá trình thực hiện, cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, biện pháp, phù hợp với thực tiễn và đối tượng; phát huy vai trò của các tổ chức, lực lượng, phương tiện truyền thông và thiết chế văn hóa ở đơn vị,… để tuyên truyền, định hướng dư luận, giải đáp chế độ, chính sách. Các cơ quan thông tấn, báo chí Quân đội phối hợp với các cơ quan báo, đài Trung ương, địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân và hệ thống chính trị tham gia thực hiện, chuyển tải đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách đến các đối tượng và nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong triển khai tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội. Công tác chính sách nói chung, các chế độ, chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội nói riêng là nội dung rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến đời sống, tâm tư, tình cảm,... của cán bộ, chiến sĩ và hậu phương, gia đình quân nhân, nên cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, chặt chẽ, kịp thời. Vì thế, cấp ủy, tổ chức đảng và người chỉ huy các cấp phải coi công tác này là một nhiệm vụ trọng tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường kiểm tra và đôn đốc thực hiện. Để thực hiện tốt vấn đề này, đòi hỏi cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên, cán bộ chính sách các cấp cần quán triệt, thực hiện tốt Chỉ thị số 169-CT/QUTW, ngày 29/12/2020 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội, giai đoạn 2021 - 2025. Trên cơ sở đó, chủ động xây dựng các giải pháp thực hiện phù hợp với đặc điểm của từng đơn vị, địa phương; gắn công tác chính sách với thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, công tác dân vận và xây dựng cơ sở chính trị trên từng địa bàn. Trong tình hình hiện nay, cùng với thực hiện tốt chế độ, chính sách đã ban hành, cần coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo việc nghiên cứu, đề xuất các chế độ chính sách phù hợp với thực tiễn của từng đối tượng, nhất là đối với các lực lượng mới thành lập, làm nhiệm vụ đặc thù. Đồng thời, phải phát huy vai trò của từng cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy trong định hướng, chỉ đạo, quản lý, điều hành, hướng dẫn và triển khai thực hiện chính sách hậu phương Quân đội trong điều kiện mới. Đặc biệt, trước yêu cầu cao của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và trên cơ sở quán triệt, thống nhất nhận thức và hành động, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần đề cao trách nhiệm, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, sát thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý rộng rãi, vững chắc để huy động lực lượng, nguồn lực cả ở trong và ngoài Quân đội thực hiện công tác chính sách.
Cùng với đó, cần tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát thực hiện công tác chính sách; trong đó, tập trung vào những vấn đề về nhận thức, trách nhiệm, năng lực tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, phương pháp, tác phong công tác của cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chính sách và cán bộ chính sách; việc chấp hành các quy định, nguyên tắc, thủ tục, quy trình, v.v. Việc kiểm tra, thanh tra phải có nền nếp, giữ vững nguyên tắc, bám sát cơ sở, kết hợp kiểm tra, thanh tra thường xuyên, định kỳ với đột xuất, giữa các cơ quan chuyên môn trong và ngoài Quân đội. Kiên quyết xử lý nghiêm các vụ việc tiêu cực, giải quyết dứt điểm khiếu nại của các đối tượng chính sách, không để tích tụ, kéo dài, ảnh hưởng xấu đến truyền thống của đơn vị và Quân đội, mối quan hệ đoàn kết nội bộ các đơn vị, địa phương và niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Ba là, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm, chăm lo, thực hiện ngày càng tốt hơn chính sách đối với Quân đội, hậu phương Quân đội. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, các cơ quan, đơn vị cần nêu cao trách nhiệm chính trị, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành của hệ thống chính trị, không ngừng chăm lo, bảo đảm ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng được thụ hưởng, tạo động lực quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trước mắt, cần chú trọng phát huy sức mạnh tổng hợp, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội trong thực hiện chính sách hậu phương Quân đội, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; quan tâm chăm sóc người có công, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, v.v. Thường xuyên bám sát tình hình thực tiễn của đất nước, của Quân đội, cũng như khả năng, điều kiện của từng cơ quan, đơn vị để phối hợp với các tổ chức, lực lượng, địa phương trong xác định nội dung, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các biện pháp, các mô hình hay trong tổ chức thực hiện công tác quan trọng này. Về lâu dài, cần chủ động phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước sớm ban hành cơ chế phối hợp phù hợp, bảo đảm phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm, tính chủ động, tích cực của các cấp, ngành, lực lượng, địa phương, sự đồng thuận của toàn xã hội trong thực hiện chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội. Tiếp tục thực hiện tốt các cuộc vận động toàn dân tham gia chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên từng địa bàn và cả nước. Chủ động phối hợp thực hiện có hiệu quả các chương trình, cuộc vận động của Trung ương, địa phương về xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, chung tay vì sức khỏe cộng đồng, Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới,... tạo sức lan tỏa, hiệu ứng tích cực trong thực hiện chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội ở từng địa phương, cơ sở.
