Với rất nhiều người châu Âu, phản ứng dữ dội của Washington về việc WikiLeaks cung cấp hàng loạt điện tín ngoại giao mật đã thể hiện nỗi ám ảnh, tính ngạo mạn và thói đạo đức giả.


Nó cũng cho thấy nỗi ám ảnh hậu 11/9 với những bí mật đi ngược lại các nguyên tắc của Mỹ.

Trong khi chính quyền Obama không làm gì ở tòa án để ngăn chặn việc xuất bản bất cứ tài liệu rò rỉ nào, thì họ lại cố gắng kết tội nhà sáng lập ra WikiLeaks, Julian Assange.

Báo chí ở châu Âu đều lên tiếng chỉ trích việc các quan chức và chính khách Mỹ gọi vụ rò rỉ tài liệu với mọi “mỹ từ”, từ “khủng bố” (hạ nghị sĩ Peter T. King của đảng Cộng hòa) tới “tấn công chống lại cộng đồng quốc tế" (Ngoại trưởng Hillary Rodham Clinton). Thậm chí, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates còn coi vụ bắt giữ Assange là “tin tức tốt lành”. Sarah Palin thì gọi Assange “chống Mỹ với bàn tay đẫm máu” còn Mike Huckabee, cựu Thống đốc Arkansas và ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa còn khẳng định, bất cứ ai rò rỉ các bức điện tín cần bị xử tử.

Với Seumas Milne của báo Guardian tại London - tờ báo cũng giống như New York Times đã đăng tải tài liệu mật từ WikiLeaks, phản ứng của Mỹ chỉ gây ra sự rối loạn. Ông nhấn mạnh, phần lớn tài liệu rò rỉ là các bức điện tín ngoại giao cấp thấp, và kết luận: “Tự do thông tin, nhất là ở trên mảnh đất của tự do bị xâm phạm”.

John Naughton, nhà báo cộng sự của Milne cũng phàn nàn về các cuộc tấn công không che đậy vào Internet, áp lực với các công ty như Amazon và eBay để ngừng hợp tác với WikiLeaks. “Đó là sự mỉa mai với cái gọi là tự do, dân chủ khi mọi biện pháp được thực hiện để đóng cửa WikiLeaks”.

Theo ông, một năm trước, bà Clinton đã có bài phát biểu dài về tự do Internet, khi đề cập tới vụ Google tại Trung Quốc. Bà nói: “Mạng lưới thông tin sẽ giúp con người phát hiện ra những sự thực mới và khiến cho các chính phủ có trách nhiệm hơn”. Với ông Naughton giờ đây thì: “phát biểu của bà Clinton giống như trò nhạo báng”.

Người Nga tỏ thái độ rõ ràng với phản ứng mà họ cho là quá mức của Washington với vụ rò rỉ điện tín mật, cho rằng người Mỹ đạo đức giả. “Nếu họ thực sự dân chủ như đã nói, tại sao phải bắt giam Assange? Họ gọi đó là dân chủ ư?”, Thủ tướng Nga Vladimir Putin nói trong cuộc trao đổi ngắn với Thủ tướng Pháp François Fillon.

Nhà sáng lập WikiLeaks giờ đây đang bị giam giữ tại Anh trong khi Thụy Điển muốn dẫn độ ông với cáo buộc hiếp dâm.

Ông Putin còn ví von: “Ở làng quê Nga, họ nói bò của một số người có thể rống nhưng bò của bạn thì không. Tôi muốn sút trả quả bóng này về phía người Mỹ".


Báo chí châu Âu cho rằng qua vụ Wikileaks, Mỹ đã phản bội lại một trong những nguyên tắc của mình: tự do thông tin - Ảnh arabnews


Các báo Đức cũng có động thái tương tự. Thậm chí Thời báo Tài chính còn nói rằng: “Danh tiếng đã bị phá hỏng của Mỹ sẽ chỉ thêm tả tơi với hình tượng chiến binh tử vì đạo mới của Assange”. Tờ báo nhất mạnh: “Hy vọng công khai của chính phủ Mỹ là cùng với Assange, WikiLeaks sẽ biến mất, đó là một vấn đề”.

Báo Berliner Zeitung viết rằng, danh tiếng của Washington đã bị phá hỏng vì vụ rò rỉ, nhưng danh tiếng của các nhà lãnh đạo Mỹ “bị phá hỏng nhiều hơn khi họ nỗ lực - bằng mọi cách - để bịt miệng WikiLeaks”, và Assange. Tờ báo nhấn mạnh, họ là người đầu tiên “sử dụng quyền lực của Internet để chống lại Mỹ. Và đó là lý do vì sao họ bị truy đuổi tàn nhẫn. Đó là lý do vì sao chính phủ phản bội một trong những nguyên tắc dân chủ”.

Berliner Zeitung tiếp tục: “Mỹ đã phản bội lại một trong những nguyên tắc của mình: tự do thông tin. Và họ đang làm điều đó, vì đây là lần đầu tiên kể từ khi chiến tranh lạnh chấm dứt, họ bị đe dọa bởi mất kiểm soát thông tin trên cả thế giới”.

Nicole Bacharan, học giả nghiên cứu Mỹ tại Học viện Chính trị Pháp cho hay, tại Pháp “có sự đối lập giữa những người coi ngoại giao Mỹ là hiệu quả và thấu hiểu thế giới cũng như có ảnh hưởng tích cực và những người ngờ vực vào những mục tiêu ngoại giao”.

Quan chức Nga thậm chí còn coi sự lúng túng của Mỹ trong vụ WikiLeaks là trò vui, khi một số người cho rằng, có lẽ Assange nên được trao giải Nobel Hòa bình.


  • Thụy Phương (Theo Nytimes)