- Đọc loạt bài tranh luận chuyện đi ăn chia tiền hay để đàn ông trả tiền, tôi rất đồng tình với ý kiến của bạn Vân Thùy trong bài viết: “Một số người Việt cứ đến lúc trả tiền là đi vệ sinh”.
Từ xưa đến nay, người Việt chúng ta thường có tư tưởng “đi với phụ nữ, đàn ông phải là người trả tiền”. Chính vì thế, tôi đã từng chứng kiến nhiều gã đàn ông bị biến thành trò hề. Họ lâm vào hoàn cảnh dở khóc dở cười. Có người nhìn vào tờ hóa đơn, không biết xử lý ra sao nên đành phải tặc lưỡi biến mình thành một người “biến hình”, giả vờ đi vệ sinh, giả vờ nghe điện thoại rồi về mất.
Tôi có anh bạn tên Minh, bình thường cư xử với người thân, bạn bè rất tốt. Tuy nhiên, Minh có một hoàn cảnh khó khăn. Bố mẹ mất sớm, một mình nuôi hai đứa em nhỏ. 27 tuổi, Minh mới dám quen và ngỏ lời yêu với một cô gái làm ở công ty đối tác.
Cô gái này trẻ, đẹp, ăn mặc sành điệu và có vẻ là người xuất thân giàu có. Một bữa, Minh mời bạn gái đi ăn trưa. Dự định ban đầu của Minh là đón bạn gái đi ăn gì đó thật nhẹ nhàng, chủ yếu là để gặp người yêu cho thỏa nỗi nhớ. Tuy nhiên, vừa đón được bạn gái ở công ty thì hai người bị nhóm bạn cả chục người cùng phòng của người yêu chặn lại, đòi đi cùng.
Tiếp đến, họ không cho Minh có cơ hội từ chối mà chủ động chọn nhà hàng rồi chủ động gọi đồ ăn. Hàng chục món ăn được lần lượt mang ra … Minh nhẩm tính và toát mồ hôi hột vì trong túi chỉ có 600 - 700 ngàn.
Không biết phải làm thế nào để giải quyết ổn thỏa bữa ăn này, Minh ngồi cười méo xệch rồi điện thoại cầu cứu bạn. Tuy nhiên, chẳng có ai giúp Minh. Cuối cùng, Minh điện cho tôi và tôi đã phải phóng xe 7km để mang cho anh mượn 5 triệu đồng.
Sau vụ đó, Minh “xin chừa”, không bao giờ dám đón bạn gái ở công ty, cũng không bao giờ đi chơi với bạn gái mà trong túi không có vài triệu đồng.
Ảnh: Rantnow |
Tuy nhiên, vụ việc của Minh chưa phải vụ đặc biệt. Có lần, Minh kể cho tôi, ở công ty của Minh còn có anh bạn, rủ bạn gái mới quen đi ăn đồ nướng nhưng bạn gái cũng kéo theo các cô bạn cùng phòng đi cùng.
Ngồi ăn, các cô đều ra sức gọi món. Bia bọt được bật tứ tung. Chàng trai sốt ruột nhưng giữ ý nên không nỡ ngăn cản các em. Thỉnh thoảng anh lấy lý do đi vệ sinh, nghe điện thoại để có thời gian nghĩ cách giải quyết. Thế nhưng, sau 5 lần bảy lượt đi lại vẫn không nghĩ ra cách gì hay, anh đành đánh bài… chuồn, để mặc các cô tự chia tiền trả hóa đơn. Tất nhiên, sau vụ đó, vì ngượng, anh ta cũng không tìm gặp cô bạn gái nữa.
Một trường hợp khác, chàng trai không gặp vấn đề với các cô bạn của người yêu. Tuy nhiên, vấn đề của anh ta lại nằm ở chính người bạn gái của mình.
Thấy người yêu làm ngân hàng, lại có nhà Hà Nội gốc nên lần nào hẹn hò, cô gái cũng đề nghị đi ăn ở những nhà hàng sang trọng. Hóa đơn cho mỗi bữa ăn đều tốn hàng triệu đồng và anh chàng phải trả hoàn toàn. Ròng rã như vậy 4 tháng, chàng trai đành phải nói lời chia tay với bạn gái xinh đẹp vì không có đủ kinh phí cho các cuộc hẹn hò…
Tôi nghĩ rằng, trong tất cả các trường hợp trên, tất cả các cô gái đều đã đi làm, có tiền và chắc chắn, họ không nghèo đến mức không tự trả tiền cho phần ăn của mình. Thế nhưng, chính vì quan niệm, đi với phụ nữ, đàn ông đương nhiên phải trả tiền nên dù nhận ra nụ cười méo xệch của cánh đàn ông, họ vẫn thản nhiên, ăn, nói, cười và lấy làm vui vẻ.
Tôi thì cho rằng, việc để đàn ông phải trả tất cả các hóa đơn khi đi ăn là một cách không văn minh cho lắm. Phụ nữ chúng ta ngày nay rất mạnh mẽ, rất độc lập, cớ gì biến mình thành kẻ đào mỏ, phụ thuộc đàn ông?
Một số người Việt cứ đến lúc trả tiền là 'đi vệ sinh'
Vì không dám sòng phẳng “của em em trả, của anh anh trả” nên không ít người né tránh việc trả tiền bằng cách giả vờ đi vệ sinh, nghe điện thoại hoặc quên ví ở nhà.
Vì sao các cặp đôi Mỹ đi ăn thường 'tiền ai người ấy trả'?
Người Mỹ rất sòng phẳng trong chuyện tiền nong nên dù có đang yêu nhau, đi ăn cùng nhau thì vẫn cứ “của ai người ấy trả”.
Đi ăn tự trả tiền thì có người yêu để làm gì?
Có người yêu là để được chiều chuộng những lúc đi ăn, đi chơi, nếu chia hoá đơn tiền ai người ấy trả thì chả khác gì người dưng nước lã!
Lê Ngọc (Hà Nội)