Trong quá trình thực hiện, các cơ quan, đơn vị thường xuyên phối hợp chặt chẽ, giải quyết tốt mối quan hệ công tác, tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo; đổi mới mạnh mẽ việc phân cấp, phân công và tổ chức thực hiện công tác chính sách, bảo đảm hiệu quả, thiết thực.
Bốn là, tập trung giải quyết các tồn đọng về chính sách sau các cuộc chiến tranh. Các cơ quan chức năng, nhất là Cục Chính sách/Tổng cục Chính trị cần tăng cường phối hợp, chỉ đạo xác minh, kết luận, xem xét giải quyết chính sách đối với các trường hợp đề nghị báo tử liệt sĩ, xác lập hồ sơ đề nghị xác nhận thương binh diện tồn đọng, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật hiện hành. Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 1515/QĐ-TTg, ngày 14/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Kế hoạch tìm kiếm hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin đến năm 2030 và những năm tiếp theo”. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, trọng tâm là địa bàn trong nước; tập trung rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về liệt sĩ; kết luận địa bàn, lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên phạm vi toàn quốc. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ; đồng thời, mở rộng hợp tác quốc tế nhằm trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến bộ đội Việt Nam hy sinh, mất tích trong chiến tranh, phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Tiếp tục rà soát, thẩm định và giải quyết chế độ, chính sách đối với người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; chính sách đối với người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài, v.v.
Năm là, tích cực nghiên cứu, hoàn thiện, ban hành chính sách gắn với chăm lo xây dựng cơ quan và đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành Chính sách Quân đội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Hiện nay, trước yêu cầu cao của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ xây dựng Quân đội có sự phát triển mới, đòi hỏi phải tích cực nghiên cứu, ban hành các chính sách mới, đáp ứng yêu cầu phát triển của thực tiễn. Theo đó, các cơ quan chức năng của Bộ cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các chế độ, chính sách phục vụ quá trình điều chỉnh tổ chức lực lượng, xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh theo Nghị quyết số 05-CT/TW, ngày 17/01/2022, của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 230-NQ/QUTW, ngày 02/4/2022, của Quân ủy Trung ương về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo. Trong đó, tích cực nghiên cứu, đề xuất chế độ phụ cấp đặc thù đối với các lực lượng thành lập mới, lực lượng làm nhiệm vụ đặc biệt, đặc thù, lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và lực lượng làm nhiệm vụ ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo,... cùng những chính sách đối với hậu phương của họ.
Trong quá trình thực hiện, cần bám sát quan điểm, chủ trương của Đảng; điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước; tình hình nhiệm vụ Quân đội, đặc điểm của các đối tượng để nghiên cứu, xây dựng các chế độ, chính sách cho phù hợp. Kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu, đề xuất chế độ, chính sách mới với sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chế độ, chính sách đã ban hành. Trọng tâm là đổi mới chính sách đối với gia đình cán bộ, chiến sĩ tại ngũ, tập trung hoàn thiện và nâng cao chất lượng thực hiện các chế độ về chăm sóc sức khỏe cho thân nhân; cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực cho gia đình cán bộ, chiến sĩ tại ngũ giải quyết việc làm và thu nhập, từng bước tham gia các dự án về nhà ở cho gia đình sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về nhà ở và tính chất đặc thù của Quân đội, gắn liền với phát triển mạnh hơn nữa hệ thống nhà công vụ.
Cùng với đó, cần thường xuyên củng cố, kiện toàn cơ quan chính sách các cấp; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành Chính sách Quân đội có phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên môn tốt đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, chuẩn hóa quy trình công tác, nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện. Đồng thời, thực hiện tốt công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm; kịp thời nắm và giải quyết những vướng mắc, phát sinh; xử lý nghiêm hiện tượng tiêu cực trong công tác này.
Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ là dịp để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tôn vinh, tri ân những cống hiến, hy sinh to lớn của các anh hùng, liệt sĩ, người có công trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên cơ sở đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội trong tình hình mới một cách thiết thực, hiệu quả, tạo động lực tinh thần xã hội to lớn, động viên mọi cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia vào các phong trào hành động cách mạng, góp phần tạo sức mạnh tổng hợp, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.
Thượng tướng VÕ MINH LƯƠNG, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng