Theo báo Independent của Ai Cập, Adly Mansour vừa được chỉ định làm Tổng thống
lâm thời của Ai Cập sau khi quân đội lật đổ Mohammed Morsi.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
Adly Mansour được quân đội Ai Cập chọn lên nắm quyền giữa lúc phe đối lập ở nước này đang ăn mừng sự kiện Tổng thống Mohammed Morsi bị lật đổ. |
Hồi tháng 5, chính ông Morsi đã bổ nhiệm ông Mansour đứng đầu Tòa án Hiến pháp
Tối cao Ai Cập và vị thẩm phán 67 tuổi này chỉ mới bắt đầu công việc này từ 1/7
khi nhiệm kỳ của người tiền nhiệm kết thúc.
Mansour phục vụ tại Tòa án kể từ năm 1992, giữ chức vụ Phó Chánh án trước khi được thăng chức. Ông cũng là người tham gia soạn thảo luật giám sát cho cuộc bầu cử Tổng thống đưa ông Morsi lên nắm quyền năm 2012.
Tuy nhiên, theo báo Independent, Mansour là thành viên của một bộ máy tư pháp "liên tục xung đột" với Morsi trong quá trình ông này làm Tổng thống.
Trong bài phát biểu của mình, tướng Abdel-Fattah el-Sissi, chỉ huy quân đội Ai Cập, tuyên Chánh án Tòa án Hiến pháp tối cao sẽ đảm nhiệm chức vụ Tổng thống tạm thời cho đến khi các cuộc bầu cử mới được tổ chức. Ông sẽ được các thẩm phán của Tòa án làm lễ tuyên thệ nhậm chức", ông Sissi nói.
Cũng theo tướng Sissi, một chính phủ gồm các nhà kỹ trị sẽ được thành lập với "đầy đủ quyền hạn" để điều hành đất nước.
Tuy là một thẩm phán ít được biết tới nhưng có lẽ chính điều này lại đáp ứng được mục đích của quân đội Ai Cập khi họ tìm kiếm một nhân vật trung lập cho vị trí lãnh đạo đất nước trong thời kỳ chuyển giao khó khăn hiện nay.
Ở cương vị mới, Mansour sẽ phải lãnh đạo một đất nước đang bị chia rẽ sâu sắc về việc ông Morsi bị lật đổ sau những ngày đụng độ chết người giữa hai phe ủng hộ và phản đối Tổng thống. Nhiệm vụ nặng nề của ông là phải dẫn dắt Ai Cập tới các cuộc bầu cử Tổng thống và lập pháp tiếp theo vốn sẽ diễn ra trong khoảng từ 3 đến 6 tháng tới.
Theo phân tích từ CNN, chính phủ lâm thời của Tổng thống Mansour nhiều khả năng sẽ cần viết lại hiến pháp.
Tuy nhiên, một điều khó cho Mansour là ông sẽ không có trong tay quyền lực tối thượng.
"Ông ấy không phải là Tổng thống Ai Cập giống như Morsi hay Mubarak", Tarek Masoud, một giáo sư về chính sách công tại Trường Quản lý Nhà nước John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard, nhận xét. "Chính quyền Ai Cập sẽ nằm trong tay của quân đội, nhưng họ phải đặt một bộ mặt hiến pháp lên nó. [Mansour] không thể ảo tưởng về mức độ quyền hạn của ông".
Dẫu vậy, theo các chuyên gia, dù ở vị trí phụ thuộc, Tổng thống Ai Cập lâm thời nhiều khả năng sẽ thực thi việc kiểm soát đáng kể đối với việc soạn thảo luật bầu cử mới.
"Nhiệm vụ chính của ông sẽ là hoàn thành một luật bầu cử", Michael
Wahid Hanna thuộc Quỹ Century Foundation, đánh giá.
Thanh Hảo (Tổng hợp)