Tôi biết đến Tokyo thu nhỏ của Sài Gòn nhờ thầy giáo Koda Minoru. Vợ chồng ông vốn là dân văn phòng chính hiệu kiểu Nhật, sống ở đây hơn bảy năm, lấy công việc dạy ngôn ngữ miễn phí làm niềm vui.
Để chuẩn bị cho cuộc sống lúc về hưu, ông bà đã đi khắp Đông Nam Á và quyết định dừng lại ở Sài Gòn. Cũng như nhiều người Nhật khác, ông Koda Minoru và vợ chọn Sài Gòn để định cư đơn giản vì thời tiết khá đẹp và thức ăn hợp khẩu vị. Koda Minoru thích phố Nhật ở Sài Gòn vì nơi đây không bị co cụm dành riêng cho người Nhật. Cả khu phố là một sự hòa hợp Việt - Nhật khiến Koda Minoru vừa cảm thấy như được ở nhà vừa được giao lưu, được sống cùng người bản địa.
Những lần đến tìm thầy Koda Minoru, tôi có dịp khám phá khu phố đặc biệt này. Từ sáng đến khuya, khu vực đầu đường Lê Thánh Tôn kéo dài từ Tôn Đức Thắng đến Thi Sách luôn nhộn nhịp bởi lượng người Nhật (mà tôi trộm nghĩ không biết ở đâu ra lắm thế) đổ về. Nếu lướt nhanh qua con đường, có lẽ bạn chỉ kịp bị thu hút bởi một loạt quán xá san sát nhau với biển hiệu chữ Nhật, chữ Việt cùng hình ảnh đặc trưng của xứ hoa anh đào.
Thật ra, nếu có dịp lang thang nơi này, bạn mới biết rằng tiểu Tokyo này còn có những siêu thị, cửa hàng chuyên cung cấp mọi sản phẩm từ quê nhà để phục vụ người Nhật sinh sống tại Sài Gòn hay những hội quán đặc trưng văn hóa xứ sở mặt trời mọc. Không chỉ là nơi tập trung quán xá, tiểu Tokyo này còn là nơi định cư lâu dài của nhiều người Nhật vì ngay trung tâm, tiện lợi cùng hàng loạt dịch vụ chuyên phục vụ người Nhật chỉ cách nhau vài bước chân. Đây chính là nơi khởi đầu của hầu hết người Nhật khi quyết định gắn kết với TP. Sau một thời gian, khi đã quen với sự khác biệt giữa Nhật Bản và TP.HCM, họ mới bắt đầu di chuyển vào những khu dân cư nhiều người bản địa hơn như Phú Mỹ Hưng, hẻm 18A Nguyễn Thị Minh Khai, đường Nguyễn Đình Chiểu gần khu Vườn Chuối...
Tuy là một nơi tập trung nhiều người nước ngoài, Tokyo thu nhỏ lại rất khác với không khí của phố Tây, phố Hàn. Đông đúc đó, nhộn nhịp đó, nhưng không ồn ào, không gây khó chịu. Đó chính là tính cách của người Nhật, năng động nhưng không phô trương. Mọi thứ ở phố Nhật cứ nhẹ nhàng, “chất” Nhật cứ như khép nép, lặng lẽ hòa vào “chất” Sài Gòn. Có ồn ào chăng là dòng xe hối hả chạy suốt đêm ngày trên con đường mạch sống nối cửa ngõ vào khu trung tâm. Rẽ vào những con hẻm, vẫn là hàng quán đủ kiểu dày đặc, từng tốp người ra vô đông đúc nhưng mọi thứ luôn chừng mực, lặng lẽ. Những cánh cửa kéo ngang đặc trưng, không gian kín đáo tách biệt với bên ngoài. Từ trong hẻm, những phụ nữ Nhật đẩy xe nôi chậm rãi đi quanh các cửa hàng mua sắm.
Thỉnh thoảng, bạn còn có thể thấy những phụ nữ Nhật rạng ngời trong tà áo dài, thật duyên. Mà phụ nữ Nhật yêu áo dài Việt đáo để. Sống ở Sài Gòn, họ sắm một - hai bộ áo dài để… khoe mình mặc đẹp không kém gì người bản địa. Một cách để hòa nhập khéo léo. Dân Sài Gòn cũng bắt đầu tụ tập về đây để khám phá nét đẹp văn hóa mà người Nhật mang đến, để khám phá ẩm thực, thưởng thức những tô mì ramen đúng chất hay loại pizza độc đáo mang hương vị Nhật Bản. Mà không dễ đâu nhé, phải đặt bàn từ nhiều ngày trước bạn mới có thể được tiếp đón vì thực khách xếp hàng dài đấy.
Lang thang ở đây, chỉ cần tinh ý một chút, bạn sẽ thấy sự khác biệt. Quán Nhật không có nhu cầu sử dụng vỉa hè hay lòng hẻm để kê thêm bàn, kéo thêm khách. Đây chính là văn hóa kinh doanh của người Nhật, không muốn gây phiền hà và muốn mọi thứ xung quanh cũng được đẹp như quán của mình. Chính nhờ triết lý kinh doanh ấy, lòng hẻm của đường Lê Thánh Tôn cứ rộng rãi và sạch sẽ dù nhu cầu kinh doanh, mua bán nơi đây vẫn tăng lên không ngừng. Tuy nổi tiếng là khu tập trung “ăn chơi” của người Nhật nhưng nơi đây lại khá “lành tính” như cách ví von của người dân lâu năm.
Khi có chút rượu, người Nhật cười vui to tiếng một chút lúc đưa nhau ra về, nhưng chỉ một chút thôi nhé, rồi hết. Người Nhật không bỏ rác bừa bãi. Minami Hiroya, anh bạn người Nhật coi Sài Gòn như quê hương thứ hai cho biết, nhập gia thì dĩ nhiên phải tùy tục, nhưng người Nhật còn biết uốn nắn mọi thứ theo cách của mình. Quán nào không sạch sẽ, bỏ quên những thứ xung quanh thì chúng tôi không ủng hộ nữa. Minami Hiroya làm tôi nhớ đến Oshima Mitutere, quản lý một viện tạo mẫu tóc trên đường Trương Định, Q.3, ngày ngày cùng nhân viên đi nhặt rác ở những tuyến đường xung quanh nơi kinh doanh. Câu chuyện có thật này khiến người Sài Gòn phải suy nghĩ, liệu mình đã yêu mảnh đất này bằng Oshima Mitutere? Có đủ sức làm những điều nhỏ nhặt thôi nhưng rất cần thiết cho đô thị này?
Ẩm thực Nhật Bản cũng nhanh chóng chinh phục dân Sài Gòn. Tuy nhiên, hành trình tạo dấu ấn ẩm thực này phải mất gần 20 năm. Nhà hàng Nhật đầu tiên xuất hiện vào những năm 1990 của thế kỷ trước ở khách sạn Rex. Sau đó, các bếp Nhật khác mới lần lượt nổi lửa tại Caravelle, Omni… Thuở ấy, nhà hàng Nhật là thế giới riêng của các doanh nhân nước ngoài và tầng lớp thượng lưu Sài Gòn. Người Việt bình thường xem món Nhật là điều gì đó cao xa huyền diệu.
Và rồi khách Nhật ồ ạt đổ về, cầu tăng chóng mặt nhưng cung vẫn còn quá ít ỏi nên các đầu bếp Nhật tại các khách sạn năm sao bắt đầu tách ra tự đầu tư nhà hàng bên ngoài. Bên cạnh đó, một số người Việt, từ vai trò học việc cũng dần trưởng thành và tự tin khai phá mảnh đất mới mẻ. Mọi thứ bắt đầu rẽ sang hướng rộng hơn khi nhà hàng Sushi Bar xuất hiện vào cuối những năm 90. Dòng ẩm thực cao sang này bắt đầu được kéo xuống mức trung lưu để tiệm cận với người Sài Gòn hơn. Từ đây, thuật ngữ “rủ nhau đi ăn sushi” mới chính thức xuất hiện trong người Việt.
Tốc độ phát triển của các quán Nhật bắt đầu tăng chóng mặt, có hơn 300 công ty tham gia đầu tư nhà hàng, quán Nhật. Cho đến nay có gần 500 quán Nhật ở khắp nơi, từ khu trung tâm đến ngoại ô. Một con số đáng nể mà theo nhiều người đã vượt xa nhiều đô thị khác ở Đông Nam Á. Bây giờ không chỉ có nhà giàu hay giới văn phòng mà mọi người đều có thể thưởng thức miếng cá sống hay sushi đậm chất Nhật. Trong list danh sách món ăn yêu thích của Sài Gòn chính thức có thêm những cái tên: sushi, sashimi, tempura, ramen, mochi....
Không tiếp thị, không quảng bá ồ ạt, món ăn Nhật dần dần chinh phục người Sài Gòn bằng sự gần gũi và nét tinh túy độc đáo. |
Từ những nguyên liệu cơ bản, người Nhật đã sáng tạo ra các món ăn bằng óc thẩm mỹ, sự khéo tay và hương vị tinh tế trong các loại gia vị. Những món ăn được chế biến nhỏ nhắn, xinh xắn, hương vị thanh tao, nhẹ nhàng. Đồ ăn Nhật Bản chú trọng đến đặc sản theo từng mùa và sự lựa chọn bát đĩa đựng thức ăn cũng là cả một nghệ thuật.
Chị Lâm Hoài Thu, chủ nhân Bamboo Sushi lý giải: “Không có gì ngạc nhiên khi người Sài Gòn nhanh chóng chấp nhận món Nhật vì ẩm thực của cả hai đều có những sự tương đồng rất lớn như món chính vẫn là gạo, dùng thực phẩm tươi sống và nhiều rau”. Làm nhanh một cuộc thống kê bỏ túi thì dễ dàng nhận ra, so với món Thái, món Hàn, ẩm thực xứ hoa anh đào đang chiếm ưu thế và chính thức được chấp nhận. Thậm chí, quán vỉa hè cũng đã bắt đầu xuất hiện món Nhật như cơm cuộn sushi cấp tốc.
Không tiếp thị, không quảng bá ồ ạt, món ăn Nhật dần dần chinh phục người Sài Gòn bằng sự gần gũi và nét tinh túy độc đáo. Những món ăn được chế biến nhỏ nhắn, xinh xắn, hương vị thanh tao, nhẹ nhàng. Dĩ nhiên, khẩu vị Nhật khi bước vào cái “lẩu khổng lồ” Sài Gòn thì không dễ gì được giữ nguyên. Để tồn tại, các đầu bếp phải gia giảm sao cho phù hợp. Họ phải giảm mặn để món ăn có vị ngọt thanh, thoang thoáng dư vị Sài Gòn. Tuy đã bình dân và địa phương hóa nhưng món ăn Nhật vẫn đảm bảo nhiều tiêu chuẩn khắt khe, yêu cầu các đầu bếp phải tuân thủ để giữ chất của mình.
Các quán vẫn phải dùng gạo, dấm Nhật và thực hiện đúng kỹ thuật để hạt cơm trong miếng sushi trắng bóng, dính một cách tự nhiên. Món sashimi - đồ sống của Nhật thì càng không thể chấp nhận việc đi tắt quy trình xử lý hay cải biên. Cách bảo quản miếng cá sống luôn đòi hỏi người đứng bếp phải tuân thủ nghiêm ngặt để miếng thịt cá luôn ngọt và không bị nhiễm khuẩn. Thầy Koda Minoru cho biết: “Tinh thần của Nhật Bản là vậy. Dễ dàng thích ứng nhưng cũng rất cương quyết không chịu thay đổi những giá trị cốt lõi của mình”. Ngẫm thế cũng hay, Sài Gòn sẽ có thêm nhiều cái lợi từ tinh thần Nhật Bản ấy. Các quán không đúng chuẩn sẽ bị đào thải, đời sống ẩm thực Sài Gòn sẽ được nâng cao, không nhạt nhòa màu nào cũng giống màu nào.
