Hôm nay (6/10), TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục phiên tòa sơ thẩm, xét xử vụ án "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", xảy ra tại Công ty CP phát triển nhà Ô Cấp (huyện Long Điền, gọi tắt Công ty Ô Cấp).

Bị cáo trong vụ án là ông Hoàng Huy Hiển, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty phát triển nhà Ô Cấp. 

Phiên tòa bắt đầu từ hôm 5/10. Trước đó vụ án này từng được đưa ra xét xử nhưng sau đó hoãn và trả hồ sơ điều tra bổ sung bởi nhiều lý do. 

Ông Hoàng Huy Hiển tại phiên tòa hôm nay (6/10). Ảnh: Quang Hưng 

Tại phiên tòa hôm nay, hàng trăm bị hại có mặt tại tòa từ sớm, họ mong muốn vụ án sớm khép lại và HĐXX tuyên một bản án đúng người, đúng tội; đặc biệt là giải quyết thỏa đáng nguyện vọng, quyền lợi mà hơn 15 năm qua họ đã theo đuổi vụ án đến nay.

Suốt phiên xét xử, bị cáo Hiển được HĐXX cho phép ngồi để thẩm vấn, đối đáp vì lý do sức khỏe.

Theo cáo trạng, Công ty Ô Cấp được Sở KH-ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tháng 11/2001. Qua 14 lần thay đổi đăng ký, doanh nghiệp có 3 thành viên góp vốn, trong đó với số cổ phần 34%, ông Hoàng Huy Hiển nắm giữ chức Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, là người đại diện theo pháp luật của công ty này.

Năm 2003-2004, Công ty Ô Cấp được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao làm chủ đầu tư và phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án “Khu dân cư số 1 - Tây Nam thị trấn Long Điền (huyện Long Điền).

Ngày 16/3/2012, UBND huyện Long Điền có quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 dự án trên với quy mô diện tích quy hoạch 416.300m2, gồm các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng, các cao ốc văn phòng, khách sạn gồm 2.569 căn hộ, biệt thự liền kề 1.149 căn.

Để có nguồn vốn thực hiện dự án, với tư cách là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, ông Hiển đã thế chấp toàn bộ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) tại 5 ngân hàng và 1 cá nhân để vay vốn.

Mặc dù toàn bộ các giấy CNQSDĐ đã bị thế chấp và biết rõ việc chủ đầu tư dự án không được phép chuyển nhượng các nền đất của dự án (theo quyết định số 14266/QĐ-UB của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), nhưng từ năm 2007 đến 2012, ông Hiển đã ký kết các Hợp đồng góp vốn (thực chất là Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ đối với các đất nền tại dự án) thu từ 70% - 100% giá trị hợp đồng từ khách hàng.

Sau đó sử dụng số tiền thu được để chi cho cá nhân và nhiều mục đích khác, dẫn đến mất khả năng thanh toán, bị các ngân hàng bán đấu giá các quyền sử dụng đất để thu hồi tài sản dẫn đến việc không thể chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa và hoàn thiện công trình để bàn giao cho khách hàng.

Cơ quan điều tra xác định, với thủ đoạn trên, ông Hiển đã chiếm đoạt hơn 63 tỷ đồng của 221 khách hàng.

Dừng tòa vì phát sinh nhiều tình tiết mới

Tại phần xét hỏi sáng nay, HĐXX, đại diện VKS và luật sư phía bị hại đã tập trung làm rõ nhiều tình tiết liên quan; trong đó, đáng chú ý là phần trình bày nguyện vọng của các bị hại về giải quyết vụ án.

Tại phiên tòa, các luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị hại đề nghị HĐXX xem xét trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ “toàn diện vụ án”, qua đó đảm bảo quyền lợi khách hàng, chứ không đơn thuần là xử lý hình sự đối với ông Hiển.

Cụ thể, xác định số lượng khách hàng (bị hại) trong vụ án và 217 bị hại có mặt tại tòa; việc ngân hàng nhận thế chấp sổ đỏ đúng pháp lý hay chưa, bởi thời điểm nhận thế chấp thì sổ là đất nông nghiệp, sau đó ngân hàng cho công ty lấy sổ ra để làm thủ tục tách thửa, chuyển mục đích... để đảm bảo thực hiện hợp đồng (khoản vay).

Các bị hại rời phiên tòa sau thông báo tạm dừng. Ảnh: Quang Hưng

Trả lời câu hỏi của HĐXX về việc đã thống nhất với người nhà như thế nào về việc giải quyết bồi thường cho bị hại. Bị cáo Hiển trả lời, đã bàn bạc với con cháu để cùng giải quyết, đến nay các con cháu đồng ý và đề nghị làm rõ số tiền, gồm trả nợ (gốc và lãi, lãi phạt) cho ngân hàng và các bị hại.

Đại diện ngân hàng Eximbank trình bày, lý do giải ngân cho nhóm công ty Ô Cấp là để công ty này làm dự án, cải tạo nâng cấp dự án... "Tính đến tháng 5/2022, toàn bộ số tiền công ty Ô Cấp còn nợ ngân hàng là khoảng 129 tỷ đồng" - đại diện Eximbank nói tại tòa.

Các cơ quan tố tụng cũng tập trung hỏi đại diện ngân hàng Eximbank về trách nhiệm trong việc thực hiện cho vay; tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm thủ tục tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất... Đối đáp lại nội dung này, đại diện Eximbank khẳng định các thủ tục cho vay đều đúng quy định pháp luật, quy định ngân hàng.

Tại phiên xét xử chiều nay, bà Nguyễn Thị Thu Hà (bị can trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” khác đang chờ xét xử - PV) cũng có mặt tại tòa với tư cách người liên quan, bởi bà Hà là người mua lại một số nền đất tại dự án Khu dân cư số 1 - Tây Nam thị trấn Long Điền, sau khi ngân hàng đưa ra bán đấu giá. 

Sau phần xét hỏi bà Hà, HĐXX nhận thấy vụ án có nhiều tình tiết mới phát sinh, nên thông báo tạm dừng phiên tòa, sẽ mở lại vào lúc 14h ngày mai (7/10). 

Quang Hưng