Trong những cuộc tiếp xúc với bạn bè người Nhật tôi nhận ra rằng, họ có xu hướng đầu tư vào chiều sâu thay vì tạo sự chú ý bên ngoài. Minami Hiroya thường lưu ý tôi cách nhìn các công ty Nhật kinh doanh, thay vì chỉ chăm chăm vào lợi nhuận, họ sẽ đồng thời đầu tư về cuộc sống cho con người lâu dài. Người Nhật thường chọn những điểm tinh tế, mang giá trị nhân bản nhiều hơn là tạo ra những sự kiện ồn ào. Giữa một thành phố “tấc đất, tấc vàng” như Sài Gòn, trung tâm thương mại do Nhật đầu tư vẫn xây những hành lang rộng, đặt ghế ngồi cho khách thư giãn, dành diện tích đáng kể cho cây xanh. Tôi rất thú vị khi phát hiện Aeon mall là trung tâm thương mại duy nhất ở Sài Gòn có hẳn một khu vực dành riêng các bà mẹ cho con bú. Đó là một căn phòng kín đáo, đẹp, sạch sẽ ngay vị trí thuận tiện. Căn phòng ở vị trí đắc địa này, dân không có đầu óc kinh doanh như tôi cũng đã nghĩ mình có thể làm được khối việc đẻ ra tiền.
Người Nhật hào phóng quá chăng? Dĩ nhiên là không nhé! Tôi và Minami Hiroya thường đến chuỗi cửa hàng tiện lợi 24h mang đậm chất gia đình của Nhật. Tôi vốn không thích những kiểu kinh doanh công nghiệp thế này nhưng ở đây lại khác. Họ hiểu cuộc sống vội vã và tâm lý ăn uống của người Sài Gòn nên tiên phong trong việc bán các món ăn chế biến nhanh trong tiệm. Tôi có thể ăn mì, xúp nóng hổi trong tiệm bằng cách tự phục vụ chứ không phải những món đồ khô ngán ngẩm. Minami Hiroya thì tìm được nhiều món quen quê nhà dù giá cả không mềm lắm.
Ở cửa hàng này chúng tôi còn có thể ngồi nhẩn nha ăn uống trò chuyện hay ngồi quay mặt ra khung kính nhìn dòng người tất tả ngược xuôi. Tận hưởng trong khung cảnh “mì ăn liền” này, tại sao không nhỉ?
Nhiều bạn trẻ say sưa tập làm gốm tại Overland Club - do vợ chồng người Nhật Tomizawa Mamoru khởi xướng. Ảnh: Overland Club. |
Tôi có nhiều cô bạn đang đam mê sưu tầm gốm Nhật. Thú chơi này ngày càng phổ biến, tạo thành một cộng đồng sưu tầm lớn mạnh. Thú chơi gốm thanh tao không chỉ thỏa mãn đam mê cá nhân mà còn góp phần nâng cao óc thẩm mỹ của người sưu tầm. Gốm Nhật không chỉ vào các cửa hàng. Các lớp học dạy cách làm gốm cũng "ăn nên làm ra". Học trò thường là cặp đôi mẹ và con, hay một nhóm bạn cùng tuổi, họ chăm chú nặn gốm theo hướng dẫn của thầy cô. Tay xoay đều bàn đặt gốm, rồi gọt vát gốm sao cho khéo léo để ra hình vóc cái tô, cái ly... Những chiếc dĩa, cái chén nho nhỏ nhưng thấm đậm triết lý duy mỹ của người Nhật “ra lò” đã khiến cuộc sống người chơi thêm thú vị.
Nước Nhật, người Nhật khởi đầu ở Việt Nam với dấu ấn Hội An. Nhưng đến nay, Sài Gòn lại là nơi giữ chân, tạo điều kiện, gieo cảm hứng để người dân xứ sở mặt trời mọc gắn kết lâu dài, hình thành một cộng đồng có màu sắc riêng biệt. Tôi vẫn còn nhớ tâm tình của những người bạn Nhật trong lần đầu gặp gỡ. Anh Minami Hiroya đã thích thú với sự biến đổi không ngừng của Sài Gòn. Điều đó cho anh cảm thấy, nơi này còn nhiều năng lượng, còn nhiều điều để khai phá. Còn đối với vợ chồng thầy Koda Minoru thì Sài Gòn là một vùng đất mới dù còn nhiều điều bất tiện nhưng ông bà lại hồ hởi đón nhận, xem đó là một sự trải nghiệm thú vị. Nhưng không ai, trong cả hai người trả lời được câu hỏi của tôi: vì sao yêu Sài Gòn? Bởi với họ, yêu là yêu, chỉ vậy thôi!
(Theo Zing.vn)